'Níu chân' khách du lịch 'Tây ba lô' bằng cách nào?

Gần đây, cư dân vùng miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn lạ lẫm với hình ảnh những đoàn khách du lịch 'Tây ba lô' xuất hiện trên khắp vùng cây trái bạt ngàn, sông nước mênh mông. Ăn mặc đơn giản và rất 'bụi', họ rong ruổi 'phượt' khắp các kênh rạch, vườn cây, ruộng lúa để tìm cách hòa nhập với đời sống cư dân miền Tây sông nước hoặc đắm mình trong khung cảnh hữu tình của thiên nhiên. Có cầu, ắt có cung, các dịch vụ phục vụ nhu cầu 'phượt' của khách du lịch nước ngoài đua nhau mọc lên và ngay sau đó đã vướng phải những chuyện 'dở khóc, dở cười'…

Trải nghiệm cảm giác qua “cầu khỉ” ở ĐBSCL. Ảnh: Phan Mạnh Hưng

Khách Tây và những “chuyện trên trời”

Aderien Duvand là một người Pháp đang ở độ tuổi trung niên. Với triết lý “khám phá đồng nghĩa với hạnh phúc”, tự trang bị cho mình một bộ đồ “phượt” bao gồm những vật dụng cần thiết để rồi, ba lô trên vai, Duvand luồn lách đến các nhà vườn, rừng sác ở vùng miền Tây sông Hậu, thuộc Cà Mau. Đến đâu anh cũng ghi chép, tập nói tiếng Việt và học cách sinh hoạt của người dân địa phương.

Nhiều chủ nhà vườn cố bấm bụng nín cười khi các món ăn nào cũng bị anh mặc cả. Như để phân bua, anh quay sang, cố diễn đạt để người bản xứ ngồi bàn bên cạnh hiểu rằng đó là kiểu “tùy tục” khi “nhập gia”. Lần “du lịch bụi” này, anh có gần 10 ngày lang thang khắp vùng sông nước miệt vườn Cần Thơ đúng vào dịp mùa lũ về xứ “gạo trắng nước trong”.

Có rất nhiều câu chuyện về sở thích của “Tây ba lô”, nhưng chung quy vẫn là hướng về thiên nhiên và hòa nhập với cuộc sống đời thường của cư dân bản địa. Họ chuộng sự nguyên sơ của thiên nhiên và tính bình dị của cuộc sống. Chẳng hạn, cứ mỗi khi thuê đò thì cứ y như rằng khách yêu cầu đưa vào các rạch nhỏ. Chỉ có thế họ mới chiêm ngưỡng đầy đủ cảnh quan thật sự của cây trái, sông nước và cuộc sống của cư dân hai bên bờ rạch.

Xác nhận “sự thật” này, chị Ba Tân, chủ một doanh nghiệp lữ hành ở thành phố Cần Thơ cho biết, có một lần trực tiếp đưa đoàn khách Mỹ đi thăm vườn cây ăn trái ở ngoài cù lao. Vừa nhìn thấy bãi cát thoai thoải, một ông khách không kiềm chế được hứng thú, đã nhanh chóng thoát y 100% rồi phóng xuống, quỳ trên bãi cát, hú lên như Tarzan… Ở trên bờ, các cô gái phải nhắm mắt bỏ chạy. Còn khi đi luồn lách trong các con rạch thì thi nhau quay phim, chụp ảnh chung với cô dâu, chú rể; có đám tang thì xin đến thắp nhang, còn đám giỗ…

Riêng anh Ba Thành, một hướng dẫn viên du lịch làm việc trong một doanh nghiệp lữ hành tại thị trấn Thốt Nốt thì chia sẻ về một “sự kiện không thể quên”, đại ý: Một lần anh đưa đoàn sinh viên Đức ghé vào một đám giỗ. Chủ nhà hào hứng mang ra cả hũ rượu thuốc để đãi khách “quốc tế”. Nếm xong hớp rượu, họ quay sang Ba Thành hỏi đây là cái gì. Ấp úng một lúc, Ba Thành nói đại: Whisky Vietnamese! Cả bọn đồng thanh kêu lên: Very good! (Rất ngon!). Thế là gia chủ và khách cứ chuốc rượu cho nhau đến tối tăm mày mặt.

Một lần khác, khi đi ngang một “nhà cầu cá vồ”, thấy có người đang ngồi trong đó, khách hỏi: “Cá nuôi trong đó để làm gì?”. Ba Thành lúng túng không biết trả lời sao trước “chuyện trên trời” này, đành bảo là băm ra để nuôi gia súc. Đến bây giờ, anh còn thấy thẹn, không phải vì lời nói dối mà vì sợ dân Tây đánh giá dân ta qua cái “nhà cầu cá vồ” kém văn minh.

Theo anh Ba Thành, ban đầu, khách du lịch “Tây ba lô” với nhiều quốc tịch khác nhau đến ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng thường theo lối “phượt cá nhân”, nghĩa là mạnh ai nấy đi. Còn bây giờ, khi các công ty du lịch tổ chức được những tua khám phá miệt vườn khá chuyên nghiệp thì hầu hết “Tây ba lô” đều thuê xe khách đi từng đoàn, thi thoảng mới có người mang trong mình “máu thám hiểm” cưỡi xe mô tô hay xe đạp một mình đi rong ruổi khắp các nẻo đường.

Ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp

Quá trình “lòng vòng” ở vùng miền Tây sông nước để “lấy hứng” cho bài viết này, chúng tôi được gặp anh Phan Văn Trường, Giám đốc một công ty du lịch chuyên thiết kế các tua phục vụ khách du lịch quốc tế, có trụ sở tại trung tâm thành phố Cần Thơ. Với vốn hiểu biết qua hơn 10 năm tiếp cận với du khách nước ngoài, anh cho biết: Khách du lịch nước ngoài luôn tìm cách tiếp cận những gì mà họ muốn biết và học rất nhanh những gì họ cần. Họ đến xứ sở này không phải chỉ để ăn, ngủ… mà tất cả đều có mục đích. Con số chung nhất là trải nghiệm, tìm sự thanh thản tâm hồn, nhưng cũng không ít người trong lớp vỏ “ba lô” để tiếp thị, nghiên cứu văn hóa, xã hội… Mọi thứ khác chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích của họ.

Trong số đó, số khách du lịch là thương gia, trí thức đeo ba lô không phải hiếm và chuyện mặc cả là kiểu sinh hoạt bình thường của họ. Sẽ không mời gọi được khách “Tây ba lô” nếu như các cơ sở kinh doanh du lịch thiếu động tác hướng dẫn tận nơi để xem phòng nghỉ, cho giá và chịu khó nghe họ mặc cả cũng như lựa lời giải thích.

Khách du lịch nước ngoài hết sức hứng thú với “màn” tập cày ruộng. Ảnh: Phan Mạnh Hưng

Có mặt “thực tế” trên các con tàu đò du lịch của Giám đốc Phan Văn Trường, nhìn nước da sạm nắng và dáng vẻ lam lũ của các “tài công”, chúng tôi không nghĩ rằng họ là những người trực tiếp giao dịch với người nước ngoài. Anh Tám Phước, nhà bên kia Cồn Ấu, đối diện với bến Ninh Kiều, cho biết, dòng họ nhà anh đã ba đời làm nghề đưa khách sang sông.

Khi bắt đầu có khách “Tây ba lô”, cứ tưởng đến thế hệ của anh sẽ chấm dứt thời kỳ lam lũ. Ai ngờ, gia đình kể cả con, cháu, dâu rể gồm hơn chục người, thì đã có hơn phân nửa đồ dồn về bến này để làm nhân viên cho các doanh nghiệp du lịch. Ông chủ và các nhân viên đang cố bấu víu vào nhau để sống, cố chen chân vào cái thị trường du lịch “Tây ba lô” đầy sóng gió.

Tâm sự với chúng tôi về nghề chèo đò phục vụ khách, anh Tám Phước thật thà: “Bây giờ còn nói được bập bẹ tiếng Anh với khách. Lúc trước, chỉ cần biết chữ H là giờ, chữ USD là đô la Mỹ, rồi nhặt viên gạch bên đường viết trên nền xi măng. Khách gật đầu ok, thì đò nổ máy. Vậy mà dễ kiếm sống hơn bây giờ. Bây giờ, mà tin cậy vào sự hào phóng của khách “Tây ba lô” thì khó đấy. Ở một khách sạn, có lần đổi tiền Việt Nam cho khách, còn thiếu 17 ngàn đồng mà không có tiền lẻ, chưa biết tính sao, ông Tây xòe tay ra đòi nốt số còn lại. Thế là tui phải đưa gọn tờ giấy 20 ngàn đồng. Xem như nhận phần thiệt về mình…”.

Nghe chúng tôi thuật lại câu chuyện này, Giám đốc Phan Văn Trường bày tỏ: “Với đặc điểm riêng có của vùng ĐBSCL, để “níu chân” khách du lịch “Tây ba lô”, các cơ sở lữ hành cần có giải pháp kích thích sự khám phá, đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương, nhất là phải gắn du lịch với văn hóa và gắn bảo tồn văn hóa với du lịch thì mới có sự phát triển bền vững. Muốn vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo ra sự gắn bó giữa người dân và các doanh nghiệp du lịch. Phải làm thế nào để người dân thấy cần phải gắn bó hơn với văn hóa. Khi họ “nhìn” thấy được lợi ích thiết thực của việc gìn giữ được bản sắc văn hóa của mình từ các nguồn thu từ du lịch thì chắc chắn, bức tranh du lịch ở ĐBSCL sẽ khởi sắc”.

Phan Mạnh Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/niu-chan-khach-du-lich-tay-ba-lo-bang-cach-nao/