Niềm tin nội tâm của thẩm phán

Ngày 6.12.2016 đã là ngày cuối cùng của mùa thu, chuyển sang mùa đông ở Nhật Bản, nhưng trái với dự đoán ở nhà về thời tiết Tokyo mùa này rất lạnh, tôi chứng kiến những chiếc lá phong chuyển sang màu vàng đỏ lao xao trên những hàng cây của đường phố Tokyo.

Những chiếc lá phong chuyển màu vàng đỏ dưới ánh nắng đầu đông còn sót lại trên đường phố Tokyo. Ảnh: Hoài Phan

Có cảm giác như bầu trời Tokyo vẫn đang cố níu kéo, giữ lại những tia nắng rực rỡ của những ngày mùa thu tươi đẹp còn lại. Các luật sư đồng nghiệp Nhật Bản cũng ngạc nhiên trước thời tiết tuyệt đẹp những ngày qua. Bên cạnh việc tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm về nâng cao năng lực và tổ chức của Liên đoàn, các Đoàn Luật sư địa phương của Liên hội Luật sư Nhật Bản (JFBA), một trong những trọng tâm của Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam là nghiên cứu về chế độ luật sư trực ban hình sự, tham dự một số phiên Tòa…

Sau khi ăn trưa bằng cơm hộp và nghỉ ít phút ngay tại Văn phòng JFBA sau buổi sáng nghe thuyết trình về công việc của Thường trực Liên đoàn, chúng tôi đi bộ đến Tòa án địa phương cấp tỉnh Tokyo để tham dự một phiên Tòa dân sự xét xử một vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là một công dân Nhật Bản kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi bị coi là không đúng đắn của chính quyền Tokyo. Đây là phiên tranh tụng bằng lời lần thứ nhất theo Bộ luật Tố tụng Dân sự Nhật Bản, theo đó các bên cung cấp và sàng lọc chứng cứ, xác định phạm vi tranh chấp và những điểm có thể thỏa thuận. Cùng với hai thẩm phán của Tòa án địa phương cấp tỉnh Tokyo mặc áo choàng màu đen, thẩm phán chủ tọa Suzuki Naohisa đã hướng dẫn cho các bên cách thức xác định chứng cứ để chuẩn bị cho phiên xử sắp tới, vì thế thời gian chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng.

Ngay sau khi phiên Tòa kết thúc, Thẩm phán Suzuki Naohisa đã dành thời gian hơn một giờ đồng hồ để giới thiệu về hệ thống Tòa án Nhật Bản và trả lời các câu hỏi thành viên trong Đoàn công tác. Ở Nhật Bản không có các Tòa chuyên trách về hành chính hay kinh tế như ở nước ta mà trong lĩnh vực dân sự, chỉ dựa trên giá trị của các vụ tranh chấp để phân định thẩm quyền, bao gồm phiên Tòa sơ thẩm tại Tòa án địa phương cấp tỉnh (có mức tranh chấp trên 1,4 triệu yên), Tòa án gia đình và Tòa án giản lược (có mức tranh chấp dưới 1,4 triệu yên). Tòa án địa phương cấp tỉnh Tokyo có 300 thẩm phán đang làm việc tại 50 phòng nghiệp vụ xét xử về dân sự (chiếm 1/10 số thẩm phán của các Tòa án địa phương cấp tỉnh toàn Nhật Bản). Thẩm phán Suzuki Naohisa làm việc tại Phòng số 25 có 9 thẩm phán, cấu thành nên các Hội đồng xét xử các vụ việc. Chỉ riêng năm 2015, riêng Tòa án địa phương cấp tỉnh Tokyo thụ lý giải quyết 144.000 vụ việc dân sự.

Ông cho biết về thủ tục, có trường hợp nếu đương sự vì lý do khách quan không thể đến tham dự phiên Tòa thì có thể được xét xử trực tuyến qua truyền hình. Sau khi xét xử sơ thẩm, nếu các bên có yêu cầu kháng cáo, vụ việc tùy theo giá ngạch sẽ được thụ lý xét xử phúc thẩm tại Tòa án địa phương hay Tòa án cấp cao và có thể được xem xét, đánh giá về căn cứ áp dụng pháp luật khi có khiếu nại tại Tòa án tối cao. Thời gian trung bình giải quyết một vụ án dân sự là 8,8 tháng, còn đối với tranh chấp phức tạp thường phải kéo dài tới 12,8 tháng…

Tôi có hỏi thẩm phán Suzuki Naohisa về nhận thức của ông như thế nào về vai trò và thủ tục tham gia tố tụng về dân sự của luật sư, cũng như niềm tin nội tâm của ông khi hướng dẫn các bên đương sự và luật sư cung cấp, đánh giá chứng cứ trước khi xét xử có bị chi phối bởi định kiến áp đặt không? Ông nói, chưa bao giờ ông chất vấn hay yêu cầu bất cứ một luật sư nào về thủ tục khi họ tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho đương sự, bởi chỉ cần người đó mang trên ve áo chiếc huy hiệu hình hoa hướng dương biểu tượng của luật sư tại Nhật Bản là đủ chứng thực tư cách hành nghề của họ trước Tòa. Đương nhiên, trước khi trao đổi, tạo điều kiện cho các luật sư hai bên đương sự cách thức cung cấp, xác lập và công nhận chứng cứ của nhau, xem xét các vấn đề còn tranh chấp, ông đã nghiên cứu hồ sơ vụ kiện. Khi hướng dẫn như thế, ông bảo mình đã có được nhận thức chủ quan về bản chất vụ tranh chấp, nhưng đặt ra các câu hỏi công khai để luật sư hai bên đương sự tìm chứng cứ, lý lẽ phản bác hay tranh luận với ông trước khi phiên Tòa lần thứ hai được mở. Chính niềm tin nội tâm ấy đã tạo cho ông sự tự tin, không bị chi phối bởi bất cứ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án.

Trong tâm trạng suy nghĩ về thái độ thân thiện của thẩm phán Suzuki Naohisa khi điều hành phiên Tòa và ứng xử với luật sư, tôi bước ra ngoài, bất ngờ nhìn thấy một người đàn ông ngồi bệt bên cạnh chiếc xe nhỏ có dán các băngrôn, trên tay cầm chiếc loa nhỏ đang nói vọng vào trụ sở Tòa án. Một đồng nghiệp Nhật Bản nói với tôi, người đàn ông này mỗi buổi sáng đều đến ngồi tại đây cho đến tận chiều để phản đối một bản án bị coi là oan ức đối với ông, cũng chẳng thấy cảnh sát hay bảo vệ của Tòa án đến đuổi ông đi.

Niềm tin nội tâm không phải tự nhiên hình thành, mà nó luôn được thôi thúc bên trong trái tim của những người hành nghề luật, thông qua trải nghiệm thực tiễn. Nhưng có lẽ ở đâu cũng vậy thôi, đó cũng không phải là cứu cánh duy nhất, bởi vẫn còn đó những mảnh đời ngang trái, khi công lý không phải lúc nào cũng có thể chia đều cho tất cả mọi người…

Luật sư Phan Trung Hoài

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/niem-tin-noi-tam-cua-tham-phan-621658.bld