Niềm tự hào của cả nước, của quê hương Tiền Giang

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 trở thành điểm son chói lọi của dân tộc ta, biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, quân và dân huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, Chiến thắng Ấp Bắc còn là tiếng chuông báo hiệu cho sự sụp đổ của chiến lược 'chiến tranh đặc biệt' của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Ba chiến sĩ hạ lính dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Ba chiến sĩ hạ lính dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng Ấp Bắc là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp chính trị, quân sự, binh vận được kết hợp một cách tài tình. Góp phần vào chiến thắng này có sự đóng góp công sức to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Cai Lậy. Tân Phú là một trong những xã có truyền thống cách mạng rất sớm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tân Phú đã nổi dậy hưởng ứng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “Kế hoạch Staley - Taylor” của địch hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ - Diệm đã tung ra chiến trường hàng loạt những chiến thuật “Bủa lưới phóng lao”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận”...

"Chiến thắng Ấp Bắc là một chiến công đặc biệt quan trọng, không chỉ vì đó là một thắng lợi lớn về quân sự, mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, nâng niềm tin cho bộ đội và đồng bào miền Nam tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG phát biểu tại cuộc Họp mặt với cán bộ tỉnh Tiền Giang ngày 25-1-1985

Đối với lực lượng cách mạng, lúc đầu địch đã gây cho ta nhiều lúng túng và tổn thất. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Mỹ Tho nhận thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta. Từ đó, Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương: Đóng quân ở đâu xây dựng trận địa ở đó, quyết bám trụ chống càn, chủ động gài thế để hợp đồng đánh địch. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang là tích cực tạo thế tiêu diệt địch, hỗ trợ cho phong trào nhân dân nổi dậy phá “ấp chiến lược”, giành, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Sáng 2-1-1963, 2.000 quân của Mỹ - Diệm có đủ các binh chủng thủy, lục, không quân, cùng hàng chục khẩu pháo, máy bay, tàu chiến, xe lội nước... ồ ạt tấn công vào ấp Bắc, xã Tân Phú - một nơi mà dân số còn lại khoảng 1.000 người, ở một địa bàn mà chúng đã nghiên cứu rất kỹ, rất thuận lợi cho các loại hỏa lực phát huy thế mạnh. Trong khi đó, ở ấp Bắc, ta chỉ có 2 đại đội bộ binh: Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 261, 2 tiểu đội đặc công tỉnh, 1 trung đội địa phương quân huyện Châu Thành và lực lượng du kích xã Tân Phú. Thế nhưng, cuối cùng, với lực lượng ít hơn địch mười lần, vũ khí thua kém địch gấp trăm lần, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vang dội trận Ấp Bắc.

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” đã diễn ra mạnh mẽ ở huyện Cai Lậy. Gần 1 năm thực hiện phong trào, Đảng, quân và dân huyện Cai Lậy đã giành được kết quả to lớn: Toàn huyện bức hàng, bức rút hơn 30 đồn bót, thu 150 súng các loại, hàng ngàn viên đạn, 10 máy bộ đàm và trừng trị 4 tên cảnh sát khét tiếng ác ôn ở các xã Phú An, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Đông và Mỹ Phước Tây; giải phóng khu phố chợ Ba Dừa, mở rộng Vùng “20 tháng 7” từ Long Tiên đến Phú An - nối liền vùng căn cứ rộng lớn từ huyện Châu Thành, Cai Lậy đến Cái Bè, phá tan kế hoạch cào nhà, gom dân lập “ấp chiến lược” của địch ở các xã Tân Phú, Tân Hội, Bình Phú, Tân Bình, Mỹ Phước Tây, thị trấn Cai Lậy. Sau phong trào này, vùng phía Nam lộ 4 của huyện Cai Lậy trở thành vùng căn cứ của Huyện ủy, Tỉnh ủy và cả Quân khu...

59 năm qua, Chiến thắng Ấp Bắc mãi mãi một điển hình sống động về bài học quý giá: Lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, quân và dân ta sẽ đánh thắng giặc Mỹ...

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/ky-niem-59-nam-chien-thang-ap-bac-2-1-1963-2-1-2022-niem-tu-hao-cua-ca-nuoc-cua-que-huong-tien-giang-941604/