Nỗ lực cứu rừng trên đỉnh Lếch Mông

Cho đến sáng sớm 14-3, với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cùng người dân địa phương và cơ quan chức năng, đám cháy trên đỉnh núi Lếch Mông, nơi giáp ranh giữa xã Tả Phời (TP Lào Cai) và các xã Mường Hoa, Thanh Bình (thị xã Sa Pa) đã được khống chế. Kết quả trên xuất phát từ hiệu quả của phương châm '4 tại chỗ' trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó phải kể đến sự tham mưu tích cực, chủ động và phối hợp có hiệu quả của cơ quan quân sự.

Chúng tôi có mặt tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khi các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên đỉnh Lếch Mông vẫn đang túc trực, sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống phát sinh. Không giấu được dáng vẻ mệt mỏi sau một đêm thức trắng chỉ huy cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã nỗ lực cứu rừng, Trung tá Đào Quang Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Sa Pa chia sẻ: Đêm 12-3, ngay sau khi nhận được tin cháy rừng bùng phát trên đỉnh núi Lếch Mông, Ban CHQS thị xã Sa Pa đã tham mưu cho UBND thị xã Sa Pa huy động hai trung đội dân quân cơ động của hai xã Tả Phời và Mường Hoa cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, tổng quân số hơn 80 người nhanh chóng cơ động trong đêm, kịp thời có mặt tại hiện trường, cùng lực lượng kiểm lâm và nhân dân địa phương tích cực dập lửa.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai tham gia dập lửa cứu rừng trên đỉnh Lếch Mông. Ảnh: CTV.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai tham gia dập lửa cứu rừng trên đỉnh Lếch Mông. Ảnh: CTV.

Cũng theo Trung tá Đào Quang Hưng, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lúc này là vị trí xảy ra cháy rất hiểm yếu, địa hình dốc đứng, vách đá cheo leo, rừng cây rậm rạp. Trong khi bộ đội lại phải di chuyển trong điều kiện đêm tối khiến việc tiếp cận hiện trường hết sức khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thêm vào đó, thời tiết đang trong thời điểm hanh khô, kết hợp gió to, làm đám cháy không ngừng lan rộng. Tuy nhiên, do đã có sẵn các phương án về phòng, chống cháy rừng, cùng những phương pháp, kỹ năng được huấn luyện thường xuyên nên cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã từng bước khoanh vùng, chia nhỏ, ngăn chặn, cùng các lực lượng từng bước khống chế đám cháy. Cho đến gần sáng 13-3, trước tình hình đám cháy vẫn chưa được khống chế, Ban CHQS huyện tiếp tục tham mưu với địa phương huy động thêm một trung đội dân quân cơ động của xã Bản Hồ, gồm hơn 30 cán bộ, chiến sĩ và một phần lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 phối hợp chữa cháy, cứu rừng.

Từ kinh nghiệm của người dân địa phương, sáng sớm là thời điểm thuận lợi nhất cho việc dập lửa, bởi độ ẩm cao, trời đã sáng rõ, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã Sa Pa tranh thủ từng giây, từng phút tiếp cận hiện trường, khéo léo khoanh vùng, khống chế đám cháy, không để lan rộng. Theo chỉ đạo của cán bộ Ban CHQS thị xã và lực lượng kiểm lâm, các tổ xung kích chữa cháy rừng của địa phương được chia thành những nhóm nhỏ, tiếp cận khu vực cháy theo nhiều hướng khác nhau và tích cực phát đường băng cản lửa.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong công tác chữa cháy rừng trên đỉnh núi Lếch Mông suốt đêm 12, rạng sáng 13-3, có hàng chục phụ nữ người dân tộc Mông không quản khó khăn, vất vả hăng hái tham gia. Các chị không trực tiếp đương đầu với giặc lửa mà đảm nhiệm việc gùi cơm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu lên đỉnh núi, phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân đang tham gia cứu rừng. Gặp chị Vàng Thị Lan, thôn Lếch Mông, xã Tả Phời gương mặt còn lấm lem than bụi, khi được hỏi về cảm xúc của mình, chị cười tủm tỉm: “Rừng mà cháy hết thì dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, khổ lắm. Thôi thì mỗi người góp sức một ít, cùng bộ đội, dân quân sớm dập tắt hết ngọn lửa trên núi đi, ai cũng phải cứu lấy rừng mà…”.

Trao đổi với ông Phùng Trần Tình, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, chúng tôi được biết, ngay trong đêm 12-3, anh đã sát cánh cùng bộ đội và dân quân xã cơ động lên đỉnh núi. Lúc đầu, Ban chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) địa phương cũng sớm huy động lực lượng tiếp cận khu vực cháy với hy vọng sớm làm chủ tình hình, nhưng do thời tiết khô hanh nhiều ngày, lại có gió thổi mạnh nên ngọn lửa bùng lên dữ dội. “Trên đường lên đỉnh núi, chúng tôi còn chưa nhìn thấy ngọn lửa, nhưng chỉ hơn một giờ sau, đám cháy đã lan rộng về hướng thôn Lếch Mông. Ban đầu chúng tôi dự tính chỉ cần 100 người là có thể khống chế được đám cháy, nhưng khi lên đến nơi thì thấy không đủ khả năng nên đã báo cáo trên để chi viện thêm lực lượng”, ông Tình cho biết.

Còn đồng chí Lê Mạnh Hảo, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa thì khẳng định, ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở và sự tham mưu của Ban CHQS thị xã, nhận định tình hình có thể diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCCCR thị xã đã huy động hơn 300 người từ các tổ bảo vệ rừng những xã: Mường Hoa, Bản Hồ, Thanh Bình cùng lực lượng bộ đội, dân quân, kiểm lâm… tham gia chữa cháy.

Chúng tôi được biết, diện tích bị thiệt hại khoảng hơn 10ha. Các lực lượng ở xã Mường Hoa và Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đã được lệnh rút dần xuống chân núi. Lực lượng còn lại tiếp tục kiểm tra kỹ các đốm lửa nhỏ, dập tắt từng mẩu than, đề phòng ngọn lửa bùng phát trở lại. Nhân dịp này, lãnh đạo UBND thị xã Sa Pa; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã kịp thời gặp gỡ, động viên, biểu dương và tặng quà cán bộ, chiến sĩ LLVT và lực lượng tại chỗ, đã tích cực tham gia chữa cháy, cứu hàng trăm héc-ta rừng trên đỉnh núi Lếch Mông.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/no-luc-cuu-rung-tren-dinh-lech-mong-612321