No ấm trên dải đất ven sông

Sông Hồng đoạn chảy qua miền đất tâm linh Kim Sơn - Bảo Hà (Bảo Yên) uốn lượn, êm đềm như dải lụa, vị ngọt phù sa bồi sắp nên những làng mạc trù phù, bờ bãi xanh tươi. Là dải đất rộng lớn, trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến động lịch sử, thôn Kim Quang, xã Kim Sơn với tên xưa cũ là Bãi Liềm vẫn mang trong mình khung cảnh bình yên, thân thuộc với những con người đôn hậu, chịu thương chịu khó.

Ngược tuyến đường ven sông Hồng từ Bảo Hà lên chừng hơn mười cây số, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ theo biển chỉ dẫn về hướng đền Hai Cô, ấy cũng là điểm đầu của thôn Kim Quang.

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi vào từng xóm nhỏ, những căn nhà mái ngói rêu phong hướng mặt ra sông Hồng, bờ bãi trải dài tít tắp là ruộng ngô xanh rì, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ… Cảnh sắc hai bên đường khiến những ai đặt chân đến sẽ liên tưởng đến một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Kim Quang xưa được biết đến nhiều hơn với cái tên Bãi Liềm. Ông Phan Văn Ánh, người cao tuổi trong thôn bảo, cái tên ấy có từ lâu rồi, trước khi những người miền xuôi lên định cư ở mảnh đất này thì đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn gọi như thế. Ấy là bởi nhìn từ xa, dòng sông Hồng ôm trọn dải đất này như hình lưỡi liềm.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước nó mới có tên gọi mới là Kim Quang. Tên gọi này được ghép từ địa danh xã Quang Trung (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) - xã Kim Sơn như một sự kết duyên của hai vùng đất nơi có những người con miền xuôi theo gọi của Đảng lên xây dựng kinh tế mới.

Ông Phan Văn Ánh kể, đợt vận động đầu tiên năm 1961 có 14 hộ lên định cư và đến đợt thứ hai năm 1966 có thêm 20 hộ. Dù còn nhỏ tuổi nhưng ký ức về những vất vả, gian nan của các thế hệ người miền xuôi ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này vẫn luôn được ông khắc sâu trong lòng.

Theo ông Ánh, dẫu lúc đầu đã chuẩn bị tinh thần đến miền đất mới sẽ thiếu thốn đủ bề nhưng nhiều người vẫn không khỏi lo âu khi bước chân xuống tàu hỏa nhìn đâu cũng là rừng núi âm u. Đoàn người lên khai hoang được chính quyền địa phương sắp xếp dựng lều lán ở ven sông, Nhà nước cũng cấp gạo và nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống trong thời gian đầu.

Điều ông Ánh nhớ nhất là Bãi Liềm khi ấy là nơi định cư của nhiều người dân là đồng bào Dao, họ cũng khai phá được một ít ruộng, nhưng khi người miền xuôi lên định cư, bà con người Dao đã nhường diện tích đất ấy để di chuyển sang những thôn lân cận và sang cả bên kia sông là thôn Lỵ, xã Cam Cọn hiện nay.

Khi cuộc sống bước đầu ổn định, bà con bắt tay vào công cuộc khai hoang ruộng đất. Chỉ tay về phía cánh đồng trù phú vẫn giữ tên gọi Cửa Bãi từ hàng chục năm nay, ông Ánh bảo, ấy là khu ruộng đầu tiên được cải tạo, khai hoang. Để canh tác lúa phải chủ động được nguồn nước, ấy vậy là một cuộc vận động toàn dân góp công sức làm hồ thủy lợi được phát động.

Nhớ lại không khí sục sôi những ngày ấy, ông Ánh không khỏi bồi hồi. “Ngày ấy chẳng có máy móc như bây giờ, tất cả chỉ dùng sức người vậy mà có cảm giác không gì là không làm được”. Công trình hồ thủy lợi hoàn thành trong niềm vui khôn tả, mở ra công cuộc khai phá thêm nhiều diện tích trồng lúa nước. Trải qua hàng chục năm đến nay, hồ thủy lợi Kim Quang vẫn phát huy hiệu quả.

Chiến tranh biên giới nổ ra, người dân Kim Quang di tản đi khắp nơi, sau đó họ trở về khôi phục sản xuất, bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Những năm đất nước đổi mới, không khí lao động sản xuất ở Kim Quang được thổi một luồng gió mới. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Kim Quang bắt đầu công cuộc mở mang thêm diện tích khai hoang, những diện tích đất trống, đồi trọc được bà con cải tạo để trồng rừng sản xuất.

Ông Phan Văn Ánh kể với niềm tự hào, đất đai ở đây đúng là bờ xôi ruộng mật, trồng cây gì cũng tươi tốt, năng suất lúa, ngô ở đây lúc nào cũng cao nhất xã, đóng góp nhiều thóc gạo cho kháng chiến, nơi đây còn có giai đoạn là vựa mía lớn của vùng.

Người dân Kim Quang hiền hậu, chịu thương chịu khó nên trong mỗi giai đoạn dù khó khăn đến đâu bà con cũng không bao giờ nản lòng. Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng thôn Kim Quang chia sẻ: Chỉ cách đây vài ba năm, Kim Quang được biết đến là trung tâm chăn nuôi của xã với nhiều mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại, nhưng dịch bệnh ập đến, nhiều hộ bị thiệt hại, đến nay chưa thể khôi phục. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra, Kim Quang giờ đây lại nổi lên với nghề đan lát.

Chị Nguyễn Thị Thương, Tổ trưởng tổ đan lát của thôn cho biết, từ chỗ chỉ có một, hai hộ làm nghề thì nay cả thôn đã có 52/96 hộ tham gia. Các sản phẩm đan lát của bà con chủ yếu là hình nhân, mã cung cấp cho các cơ sở tại Bảo Hà, Tân An phục vụ hoạt động tâm linh của người dân và du khách lễ đền. Thu nhập không quá cao nhưng bù lại, sản phẩm tiêu thụ ổn định và bà con có thể tranh thủ làm những lúc nhàn rỗi.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Toản cho biết, Kim Quang đang được xã Kim Sơn lựa chọn để thử nghiệm một số mô hình cây ăn quả, nếu thành công đây sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân nơi đây.

Kim Quang còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử với di tích đền Hai Cô, nơi gắn với lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thời nhà Trần. Truyền thuyết kể rằng, trong một trận chiến đấu với quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII), có hai cô gái đi theo quân nhà Trần canh gác trên một cái chòi cao tại Bãi Liềm làm nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu khi quân địch tới.

Trong trận chiến này, thế giặc mạnh, chòi canh của Hai Cô gái bị quân giặc bao vây. Biết không thể thoát khỏi vòng vây và quyết không để rơi vào tay quân giặc, hai cô đã châm lửa chòi canh tự sát. Sau khi hai cô thác đã hiển linh ở khu vực Bãi Liềm. Linh hồn hai cô đã nhiều lần hiển linh phù trợ quân lính nhà Trần thời bấy giờ đánh thắng trong nhiều trận chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Chính vì vậy, uy danh và sự linh thiêng của hai cô nổi tiếng khắp xa gần.

Để tưởng nhớ sự hy sinh của hai cô, người dân nơi đây đã lập đền thờ phụng và thường gọi là “đền Hai Cô”. Ngày nay, người dân nơi đây thường tâm niệm sau khi thác, hai cô thường xuyên hiển linh phù hộ, độ trì cho thuyền bè qua lại trên sông Hồng được xuôi chèo mát mái.

Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của người dân địa phương và du khách thập phương, khu vực đền đang quy hoạch, tôn tạo. Tương lai không xa nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng.

Trước khi chia tay, Trưởng thôn Nguyễn Văn Toản đưa chúng tôi lên một mỏm đồi cao để nhìn được toàn cảnh Kim Quang. Chiều thu, ánh nắng lấp lánh chiếu trên trên cánh đồng lúa vàng, trên bãi ngô dài tít tắp xanh rì và những rừng mỡ, trẩu, bồ đề dọc theo triền sông… một màu no ấm trải dài trên Bãi Liềm - Kim Quang. Sức sống ý chí vươn lên của đất và người nơi đây đã biến mảnh đất từ nghèo khó đã trở thành thôn nông thôn mới. Trưởng thôn Nguyễn Văn Toản chia sẻ: Đó là thành quả của sự chung sức đồng lòng, ý chí quyết tâm!

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/no-am-tren-dai-dat-ven-song-post374856.html