'Niềm tự hào' của Trung Quốc lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Đập Tam Hiệp, một trong những niềm tự hào to lớn của Trung Quốc, đã ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử trong năm 2023, mang về lợi nhuận khổng lồ cho công ty điều hành - Tập đoàn Tam Hiệp. Đồng thời, đập thủy điện lớn nhất thế giới này cũng góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch, vận tải của Trung Quốc.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc mới đây đưa tin, sản lượng vận chuyển của đập Tam Hiệp đã ghi nhận mức kỷ lục mới, đạt gần 174 triệu tấn trong năm 2023, tăng 8,77% so với năm trước đó.

Cụ thể, trong năm 2023, các âu tàu của đập Tam Hiệp có sản lượng vận chuyển đạt 169 triệu tấn. Thang máy nâng tàu lên xuống của đập thủy điện này đạt sản lượng gần 4,79 triệu tấn. Ngoài ra, 574.100 tấn vật liệu quan trọng đã được vận chuyển qua đập Tam Hiệp và hơn 2,2 triệu chuyến du lịch đi qua đập này trong suốt cả năm 2023.

Đập Tam Hiệp ghi nhận nhiều kỷ lục mới trong năm 2023.

Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới và là một trong những niềm tự hào to lớn của Trung Quốc. Để xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã tiêu tốn 290.000 tấn thép thanh và 255.000 tấn vật liệu thép, 26,89 triệu tấn bê tông và hơn 250 tỷ NDT vốn đầu tư.

Đập Tam Hiệp còn mang lại nguồn thu lớn cho Trung Quốc nhờ 3 lĩnh vực, bao gồm thủy điện, vận tải và du lịch.

Về thủy điện, đập Tam Hiệp được trang bị 32 tổ máy phát điện thủy điện 700.000 kilowatt và hai tổ máy phát điện thủy điện 50.000 kilowatt, với tổng công suất lắp đặt là 22,5 triệu kilowatt và sản lượng điện hàng năm là hơn 100 tỷ kWh.

Nhà máy thủy điện Tam Hiệp có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới, cung cấp điện cho toàn bộ 10 tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có Giang Tô, Quảng Đông và Thượng Hải.

Theo đánh giá từ dữ liệu năng lượng do Dianchacha công bố, với giá điện trung bình là 0,25 NDT/kWh, 11 năm sau khi Nhà máy điện Tam Hiệp đi vào hoạt động (tức năm 2013), tổng sản lượng điện đã đạt 711,9 tỷ kWh.

Đến năm 2014, sản lượng điện sản xuất lũy kế đạt 810,7 tỷ kWh, doanh thu bán điện đạt 202,6 tỷ NDT, gần như bù đắp được chi phí xây dựng đập.

Nếu tính theo mức tiêu thụ điện thông thường của Trung Quốc, lợi nhuận về thủy điện hàng năm của đập Tam Hiệp có thể lên tới khoảng 30 tỷ NDT, tương đương với trung bình mỗi ngày đập Tam Hiệp có thể thu về khoảng 100 triệu NDT chỉ nhờ thủy điện.

Nguồn thu của đập Tam Hiệp đến từ 3 lĩnh vực chính.

Bên cạnh thủy điện, đập Tam Hiệp còn đóng góp không nhỏ vào ngành vận chuyển của Trung Quốc. Nhờ sự tồn tại của Đập Tam Hiệp, vận tải biển trên sông Dương Tử đã phát triển mạnh mẽ cả về vận tải hành khách lẫn hàng hóa, gián tiếp mang lại hơn 20 tỷ NDT cho ngành vận tải biển. Đây là con số không thể tưởng tượng được trước khi đập Tam Hiệp hoàn thành, theo Sohu.

Về du lịch, trong 20 năm kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng, lượng khách du lịch đến đây trung bình mỗi năm khoảng 2 triệu lượt/năm. Khách du lịch đến thăm hồ chứa Tam Hiệp chi từ 200 – 300 USD/giờ. Theo tính toán sơ bộ, doanh thu du lịch của đập Tam Hiệp mỗi năm là khoảng 600 triệu NDT, tức là 12 tỷ NDT trong 20 năm qua.

Nguồn thu từ đập Tam Hiệp đã đóng góp không nhỏ vào doanh thu của Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, Công ty vận hành đập Tam Hiệp.

Trong nửa đầu năm 2023, công ty đạt tổng doanh thu 13,704 tỷ NDT, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Deppon Securities, doanh thu của Tập đoàn Tam Hiệp trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ lần lượt là 26,93 tỷ NDT, 31,90 tỷ NDT và 37,51 tỷ NDT, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 13,1%, 18,4% và 17,6%.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/niem-tu-hao-cua-trung-quoc-lap-ky-luc-vo-tien-khoang-hau-20180504224293796.htm