Niềm vui ở vùng biên Tân Hồng

Tân Hồng là huyện biên giới có nghề chăn nuôi, vỗ béo trâu bò hiệu quả nhất ở Ðồng Tháp. Hiện, đàn trâu, bò của huyện đạt trên 18 ngàn con, tập trung ở các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Tân Công Chí, Tân Thành B.

Đổ thêm mớ bắp vào máng, anh Nguyễn Thanh Tùng, ấp Ðuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, cười khì: “Mấy chú thấy lạ mắt đúng không? Ðàn trâu của tôi toàn trâu cò (da màu nâu), loại trước đây thương lái ngại mua, bây giờ là hàng "hot". Còn bò thì đang giai đoạn sinh sản”.

Như giải thích thêm, ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, tiếp lời: “Anh Tùng là chủ trang trại nuôi trâu, bò quy mô lớn ở Tân Hồng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm, giờ tất cả giống, thức ăn, kỹ thuật và xuất bán, anh Tùng đều “lập trình” trên tư thế chủ động, nên hiếm khi nghe anh phàn nàn về giá. Dù chưa có cơ sở chứng minh thịt ngon hay bổ dưỡng hơn trâu truyền thống, nhưng mấy năm gần đây, trâu cò được săn đón nhiều vào dịp lễ, Tết. Với kinh nghiệm chăn nuôi, loài trâu cò có sức kháng bệnh cao, mắn đẻ”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có nghề chăn nuôi gia súc truyền đời, anh Tùng từng loay hoay tìm cách làm giàu. 20 năm trước, anh bắt đầu gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề thu mua, vỗ béo trâu, bò.

“Tập quán chăn nuôi của địa phương là thả ra cánh đồng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Gia đình tôi không làm thế, mà nuôi nhốt chuồng. Tôi quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn và khu vực chăn thả đàn. Giờ trang trại gia đình tôi đảm bảo nguồn thức ăn bốn mùa cho 80 con bò và 50 con trâu”, anh Tùng nói như khoe.

Anh Nguyễn Thanh Tùng thành công với quy mô trang trại nuôi gia súc lớn nhất Tân Hồng.

Thường, đối với hộ nông dân, việc nuôi trâu, bò là để lấy ngắn nuôi dài hoặc là nuôi tích lũy, bằng hình thức lấy công làm lời. Nguồn cỏ từ thiên nhiên theo bờ kênh, mặt liếp... Song song đó, để chủ động nguồn thức ăn, nhiều hộ dành một phần đất để trồng cỏ voi, cỏ sả, bắp... Anh Nguyễn Thanh Tùng nuôi trâu, bò nhốt chuồng và ứng dụng khoa học tạo nguồn thức ăn. Cánh đồng hơn 200 công, anh phân nhiều khu riêng biệt để đảm bảo mỗi khu trâu, bò ăn 1 tháng.

“Ví dụ như mình thả trâu, bò ra khu A thì phía khu B, C... mình dưỡng cỏ, bắp. Cứ thế xoay vòng, không bị thiếu nguồn thức ăn”, anh Tùng chia sẻ.

Cách chăn nuôi của anh Tùng rất khoa học: ruộng anh trồng cỏ và bắp, cứ 20 ngày thu hoạch một đợt, trên 100 tấn. Cây bắp sau khi đưa về trang trại, anh xay và ủ lên men, đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng.

Anh Tùng luôn đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng trong chăn nuôi.

Ngoài đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò 130 con, anh Tùng còn cung ứng thức ăn ủ từ thân bắp cho nhiều hộ dân khác. “Tôi chủ yếu lo cho đàn trâu, bò của gia đình, thức ăn dư thì bán, mỗi ký giá 8 ngàn đồng, tính ra một tháng cũng được vài chục triệu đồng”, anh Tùng chia sẻ.

Theo nhiều người chuyên nuôi trâu, bò ở Tân Hồng, trung bình mỗi con nuôi vỗ béo bán lại thu lãi từ 3-5 triệu đồng. Nếu như nuôi trâu, bò truyền thống phải mất ít nhất 3 năm mới được một lứa để bán, thì nay mỗi năm với phương thức nuôi vỗ béo, nông dân thu được 2 lứa/năm.

“Mình mua trâu, bò để nuôi vỗ béo thường chọn loại ốm. Sau 3 tháng trâu, bò tăng trọng, thương lái rất thích. Năm nay, đơn hàng về các tỉnh miền Tây và miền Bắc tăng so với mọi khi. Chúng tôi đang tranh thủ liên hệ nguồn cung, đảm bảo mỗi tuần xuất từ 2 chuyến”, ông Nguyễn Công Luận (thương lái), ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, chia sẻ.

Ông Võ Văn Chên, xã Bình Phú, người nhiều năm trong nghề nuôi trâu, bò ở Tân Hồng, thông tin thêm: “Bên cạnh mang lại thu nhập trong thời gian ngắn, giúp hộ dân quay vòng vốn nhanh, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo còn giải quyết được tình trạng thả rông; hiệu quả trong quản lý phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp... góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động”.

Từ năm 2017, để thuận tiện cho nghề thu mua trâu, bò vùng biên giới Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp triển khai xây chợ mua bán trâu, bò với hình thức chợ đầu mối cung ứng và phân phối sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ.

“Từ sau dịch Covid-19, hoạt động của chợ không sung túc như trước (do ảnh hưởng của quy định mới về kiểm soát trâu bò nhập từ vùng biên giới) nhưng sức tiêu thụ, mua bán nội địa vẫn diễn ra đều và hiệu quả”, ông Hồ Văn Lý nói.

Song song đó, ở các xã vùng biên giới: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình, 5 năm gần đây, bà con còn được sự hỗ trợ đắc lực về nguồn bò giống của chương trình hỗ trợ sinh kế cho Nhân dân vùng biên giới từ Ðoàn Kinh tế Quốc phòng 959. Theo phương pháp hỗ trợ cặp bò bố mẹ, sau hoán trả 1 con bê. Từ đó, vừa giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập, còn giúp tăng đàn bò thương phẩm và bò giống chất lượng.

Nghề nuôi bò trở nên phổ biến ở Tân Hồng.

Chăn nuôi trâu, bò đem lại nguồn thu tương đối khá cho nông dân, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện, nhất là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhìn đàn trâu, bò khỏe trong chuồng, mới thấy anh Tùng nói đúng: giờ nuôi trâu, bò không hề khổ! Mỗi năm, với việc xuất bán trâu, bò, giúp anh Tùng mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Lý cung cấp thêm nguồn thông tin tích cực: "Năm nay đàn trâu, bò ở huyện tiếp tục tăng thêm từ 10%”. Xưa, trâu, bò là con vật gắn liền với đời sống nông dân bằng việc lấy sức kéo, nay trâu, bò vẫn là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông ở Tân Hồng, bởi loài gia súc này đang giữ vai trò mặt hàng chủ lực, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát cảnh nghèo khó./.

Phong Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/niem-vui-o-vung-bien-tan-hong-a32035.html