Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam

Là quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này được khẳng định ngày càng rõ nét trên thực tế.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Theo con số thống kê, hiện nay trên cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo...

Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019 tổ chức tại Việt Nam

Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Với tinh thần “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”, Đảng ta rất coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Ngay từ ngày đầu lập nước, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Thể chế quan điểm đó, ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL- văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

Trong quá trình lịch sử, để bảo đảm quyền tự do tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể chế thông qua các văn kiện Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Trong 20 năm gần đây, Nhà nước đã ban hành trên 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân… Trong đó, đáng chú ý là Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Đặc biệt, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực năm 2018) đã chứng tỏ sự quan tâm và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là minh chứng cho sự hoàn thiện và đảm bảo tương thích với luật pháp quốc tế về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta. Tháng 3-2023, Việt Nam tiếp tục công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, minh bạch hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua. Cuốn sách một lần nữa khẳng định Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng; không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm.

Điểm đáng chú ý là Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng, sôi động và phong phú

Đi vào thực tế, trong những năm qua, có thể khẳng định rằng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng, sôi động và phong phú. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.

Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện để phát triển với việc giao đất, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự ngày càng khang trang hơn; số lượng cơ sở đào tạo chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo tăng lên; trình độ thế học và thần học của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ngày càng nâng cao; hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tổ chức tôn giáo được thực hiện thuận lợi. Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được tạo điều kiện. Trước khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có tổng số 2.691 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, sau khi luật có hiệu lực có thêm 1.112 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham dự, nổi bật như: tháng 12-2017, Giáo hội Tin lành tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành; tháng 7-2019, Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai, với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014, 2019), riêng năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) đã thu hút sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ)…

Với trách nhiệm là công dân - tín đồ, đồng bào tôn giáo đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tại Quốc hội khóa XV, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội, 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các hoạt động giao lưu của các tổ chức tôn giáo Việt Nam với các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới diễn ra thường xuyên, như trao đổi đoàn ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo, tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực; đăng cai, phối hợp tổ chức các hội nghị, diễn đàn tôn giáo trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, quốc tế... Tại các diễn đàn song phương, đa phương, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.

Những thực tiễn kể trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Những thành tựu đó không chỉ được nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam hai lần được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cho thấy quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng, được bảo đảm tốt và không thể phủ nhận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-luc-dam-bao-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-cua-viet-nam-post564170.antd