Niềm vui chưa trọn

Vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024 kết thúc, nông dân trong tỉnh vui vì lúa được mùa, được giá. Nhưng niềm vui đó không trọn vẹn, do vụ hè thu 2024 đang đối mặt với khô hạn và xâm nhập mặn. MỸ HOA Q.DUYÊNTIN, BÀI LIÊN QUAN:

Vừa thu hoạch xong 3 sào lúa giống Bắc Thịnh, bà Huỳnh Thị Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) hồ hởi thông báo, tuy đầu vụ sản xuất gặp chút khó khăn, do chuột và ốc bươu vàng gây hại nhưng nhờ phòng, trừ kịp thời nên lúa phát triển tốt, năng suất đạt gần 70 tạ/ha. Hơn nữa, thời tiết nắng ráo, thu hoạch thuận lợi nên vừa đỡ tốn chi phí, lại bán được rơm rạ với giá cao nên ai cũng vui vì có thêm thu nhập. Còn tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), những cánh đồng lúa bông vàng trĩu nặng khiến nông dân ai cũng vui và phấn khởi.

Ông Phạm Quang Một, xã Nghĩa Kỳ cho biết, hiếm có khi nào mà nông dân "trọn niềm vui" như vụ đông xuân năm nay vì năng suất lúa xấp xỉ 70 tạ/ha, thu gom được rơm rạ, mà giá lúa thương phẩm (lúa khô) cũng cao, từ 8.400 - 9.000 đồng/kg. Vậy nên vụ thu hoạch lúa đông xuân năm nay, nhà nông hồ hởi phấn khởi, có thêm động lực để bám đồng sản xuất.

Trong khi đó, nông dân các địa phương trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ... liên kết với doanh nghiệp (DN) hình thành cánh đồng lớn, ứng dụng những giải pháp kỹ thuật như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”. Qua đó vừa giảm chi phí sản xuất (chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/ha), năng suất rất cao (trên 73 tạ/ha), cộng với lúa được DN thu mua với giá khá cao. Cụ thể, lúa giống được thu mua tại ruộng (lúa tươi) có giá từ 8.400 8.700 đồng/kg; các loại lúa thương phẩm (lúa khô) có giá xấp xỉ 9.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ sản xuất lúa đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh có 37,9 nghìn héc ta, trong đó có gần 3.800ha lúa trà sớm, hơn 29,5 nghìn héc ta lúa trà chính vụ và trên 4.600ha lúa trà muộn. Quá trình sản xuất, dù điều kiện thời tiết thuận lợi, nhưng dịch bệnh bùng phát và lan rộng với hơn 7.600ha lúa bị các loại sinh vật gây hại, trong đó có gần 650ha lúa bị nhiễm nặng.

Tuy nhiên, với sự chủ động và nỗ lực của nông dân, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương nên hầu hết các diện tích lúa bị nhiễm bệnh được phòng trừ kịp thời. Năng suất lúa trà sớm ước đạt khoảng 56 - 57 tạ/ha, lúa trà chính vụ đạt khoảng 63 - 64 tạ/ha. Hiện, chính quyền các địa phương chỉ đạo hợp tác xã huy động, điều tiết phương tiện máy móc, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ đông xuân, phấn đấu hoàn thành trước ngày 25/4.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, một trong những điểm cộng trong vụ sản xuất đông xuân 2023-2024 là nông dân tiếp cận và ứng dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại hiệu quả; đồng thời chuyển sang canh tác các giống lúa chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy, năng suất và chất lượng lúa tăng, giá bán ổn định ở mức cao, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận. Giá lúa tăng cao, đã và đang tạo động lực, giúp nông dân cũng như ngành nông nghiệp triển khai tốt kế hoạch sản xuất lúa hè thu năm 2024.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, vụ sản xuất hè thu 2024, toàn tỉnh có khoảng 3.100ha (gồm 2.000ha lúa và 1.100ha cây trồng khác) bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Khu vực hạn hán, thiếu nước chủ yếu tại vùng tưới ở cuối kênh, hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ; nhất là ở TX.Đức Phổ và huyện Bình Sơn. Bởi hiện nay, dung tích trữ tại hồ chứa nước Liệt Sơn và An Thọ (TX.Đức Phổ) đạt dưới 65%, còn các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Bình Sơn chỉ đạt từ 50 - 55% so với dung tích thiết kế. Ngoài ra, hệ thống kênh mương, đập, trạm bơm… tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp dẫn đến năng lực tải nước kém, lượng nước rò rỉ cao.

Khắc phục tình trạng trên, ngay khi việc thu hoạch lúa đông xuân hoàn thành, chính quyền một số địa phương đã huy động nhân dân và các lực lượng ra quân nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng; đắp đập giữ nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng, tải nước phục vụ sản xuất ngay trong vụ hè thu năm 2024.

Tại xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), công trình Đập ngăn giữ nước, khơi thông dòng chảy và kè chống sạt lở suối Cầu Gạch đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là nạo vét lòng đập. Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Võ Cương cho biết, vì phụ thuộc vào nguồn nước của hồ chứa nước Liệt Sơn, nên khi xảy ra nắng hạn kéo dài, nước tại hồ Liệt Sơn giảm thì các xứ đồng Gò Mè, Gò Vàng sẽ bị khô hạn. Tuy nhiên, nếu công trình Đập ngăn giữ nước Cầu Gạch hoàn thành, kịp đưa vào vận hành ngay trong vụ sản xuất hè thu 2024, thì khoảng 70ha lúa tại đồng Gò Mè, Gò Vàng và một số diện tích lân cận sẽ thoát cảnh thiếu nước.

Công trình Đập ngăn giữ nước, khơi thông dòng chảy và kè chống sạt lở suối Cầu Gạch, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) đang hoàn thiện, đảm bảo phát huy hiệu quả trong vụ hè thu 2024.

Ông Nguyễn Thanh Hải, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đào giếng, bơm nước trồng bắp ngay đầu vụ hè thu 2024.

Tại công trường thi công tuyến kênh S18-2 và S18-2-11 (Mộ Đức), hàng chục phương tiện, máy móc và 120 cán bộ kỹ thuật, nhân công tập trung nạo vét lòng kênh, vận chuyển nguyên vật liệu, đúc cấu kiện... Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xây lắp Phước Thành cho biết, tuyến kênh S18-2 và S18-2-11 có chiều dài gần 5,8km, đảm nhận việc cấp nước tưới, phòng chống hạn, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 1.049ha đất nông nghiệp trên địa bàn 5 xã (Đức Hiệp, Đức Chánh, Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Lợi).

Để đảm bảo công trình phát huy hiệu quả ngay trong vụ hè thu 2024, nên từ ngày 9/4, các đơn vị đã sẵn sàng phương tiện và lực lượng tại công trường. Ngay khi Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Ngãi cắt nước Thạch Nham vào trưa ngày 10/4, các đội nhân công đã tập trung thi công các hạng mục chính của kênh. Bởi thời gian thi công các tuyến kênh chỉ gói gọn trong khoảng 20 - 25 ngày, tức là thời gian ngắt vụ giữa đông xuân và hè thu.

Tuyến kênh S18-2, S18-2-11 đi qua 5 xã của huyện Mộ Đức đang được các đơn vị gấp rút thi công, đảm bảo phát huy hiệu quả trong vụ hè thu 2024.

Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, hiện cũng tập trung kiểm tra, gia cố và tu sửa các điểm hư hỏng tại các công trình kênh mương, hồ chứa, nhất là cửa cống lấy nước và các phai tràn, cống xả cát tại đập Hiền Lương và Khê Hòa, để hạn chế tình trạng rò rỉ, xâm nhập mặn.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, công ty đã chủ động xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Trong đó có việc chủ động phối hợp với Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh điều tiết nước hợp lý từ hồ chứa nước Đăkđrinh cho công trình thủy lợi Thạch Nham, để cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Trong trường hợp hạn hán xảy ra quy mô lớn, công ty tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn trên các sông Trà Bồng (Bình Sơn), Trà Câu (TX.Đức Phổ), sông Thoa đi qua huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ, sông Vệ đi qua huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức.

Thực hiện:

Trình bày:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202404/emagazineniem-vui-chua-tron-4cd35ee/