Ninh Thuận: 4 học sinh bị đuối nước trong lúc đi trải nghiệm, 1 bạn không qua khỏi

UBND huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ làm việc với trường THCS Trần Quốc Toản, xã Nhơn Sơn, để làm rõ nguyên nhân vụ việc một nam sinh lớp 9 bị đuối nước, tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm của trường ở vịnh Vĩnh Hy.

Thông tin từ UBND huyện Ninh Sơn ngày 3/4 cho biết, trước đó vào ngày 31/3, trường THCS Trần Quốc Toản tổ chức cho 115 học sinh khối 9 đi trải nghiệm hệ sinh thái với chủ đề "một ngày với thiên nhiên" tại vịnh Vĩnh Hy, cách trường chừng 45 km.

Theo BGH nhà trường, hoạt động có kế hoạch, được phụ huynh đồng thuận. Đi cùng đoàn có một phụ huynh và 18 giáo viên, nhân viên nhà trường để quản lý học sinh.

Buổi sáng, học sinh vui chơi, trải nghiệm tại Hang Rái, Khu bảo tồn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải. Khoảng 10h, sau khi di chuyển về khu du lịch Vĩnh Hy gần đó, tàu đáy kính đưa học sinh ra biển ngắm san hô.

Khi trở về, học sinh được hướng dẫn ra tắm trước bãi tắm của khu du lịch. Lúc này, 4 học sinh bị đuối nước. Khi được mọi người đưa lên bờ, có 2 học sinh cần sơ cứu, đưa đến trạm y tế. Sau đó, các học sinh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu. Đến chiều cùng ngày, một học sinh qua cơn nguy kịch, một bạn không qua khỏi.

Vịnh Vĩnh Hy ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Cảnh báo việc tổ chức các chuyến đi dã ngoại luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu 5 nguyên tắc đảm bảo an toàn cần ghi nhớ trong mỗi chuyến dã ngoại:

Thứ nhất, lựa chọn địa điểm và hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh khối lớp. Không chỉ lựa chọn địa điểm tham quan phù hợp đảm bảo an toàn, mà nhà trường cần tìm hiểu trước về địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết để có các chuẩn bị phương tiện và thiết bị phù hợp.

Thứ hai, lập kế hoạch chi tiết cho chuyến tham quan từ lịch trình, địa điểm, các tình huống và mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, các quy trình quản lý rủi ro. Tiếp đến là thẩm định và lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến dã ngoại có kinh nghiệm, kỹ năng kiểm soát và giải quyết các tình huống khẩn cấp, phân công các giáo viên có kinh nghiệm cùng giám sát.

Thứ ba, đảm bảo các thiết bị an toàn được mang theo từ quần áo, dây đeo an toàn, kính chắn gió, đèn pin… đảm bảo cho từng học sinh.

Thứ tư, đảm bảo nguồn thực phẩm và nước uống an toàn. Chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo nguồn gốc thực phẩm để giúp học sinh có đủ năng lượng và sức khỏe hoàn thành chuyến đi.

Thứ năm, các dấu hiệu nhận diện và cách liên lạc cần được quán triệt đến từng học sinh. Học sinh phải được nhắc nhở thường xuyên về tính kỷ luật, quy trình xử lý khi gặp hoặc chứng kiến bạn bè trong tình huống rủi ro, nhớ các số điện thoại liên hệ, phương thức liên lạc và kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp.

Hoạt động trải nghiệm hiện phổ biến ở các trường học trong cả nước. Đây còn là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện áp dụng đến lớp 8. Với hoạt động này, các trường có thể tổ chức bằng nhiều hình thức, quy mô, trong hoặc ngoài trường. Nếu tổ chức trải nghiệm ở ngoài, đi xa, các trường phải làm kế hoạch, trình cấp quản lý phê duyệt và được sự đồng thuận của phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện.

Linh Lê (tổng hợp)

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/ninh-thuan-4-hoc-sinh-bi-duoi-nuoc-trong-luc-di-trai-nghiem-1-ban-khong-qua-khoi-post1626093.tpo