Niềm tin đặt đúng chỗ

Thời gian qua, tại các hội nhóm dành cho người trẻ trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều bài viết theo kiểu than nghèo, kể khổ để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, như: sinh viên ở tỉnh vừa lên thành phố nhập học và bị mất túi xách; phòng trọ vừa bị trộm, cần đóng học phí gấp; vừa đóng viện phí cho người thân, cần giúp ít tiền để sống tạm qua tuần…

Quản trị một nhóm với hơn 25.000 thành viên, Nguyễn Hồ Nhân (29 tuổi, phụ trách truyền thông cho một công ty chuyên về mỹ phẩm, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Các bài viết xin tiền kiểu này xuất hiện rất nhiều, tôi và các bạn admin khác phải xóa bài và chặn hiển thị ngay từ đầu để tránh gây ảnh hưởng và mất uy tín của nhóm. Nhưng chặn tài khoản này thì người ta lại dùng tài khoản khác, nội dung xin tiền nghe có vẻ rất hoàn cảnh, nên phía dưới vẫn có nhiều bạn bình luận hỏi thăm số tài khoản để ủng hộ một ít, nhưng thực hư ra sao thì làm sao mà biết được”.

Hàng loạt cảnh báo từ các phương tiện truyền thông đại chúng về việc lừa đảo trực tuyến, ít nhiều người dùng mạng xã hội đều có cảnh giác. Tuy nhiên, những bài viết này thường đánh thẳng vào lòng trắc ẩn mỗi người, thật giả chưa biết nhưng nhiều người sẵn sàng chuyển khoản vì những lời mủi lòng. Đặng Quốc Thành (32 tuổi, nhân viên y tế, ngụ quận 12, TPHCM) kể: “Thấy bạn đó chia sẻ liên tục 2-3 bài viết trong nhóm, nên tôi nhắn tin hỏi số tài khoản và chuyển 200.000 đồng. Có khó khăn thật hay không, tôi cũng không hỏi thêm, khoản tiền đó trong khả năng mình có thể trao đi, nên cứ giúp thôi, biết đâu họ khó khăn thiệt mà mình không giúp thì sẽ áy náy lắm”.

Cũng đã từng chuyển tiền vài trường hợp với số tiền không lớn (100.000 đồng/lần), tuy nhiên Hoàng Thị Thảo Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bắt đầu e dè hơn. “Có lần, tôi đọc một bạn rất hoàn cảnh, là sinh viên và đang thiếu mấy tháng tiền trọ ở phường Hiệp Bình Phước. Tình cờ tôi có người bạn thân sở hữu mấy phòng cho công nhân thuê ở gần đó. Do công nhân về quê gần hết nên dư phòng. Thế là tôi nhắn bạn kia đến gặp để giúp nhưng bạn ấy nhất quyết không đến, chỉ xin tiền. Tôi nhắn mấy lần thì bạn ấy chặn số luôn. Nhiều người bảo, nếu khó khăn thật thì họ rất mừng khi có người giúp như vậy, còn lừa đảo chỉ chăm chăm nhắm đến tiền thôi”, chị Thảo Trang chia sẻ.

Niềm tin không phải dễ dàng tạo lập, sự sẻ chia không phải vì người ta nhẹ dạ cả tin, mà đó vì lòng trắc ẩn tốt đẹp vẫn còn quanh đây. Kết nối trực tuyến cách nhau một màn hình, thật hư chỉ có người trong cuộc biết rõ nhất, đằng sau màn hình, mỗi người cũng cần sự tự trọng, để điều tốt đẹp đến đúng nơi cần đến.

THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/niem-tin-dat-dung-cho-post741033.html