Ninh Bình chia lửa với chiến trường Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, 'được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc'. Trong mốc son chói lọi ấy, Ninh Bình tự hào đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần làm nên chiến dịch toàn thắng.

Ông Hoàng Cao Sơn ở phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình (người ngồi giữa) chia sẻ về những năm tháng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch; quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ; các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết cùng hàng trăm ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bất chấp bom đạn, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch, bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, 70 năm trước, với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", quân và dân Ninh Bình đã dành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả Ninh Bình cùng dốc sức cho Điện Biên, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh, các huyện, thị trong tỉnh, kể cả vùng bị tạm chiếm đều thành lập Ban cung cấp mặt trận, huy động lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ cho chiến trường, bảo đảm cho bộ đội "ăn no đánh thắng".

Phong trào tòng quân, nhập ngũ diễn ra sôi nổi, không ít lá đơn được viết bằng máu. Hướng về Điện Biên diệt giặc đã thành lời hiệu triệu thiêng liêng thấm đậm vào mỗi con tim tuổi trẻ. Đến đầu năm 1954, số lượng và chủng loại phương tiện vận tải phục vụ chiến đấu đã tăng gấp rưỡi các năm trước; hàng chục nghìn dân công được động viên, tổ chức đi phục vụ chiến dịch, vận chuyển gạo từ Binh trạm tiền phương số 1 ở huyện Nho Quan lên chân dốc đèo Pha Đin.

Tính riêng từ tháng 2-4/1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên nhập ngũ, bổ sung vào các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, Liên khu và địa phương. Các chiến sỹ quê Ninh Bình đã có mặt ở nhiều đơn vị chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu ở Điện Biên như Đại đoàn 351, Đại đoàn 312, Đại đoàn 304, Đại đoàn 316 và một số đơn vị chủ lực khác… Không ít cán bộ, chiến sỹ đã có mặt ngay từ đầu, băng rừng, vượt suối, khoét núi, đào hầm hào, mở đường vào Điện Biên. Họ đều mang trong mình truyền thống Cố đô anh hùng, bầu nhiệt huyết cách mạng, "Dù bom đạn, xương tan thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh", họ đã sống đẹp, sống hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong dân công hỏa tuyến của Ninh Bình đi phục vụ chiến dịch, vận chuyển gạo ngày ấy có ông Hoàng Cao Sơn, năm nay 94 tuổi, hiện đang sinh sống ở phố Bình Yên Tây, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình). Ông là người trực tiếp tham gia vận chuyển lương thực từ Binh trạm tiền phương số 1 ở huyện Nho Quan lên chiến trường Điện Biên Phủ bằng chiếc xe đạp thồ.

Gợi nhớ về quãng thời gian tham gia "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 7 thập kỷ, ông Sơn bồi hồi nhớ lại: Hồi đó, tôi mới hơn 20 tuổi và được giao chở 5 thùng phuy đường đen lên Tây Bắc. Nhận nhiệm vụ, tôi và các dân công hỏa tuyến đã không ngại gian khó, ngày đêm băng rừng, vượt suối (chủ yếu thồ lương thực vào ban đêm, ban ngày phải tạm dừng để trú, tránh máy bay địch). Dọc đường đi, các dân quân hỏa tuyến phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đó là những cơn gió rét triền miên từ núi rừng Tây Bắc, là sự hiểm nguy đến từ những con dốc cao, vực sâu, rừng rậm, đó còn là sự truy quét của máy bay địch.

Song, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", tôi cũng như nhiều dân công hỏa tuyến người Ninh Bình luôn tự nhủ: Dù có khó khăn đến mấy, cũng phải nỗ lực vượt qua, để góp sức phục vụ cách mạng, tô thắm truyền thống của những người con Cố đô Hoa Lư anh hùng. Sau khi chở 5 thùng phuy đường từ Ninh Bình lên đến kho tập kết lương thực của quân ta ở Sơn La, ông Hoàng Cao Sơn tiếp tục cùng các dân công hỏa tuyến nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, cáng thương...

Từ sự góp sức của dân công hỏa tuyến và các lực lượng, bộ đội ta trên chiến trường được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, góp phần quan trọng để cuộc chiến đi tới thắng lợi cuối cùng. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Hoàng Cao Sơn trở về quê hương tiếp tục phát huy truyền thống dân công hỏa tuyến, tích cực tham gia lao động sản xuất. Năm 2020, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. "Tôi vinh dự được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm tháng tham gia dân công hỏa tuyến mãi là kỷ niệm khó phai mờ"- ông Hoàng Cao Sơn tự hào chia sẻ.

Vừa dốc sức phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình vừa tận dụng mọi thời cơ, liên tục tiến công tiêu diệt các đồn, bốt của địch trên địa bàn, nhanh chóng giải phóng quê hương; phối hợp chặt chẽ và trực tiếp phục vụ bộ đội chủ lực tiến hành đánh địch tại địa phương, tạo thế và lực làm suy yếu lực lượng của địch, không còn điều kiện để tăng cường cho tập đoàn cứ điểm.

Những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình đã được Quốc hội, Chính Phủ tặng thưởng 11.677 huân, huy chương các loại; 3.426 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, có 1 huyện, 25 xã và 2 cá nhân được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

Kết thúc cuộc chiến, nhiều người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã nằm lại hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường; máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất Mẹ, để hôm nay Điện Biên trở thành điểm hẹn của hòa bình. Sau chiến đấu và chiến thắng trở về, các chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến năm xưa dù ở cương vị nào vẫn giữ vững phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ", tiếp tục góp công sức xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Họ là những người góp phần làm nên chiến thắng không chỉ cho một Điện Biên Phủ mà còn tô thắm thêm truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bản lĩnh cốt cách, khí chất đất và người Ninh Bình-vùng đất "địa linh nhân kiệt".

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-chia-lua-voi-chien-truong-dien-bien/d20240503083854837.htm