Niềm vui những ngày về ăn Tết với mẹ cha

Thật kỳ lạ, cứ những ngày cuối tháng Chạp, càng gần đến ngày đưa ông Công, ông Táo, tôi bỗng chẳng nhớ đến ngày dương lịch, chỉ còn đinh ninh trong đầu, 24 âm lịch là lên tàu về nhà.

Chúng tôi thường nói với nhau: “Dù giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều phải về nhà đón năm mới, đặc biệt khi ở nhà, có cha mẹ đang đợi. Thật tuyệt khi cả xóm cùng nhau gói bánh chưng, cùng nhau dọn một bàn cỗ đón ông bà, thưởng thức bữa tối thịnh soạn đoàn tụ với gia đình, cùng đón giao thừa, mừng tuổi các cháu...”.

Mẹ đã đợi cửa tôi từ lúc 4h sáng và nói: “Mẹ chờ con về”. Nhiều năm về sau, tôi vẫn nhớ khoảng khắc ấm áp ấy. Hai mẹ con tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa. Bà lụi cụi treo những chiếc đèn lồng đỏ khắp sân, trên những cành mai vàng. Con gái tôi chạy khắp nhà, và dán các tờ giấy đỏ, những vật trang trí rực rỡ.

Ảnh minh họa.

“Mẹ ơi, phải dọn dẹp nhà cửa để xua đuổi những điều xui xẻo của năm trước, phải không mẹ?”, Con gái tôi bắt đầu hiểu rằng việc dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết rồi.

Nhìn con gái, tôi lại nhớ đến ký ức đón Tết thời thơ ấu. Khi đó, tôi lũn cũn theo mẹ đi tặng quà Tết. Cũng không có gì nhiều, đôi khi chỉ là một chiếc bánh chưng, một ít mứt mẹ tự làm…

Mấy đứa cháu tôi bắt đầu xúng xính mặc áo dài, cả cháu trai lẫn cháu gái, rủ nhau đi chụp hình Tết. Tết không chỉ con nít vui mà người lớn chúng mình cũng náo nức vì đó là giá trị tinh thần và trở về với cội nguồn dân tộc.
Sau những tháng ngày bôn ba, gia đình gần xa đoàn tụ, vượt qua những khoảng cách về thể xác và tình cảm có thể đã chia cắt họ trong suốt cả năm. Tết là một cuộc hành hương hằng năm về nhà, với cha, với mẹ, nơi tôi đã được sinh ra, được giáo dưỡng để trưởng thành thành con người như ngày nay.

Khi đồng hồ điểm giờ phút giao thừa đã mang đến hy vọng về một năm sức khỏe, phát triển, thịnh vượng và hòa thuận. Đây là thời điểm để mọi người trao nhau những lời chào hỏi nồng nhiệt nhất và gửi gắm những hy vọng chân thành nhất cho một năm mới.

Vì cuộc sống, các thành viên trong gia đình tôi đi tứ xứ để kiếm sống. Điều đó làm cho kỳ nghỉ lễ hội Tết Nguyên đán hằng năm càng trở thành đáng giá cho mọi thành viên xa cách phần lớn thời gian trong năm để đoàn viên. Tôi vẫn mong được nếm thử món ăn do mẹ nấu, nồi thịt kho tàu hay món miến măng. Đó là hương vị của cha mẹ, hương vị của quê nhà.

Đêm giao thừa, ông ngoại thắp hương và cầu nguyện, lần lượt con cháu đều thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên. Cái mùi hương trầm thoang thoảng, cùng tìm kiếm phước lành và may mắn cho năm tới. Trong dịp đón giao thừa ấy, các thành viên trong gia đình chia sẻ những lời chúc tốt lành đến ông bà, và mừng tuổi con cháu.

Nghi lễ không chỉ là một truyền thống mà còn là khoảnh khắc kết nối tình thân sâu sắc. Tết là thời gian để các gia đình Việt Nam quây quần bên nhau và nghi lễ thờ cúng tổ tiên là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối quan hệ gắn bó giữa các thế hệ; tiếp nối và tôn trọng quá khứ, đồng thời hướng tới một tương lai thịnh vượng và an khang.

Như nhà văn Hoàng Anh Tú đã từng viết: “Con biết không? Tết là để trở về. Chỉ đến Tết, ý nghĩa của sự trở về mới rõ rệt đến thế. Tết cho ta biết mình có nơi chốn để trở về. Tết cho ta thấy sự đón chào ta trở về sum vầy đoàn viên. Tết mới nhìn thấy tài sản của ta lớn thế nào và có bao nhiêu ngoài những vật chất đo đếm được. Tết mừng tuổi trưởng thành lên của các con nhưng cũng là tuổi già đi của ông bà.

“Nhưng thay vì chỉ thấy thời gian dần cạn của ông bà, bố muốn con nhìn thấy niềm hạnh phúc mà các con đang có: còn đủ đầy ông bà. Tết cho con gặp bố mẹ lúc bằng tuổi các con qua những câu chuyện ông bà kể lại. Tết cho con kỷ niệm để con vững vàng hơn mai này khi đi xa”.

Một cái Tết vừa qua, chúng tôi rời xa cha mẹ để đi làm ăn xa nhưng vẫn tự hứa: Tết tới sẽ về!

Khánh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/niem-vui-nhung-ngay-ve-an-tet-voi-me-cha.html