Ninh Bình và thành quả từ tư duy phát triển hài hòa, bền vững - Bài 2: Giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn

Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn, giữa kinh tế, văn hóa, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội là cách thức để Ninh Bình đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, Ninh Bình đã và đang tập trung xây dựng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Bước chuyển từ "nâu" sang "xanh"

Nhiều năm trước, với mong muốn thoát nghèo, Ninh Bình tập trung vào những ngành công nghiệp nặng như sản xuất xi măng, phân bón, thép với công nghệ cũ. Nghề chính của nhiều người dân là vào núi phá đá đốt vôi. Hình ảnh người Ninh Bình đi bán đá, bán vôi khắp các vùng đã trở nên quen thuộc.

Những vị khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm đời sống văn hóa của người dân Ninh Bình. Ảnh: MINH HƯƠNG

Chính sự phát triển nóng đó tạo nên những sức ép lớn trong công tác quản lý môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của người dân địa phương. Tình hình đó đã đặt ra bài toán với Ninh Bình: Làm sao để phát triển kinh tế không bị đánh đổi bằng môi trường sinh thái bị hủy hoại? “Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” là hướng đi được Ninh Bình lựa chọn và được nhiều thế hệ lãnh đạo của Ninh Bình kiên trì thực hiện”, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ.

Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. Tiếp đó, tỉnh liên tục ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng nhằm huy động nguồn lực quản lý, bảo tồn, phát huy di sản.

Theo đồng chí Tống Quang Thìn, bám sát định hướng, phát triển hài hòa, bền vững, Ninh Bình đã chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử. Cùng với đó, Ninh Bình ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án thuộc ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm; hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. “Nếu không hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế, môi trường và xã hội, những nỗ lực phát triển kinh tế sẽ phải trả những cái giá rất đắt”, đồng chí Tống Quang Thìn cho biết.

Bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản

Ninh Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có truyền thống, lịch sử-văn hóa lâu đời. Nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế-thương mại-du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc. Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long... mà còn có nhiều di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như khu di tích, lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm... Ninh Bình có 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú... Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp thứ 39 của thế giới và di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á) dựa trên 3 tiêu chí: Văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình.

Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 xác định, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Thế nhưng, để việc phát triển kinh tế-xã hội không gây hại tới các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa không phải dễ dàng. Ví như, trong Quần thể danh thắng Tràng An hiện có khoảng 40.000 người dân sinh sống. Nếu các sinh hoạt của người dân không được quản lý tốt, không có các tiêu chí thì sẽ có mâu thuẫn lớn giữa phát triển và bảo tồn. Trước thực tế đó, Ninh Bình xây dựng nhiều chính sách hướng đến hỗ trợ người dân trong phát triển sinh kế, cùng với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Tỉnh có chính sách hỗ trợ sửa chữa, tu bổ những ngôi nhà có kiến trúc cổ. Cùng với đó, tỉnh cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ về tiền mặt nếu người dân khu di sản xây dựng nhà ở trên đúng diện tích đất ở, xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt.

Phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản" thực sự trở thành nhận thức đối với mỗi người dân Ninh Bình. Khi du khách đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy mỗi người dân như một đại sứ du lịch. Việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện. Đặc biệt, ở các khu du lịch của Ninh Bình không có trộm cắp, không có ăn xin, không chèo kéo du khách mua bán, chụp ảnh.

Ngồi thuyền, xuôi theo dòng sông để thưởng ngoạn Quần thể danh thắng Tràng An, chúng tôi cảm nhận được mênh mông sông nước, núi và hang động với thảm động, thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn. Với gần 20 năm gắn bó với nghề chèo đò, bà Đỗ Thị Hường, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư như người hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Tay đều nhịp chèo, đi qua mỗi điểm, bà lại giới thiệu đây đền Trình, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, đền Trần... Mỗi hang động gắn với một câu chuyện lịch sử, một sự tích dân gian. Theo bà Hường, ở Ninh Bình, người dân không dùng thuyền máy để chở du khách, bởi sẽ gây ồn ào và ô nhiễm dòng sông. Người chèo đò kiêm luôn công nhân vệ sinh, nhặt từng mẩu rác trên sông và luôn nhắc nhở du khách giữ vệ sinh môi trường. Do đó, khu danh thắng luôn sạch, đẹp.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở Ninh Bình vào tháng 9-2022, bà Audrey Azoulay-Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét: "Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản".

Làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần

Thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản với Quần thể danh thắng Tràng An vào năm 2012, Ninh Bình chỉ đón hơn 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Ninh Bình đã thu hút được hơn 7,65 triệu lượt. Từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Ninh Bình vẫn tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Ninh Bình đạt 4,53 triệu lượt, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trên thế giới có những vùng vì phát triển du lịch theo cách thức không đúng đắn nên đã hủy hoại văn hóa và môi trường xã hội địa phương. Thế nhưng, do Ninh Bình xác định văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch nên những nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được đặc biệt quan tâm, bảo tồn để tạo sức hút khách quốc tế. Vì thế, việc phát triển du lịch đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân tại Ninh Bình. Thông qua việc tham gia vào những hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử, người dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống, góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương.

“Tác động du lịch mang lại cho Ninh Bình, đặc biệt vùng di sản Tràng An một hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt”, ông Bùi Quang Ninh, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ. Trước đây, người dân Ninh Bình, đặc biệt người dân sinh sống trong khu vực di sản Quần thể danh thắng Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay hoạt động du lịch đã hình thành nhiều ngành nghề mới, như: Kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng...

Theo đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với bảo đảm sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản. Di sản không chỉ được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn mà còn gia tăng giá trị đúng theo tinh thần công ước bảo vệ di sản quốc tế đề ra. “Khi người dân được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành với di sản”, đồng chí Nguyễn Cao Tấn nhấn mạnh. Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục khai thác du lịch theo chiều sâu, tạo thêm nhiều điểm đến mang giá trị văn hóa vào buổi tối để phục vụ du khách như: Tổ chức sân khấu hoạt cảnh lớn giới thiệu về lịch sử đất và người Ninh Bình, các không gian thưởng thức văn hóa truyền thống như hát sẩm...

(còn nữa)

QUANG PHƯƠNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG - MINH MẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ninh-binh-va-thanh-qua-tu-tu-duy-phat-trien-hai-hoa-ben-vung-bai-2-giai-quyet-tot-mau-thuan-giua-phat-trien-va-bao-ton-737053