'Nợ công tăng, dừng dự án điện hạt nhân là hợp lý'

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nếu tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nợ công có nguy cơ tăng nữa.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương năm 2009 (ảnh minh họa).

Sáng 10.11, bên hành lang Quốc hội, ĐB Lê Hồng Tịnh đã lý giải về việc xin dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông Tịnh cho hay, chủ yếu là tính khả thi của dự án không còn. Ngoài ra cũng chưa tính đủ hết các yếu tố ví như nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên nữa. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường vừa qua...

Cũng theo ông Tịnh, thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, kinh tế đang tăng trưởng cao, bình quân 7-8%, dự kiến tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì GDP tăng trưởng một, điện sẽ tăng hai, trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế thấp hơn, dao động 6-7% một năm.

“Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây rất lớn khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Theo nhiều dự báo thì giá dầu khó có thể vượt 50USD một thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch thì chúng ta có thể nhập để phát điện" - ĐB Tịnh cho biết.

Vẫn theo ĐB Tịnh, hiện nay dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hợp lý, vì nợ công đang tăng. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Nếu không đầu tư điện hạt nhân thì có thể đầu tư khác để đảm bảo nguồn điện.

Đề cập đến việc nhân lực đã được đưa đi đào tạo phục vụ nhà máy điện hạt nhân giờ dừng dự án sẽ bị ảnh hưởng thế nào, ĐB Nguyễn Bắc Việt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, ngày 9.11, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lãnh đạo tỉnh có làm việc, các du học sinh này khi học xong sẽ được bố trí vào làm việc tại nhà máy điện, chương trình dự án, ban quản lý dự án của EVN.

Tỉnh đã đề nghị với Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất cho các em du học sinh người Ninh Thuận yên tâm học tại nước ngoài theo chương trình đã định. Các nguồn ngân sách cho các em học, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ phải đảm bảo cho các em đến khi ra trường.

"Thực tế là các em được gửi đi học để chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân không chỉ là con em của Ninh Thuận mà cả nhiều tỉnh, thành khác, cho nên tỉnh đã đề nghị và chắc chắn Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho các em" - ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, để chuẩn bị cho dự án hạt nhân thì Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư tuyến đường ven biển Ninh Thuận, rồi tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m 3 ) để phục vụ dự án.

"Nếu không làm dự án hạt nhân nữa thì thực tế là những dự án này vẫn phát huy rất tốt cho Ninh Thuận. Đường ven biển sẽ kết nối các xã ven biển, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tốt hơn. Còn hồ Tân Mỹ thì giải quyết vấn đề khô hạn của tỉnh rất tốt" - ĐB Việt cho hay.

Chiều 10.11, Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/no-cong-tang-dung-du-an-dien-hat-nhan-la-hop-ly-722085.html