Niềm tin chiến thắng mang tên Việt Nam của Fidel Castro 50 năm trước

Có lẽ trong lịch sử thế giới, chưa thấy một lãnh tụ của quốc gia nào như Fidel, liên tục suốt 42 năm từ 1964 đến 2005, đã lên tiếng gần 100 lần tại các diễn đàn công khai ở Cuba và trên thế giới để ủng hộ Việt Nam. Ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên thế giới đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 9/1973.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Lãnh đạo Việt Nam đón Fidel Castro tại sân bay Gia Lâm trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 9/1973. (Nguồn: TTXVN)

Fidel Castro là vị Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba, một nhà cách mạng kiệt xuất, một chiến sỹ quốc tế đầy nhiệt huyết, thật trong sáng và hào sảng, một vĩ nhân lỗi lạc, một anh hùng huyền thoại, một nhà hùng biện lừng danh trên thế giới, đồng thời cũng là một người thật giản dị, nhân hậu và quần chúng.

Là người đã có may mắn nhiều lần được trực tiếp nghe Fidel phát biểu về Việt Nam, không ít lần trong đó đã dịch đồng thời... Tôi vô cùng xúc động, đặc biệt khi đọc những bài đã được trực tiếp nghe… Tôi như được sống lại những giờ phút ấy! Giọng nói sang sảng, hùng hồn, dáng vóc uy nghi, phong thái rất đỗi quen thuộc của Fidel mỗi khi diễn thuyết, những hình ảnh, âm thanh sống động cùng các cảm xúc mãnh liệt lại dồn dập vang lên, sống lại trong tôi!

Tất cả vì Việt Nam

Có lẽ trong lịch sử thế giới, chưa thấy một lãnh tụ của quốc gia nào như Fidel, liên tục suốt 42 năm từ 1964 đến 2005, đã lên tiếng gần 100 lần tại các diễn đàn công khai ở Cuba và trên thế giới để ủng hộ Việt Nam. Trong các phát biểu của mình, ông luôn bày tỏ mạnh mẽ tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ hết lòng của cá nhân và dân tộc mình đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, một quốc gia ở cách xa đất nước mình nửa vòng trái đất mà trước đó chưa hề có mối giao lưu nào.

Vị lãnh tụ tối cao của Cách mạng Cuba đã luôn luôn dõi theo sát sao từng bước cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống các thế lực xâm lược ngoại bang để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Ông kịp thời lên tiếng tố cáo và kịch liệt lên án mọi âm mưu, hành động phi nghĩa, tội ác tầy trời của bọn xâm lược và bè lũ tay sai và báo trước thất bại không thể tránh khỏi của chúng.

Fidel phân tích rõ, hết lòng ngợi ca và ủng hộ triệt để, kịp thời từng bước đấu tranh cũng như bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta. Đồng thời, Lãnh tụ Cuba huyền thoại luôn nêu cao ý nghĩa quốc tế to lớn của cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam, ca ngợi truyền thống oanh liệt và những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Ông kêu gọi các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ toàn thế giới đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.

Những phát biểu của Fidel ở Cuba luôn được hệ thống truyền hình, phát thanh và báo chí quốc gia phát trực tiếp và tuyên truyền rộng rãi, không chỉ trong toàn quốc mà ra cả quốc tế. Bởi thế, sự ủng hộ, tình cảm của ông với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam càng trở nên quý giá, đặc biệt trong sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta.

Fidel là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng mới giải phóng miền Nam tại Quảng Trị. (Nguồn: TTXVN)

Tổ quốc hay là chết

Ngày 2/1/1966, tại Quảng trường Cách mạng Jose Marti ở Thủ đô La Habana, trước nửa triệu quần chúng tham dự cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ bẩy thắng lợi Cách mạng Cuba và chào mừng các Đoàn đại biểu các nước Á, Phi, Mỹ La tinh tham dự Hội nghị Đoàn kết ba châu lần thứ nhất do Cuba tổ chức, Fidel đã dõng dạc tuyên bố: “Vì nhân dân Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng không chỉ đường mà còn cả máu của mình, là thứ còn quý giá hơn rất nhiều so với đường!”.

Quên sao được giây phút xúc động, sung sướng đến run người khi nghe và dịch đồng thời cho trưởng đoàn nước ta đang ngồi trên lễ đài lời tuyên bố hùng hồn đó của Fidel mà sau này đã đi vào lịch sử như mọi người biết “Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, trước tiếng vỗ tay và tiếng hô vang dậy “Việt Nam muôn năm!”, “Việt Nam nhất định thắng!” của biển người trước mặt.

Một năm sau, cũng ngày 2/1, cũng trong bối cảnh và với những xúc cảm tương tự, tại quảng trường lịch sử ấy, tôi lại được nghe và dịch đồng thời lời tuyên bố dõng dạc của Fidel đặt tên năm 1967 là “Năm Việt Nam anh hùng!” giữa tiếng hoan hô rền vang và rừng cánh tay giơ lên trước mặt…

Ngày 17/7/1966, tại Hội nghị chính trị toàn quốc, Hồ Chủ tịch đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do", kêu gọi toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết đưa sự nghiệp chống xâm lược Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn. Chưa đầy 10 ngày sau, tại cuộc mít tinh quần chúng khổng lồ ở Quảng trường Cách mạng Jose Marti kỷ niệm ngày Khởi nghĩa vũ trang 26/7, Fidel đã dành nửa giờ phát biểu về Việt Nam, trích dẫn nhiều đoạn lời tuyên bố của Bác Hồ mà ông cho là "chắc chắn sẽ đi vào lịch sử” và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba. Một lần nữa Fidel khẳng định hùng hồn: “Việt Nam đã trở thành vấn đề của toàn nhân loại.

Fidel kết thúc bài phát biểu: “Chúng ta hãy dành ngày 26/7 này cho tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, cho các chiến sĩ anh hùng ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng dành cho nhân dân Việt Nam câu khẩu hiệu của chúng ta: “Tổ quốc hay là chết! Chúng ta nhất định thắng!”

Niềm tin chiến thắng

Sau đòn chí mạng tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân dân ta, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ L. Johnson tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận nói chuyện với ta và không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Chỉ ít ngày sau, tại cuộc mít tinh quần chúng ngày 19/4/1968, Fidel tuyên bố: "Rõ ràng quyết định này là kết quả của những thất bại thảm hại mà nhân dân Việt Nam đã gây cho chúng”.

Ngày 8/5/1969, Phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng tại cuộc đàm phán Paris đưa ra "Giải pháp toàn bộ 10 điểm" để giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Chưa đầy một tháng sau, ngày 03/6/1969, tại cuộc mít tinh quần chúng quen thuộc mỗi khi có sự kiện trọng đại ở Quảng trường Cách mạng Jose Marti, Fidel đã dành một giờ mười phút liền để phát biểu, bày tỏ sự ủng hộ của Cuba đối với lập trường đúng đắn đó của Viêt Nam.

Sau khi thăm và ký kết với Trung Quốc thông cáo chung Thượng Hải tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom, bắn phá lại miền Bắc vô cùng ác liệt, phong tỏa các cảng, dùng máy bay chiến lược B-52, hòng khuất phục nhân dân ta, Fidel càng thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Fidel đã 19 lần lên tiếng cực lực tố cáo, lên án cuộc chiến tranh hủy diệt của Mỹ, kêu gọi cả loài người tiến bộ ủng hộ Việt Nam.

Đặc biệt, Fidel đã tranh thủ chuyến công du Algeria và 6 nước XHCN đông Âu vào tháng 5 và tháng 6/1972, phát biểu tại tất cả 14 cuộc mít tinh, chiêu đãi trọng thể chào mừng ông ở các nước để thể hiện lập trường trước sau như một của Cuba đối với cuộc chiến đấu oanh liệt của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón Fidel trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 9/1973. (Nguồn: TTXVN)

Fidel luôn có một niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Việt Nam. Trong một cuộc mít tinh quần chúng ngày 30/7/1972, Fidel đã tuyên bố: “Chúng ta tin vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam và càng ngày thắng lợi lại càng đến gần. Chúng ta đang chứng kiến những sự kiện cuối cùng. Rõ ràng, giờ đây Việt Nam đang và sẽ là một đất nước cần tình đoàn kết quốc tế nhất, không phải chỉ bây giờ mà cả khi đã giành thắng lợi, khi xây dựng lại đất nước đã bị bom đạn tàn phá với các hố bom có ở khắp mọi nơi… Chúng ta vui lòng thiếu đi một trường học, một bệnh viện hoặc thiếu đi 2, hoặc 3 hoặc số lượng thiếu cần thiết để giúp xây dựng ở Việt Nam”.

Những chuyến thăm lịch sử

Fidel đã trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam tháng 9/1973, Fidel đã 5 lần phát biểu rất dài, trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến, sự ủng hộ hoàn toàn, triệt để, mạnh mẽ nhất đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta.

Đứng trên đồi 241, Cam Lộ, Quảng Trị còn đầy chiến tích, dáng vóc uy nghi, sừng sững giữa các chiến sĩ giải phóng quây quần xung quanh, Fidel đã phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giọng dõng dạc: “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm giữa Sài Gòn!”. Và chưa đầy hai năm sau, điều đó đã trở thành sự thật.

Trong chuyến thăm Việt Nam và vùng mới giải phóng Quảng Trị, Fidel đã tặng Việt Nam 5 công trình lớn trị giá 80 triệu USD. Đó là khách sạn chất lượng quốc tế Thắng Lợi 150 phòng ở Hồ Tây, Hà Nội, “để đón tiếp khách tới thăm và phục vụ Đại hội Đảng sắp tới”. Bệnh viện đa khoa hiện đại Đồng Hới 500 giường ở Quảng Bình, “để chữa chạy cho các chiến sĩ miền Nam và đồng bào vùng chiến tranh ác liệt nhất”.

Trại bò đực giống Moncada ở Ba Vì cùng trại bò sữa giống Mộc Châu và trại gà giống ở Tam Đảo với những con giống tốt nhất và trang thiết bị hiện đại nhất để phát triển chăn nuôi bò, gà phục vụ đời sống nhân dân. Đó là con đường đặc biệt Xuân Mai vừa phục vụ cho giao thông và khi cần sẽ biến thành đường băng cho máy bay chiến đấu, cùng một khoản ngoại tệ để ta mua thiết bị hiện đại mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975.

Lãnh tụ Fidel phát biểu trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. (Nguồn: TTXVN)

Trở lại thăm Việt Nam, ngày 10/12/1995, Fidel đã xúc động nhắc lại những ấn tượng sâu sắc trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên tháng 9/1973 và bày tỏ “Giấc mơ của Hồ Chí Minh khi Người nói “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” và “Đến ngày thắng lợi ta sẽ xây dựng đất nước một trăm lần to đẹp hơn” đã được thực hiện.

Nhân dân Việt Nam trong nhiều thập kỷ đã đổ biết bao xương máu, trong khi có những nước đã kinh doanh trên máu của Việt Nam. Ngày nay, rất nhiều trong số những dân tộc này công nhận Việt Nam, ngưỡng mộ Việt Nam, thiết lập quan hệ hòa bình với Việt Nam và hợp tác với Việt Nam. Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực.

Giờ đây, những giọt máu cao quý và hào sảng của người Việt Nam đang mang lại phúc lợi, thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân của mình. Bằng cả trái tim mình, tôi muốn ôm hôn tất cả các anh hùng có mặt hôm nay, và cả những anh hùng đã được nhắc đến ở đây. Tôi muối ôm hôn từ những người đã ném bom tòa nhà này, những người bị tù đày nhiều năm cho đến những thân nhân và góa phụ của các liệt sĩ đã ngã xuống”.

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng, phát biểu ngày 22/2/2003, sau khi nhắc lại những ấn tượng sâu sắc trong hai chuyến thăm trước, Fidel đã dõng dạc: “Thật đáng thán phục những gì các đồng chí đạt được sau một quãng thời gian tương đối ngắn, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Có lẽ vẫn có thể còn nhiều khó khăn, khó khăn thì luôn luôn có, nhưng chẳng khó khăn nào thắng nổi ý chí quyết tâm, tính nhẫn nại, tinh thần lao động quên mình của dân tộc tuyệt vời này.

Lịch sử Việt Nam chứng tỏ rằng, khi một dân tộc đã quyết tâm bảo vệ sự sống của mình, bản sắc của mình và tương lai của mình bằng bất cứ giá nào thì không một siêu cường nào có thể chống lại dân tộc đó. Đó là tấm gương lớn nhất Việt Nam đã cống hiến cho thế giới.

Fidel và Hồ Chí Minh

Tình yêu nồng cháy của Fidel đối với Việt Nam không chỉ thể hiện qua gần 100 bài phát biểu trước công chúng mà còn được thể hiện qua những gì ông đã bày tỏ trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân ta.

Fidel có tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ. Mặc dù hai vị lãnh tụ đã không có dịp gặp mặt nhau, nhưng có thể nói có một sự đồng nhất về lý tưởng, tư duy, bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, nhân cách, tình cảm... giữa hai vĩ nhân. Không biết bao nhiêu lần Fidel đã bầy tỏ trước công chúng tình yêu, sự kính trọng và ngưỡng mộ đặc biệt đối với Bác Hồ. Fidel đã từng cử phái viên mang sang tận Việt Nam biếu Bác những món quà đặc biệt như giống ếch rất to của Cuba, những máy làm kem tối tân nhất cùng nguyên liệu mà Cuba mới nhập khẩu được.

Thật khó quên những giây phút tiếp đón Fidel đến viếng Bác tại Đại sứ quán nước ta ở Cuba ngay sau khi được tin Bác qua đời, chứng kiến gương mặt ông thật sự đau buồn và xúc động. Ông ngồi lại rất lâu để hỏi chuyện về Bác, tỏ vô cùng nuối tiếc vì chưa được gặp Bác. Fidel đã cử hai người bạn chiến đấu thân thiết trong số năm nhà lãnh đạo cao nhất Cuba là các Tư lệnh Cách mạng Juan Almeida và Ramiro Valdes sang viếng Bác ở Hà Nội.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên một lần nữa ông hết lời ca ngợi đạo đức, thiên tài và công lao to lớn của Bác Hồ đối với Việt Nam cũng như đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc trên thế giới. Rồi, giọng ông chùng xuống: “Chúng tôi chỉ có một nỗi đau lòng là đã không đến được Việt Nam trước ngày 3/9/1969, không có may mắn lớn được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi vô cùng khâm phục.

Nhưng chúng tôi được đền bù là đã được gặp và tiếp xúc và gần gũi nhân dân Việt Nam và được thấy phản chiếu trong nhân dân Việt Nam sự nghiệp của Người, những lời giáo huấn của Người, sự giáo dục, công lao và tấm gương của Người, chủ nghĩa anh hùng và đức tính khiêm tốn của Người”.

Tâm khảm tôi còn in đậm tình cảm, sự đón tiếp đặc biệt nồng hậu Fidel dành cho Việt Nam, cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến Thủ tướng thăm Cuba tháng 3/1974. Fidel đã cho tổ chức một cuộc mít tinh trên ba trăm ngàn người tham dự tại Quảng trường Cách mạng Jose Marti ở Thủ đô để chào mừng và nghe Thủ tướng phát biểu, rồi đích thân dẫn Thủ tướng thăm các nơi với sự chào đón nồng nhiệt của quần chúng. Giây phút đặc biệt xúc động khi Fidel ôm hôn nồng nhiệt Thủ tướng tại chân cầu thang máy bay khi đến cũng như đầy lưu luyến khi tiễn.

Rồi cuộc Fidel bất ngờ tới thăm Thủ tướng tại nhà khách dành cho nguyên thủ. Tôi cũng không bao giờ có thể quên sự đón tiếp đặc biệt thân tình Fidel đã dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm chính thức Cuba và tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba cuối năm 1975 đầu năm 1976, những câu chuyện thật thân tình chỉ có thể có giữa hai vị Tổng tư lệnh dầy dạn trận mạc, hai người Anh hùng huyền thoại, hai người anh em thân thiết! Chỉ ít ngày trước khi qua đời, Fidel đã tiếp Chủ tịch nước ta là nguyên thủ nước ngoài cuối cùng được gặp ông.

Hình mẫu của tình đoàn kết

Theo chỉ đạo của Fidel, Cuba luôn là nước đi tiên phong và nổi bật nhất trong phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam chống ngoại xâm. Có thể khẳng định không có quốc gia nào lại thể hiện tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ hết lòng sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam bằng những hành động cụ thể, phong phú về mọi phương diện, thật sự sôi nổi, nhiệt tình, triệt để, thiết thực, liên tục, ngày càng mạnh mẽ từ trung ương đến cơ sở trên khắp cả nước như Cuba.

Cuba là nước đầu tiên trên thế giới thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam do bà Melba Hernandez, nữ anh hùng Moncada, bạn chiến đấu của Fidel trực tiếp làm Chủ tịch, với hệ thống tổ chức từ trung ương tới cơ sở, là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cho phép Mặt trận thành lập Cơ quan đại diện ở La Habana với quy chế ngoại giao, cung cấp mọi phương tiện cho hoạt động của Cơ quan (trụ sở, xe cộ, kinh phí cho hoạt động và toàn bộ nhân sự).

Lãnh tụ Fidel Castro thăm Việt Nam, tháng 10/1995.

Cuba cũng là nước đầu tiên và duy nhất cử Đại sứ tới trình quốc thư và nước đầu tiên cử nhà báo tới thăm vùng giải phóng miền Nam. Trong suốt bao nhiêu năm Cuba tặng ta mỗi năm 1 vạn tấn đường, giúp đỡ và chi phí toàn bộ cho rất nhiều hoạt động của ta như tất cả các đoàn Việt Nam thăm Cuba, các cuộc gặp gỡ ở Cuba của ta với thanh niên, sinh viên…Mỹ phản chiến. Cuba dành làn sóng riêng, chu cấp toàn bộ và giúp chuyên gia cho một tổ của Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú ở đó để hàng ngày phát thanh vào Mỹ và Tây bán cầu, cũng như sau Hiệp định Paris giúp một nhóm kỹ thuật viên ta sang tìm hiểu, học tập để chuẩn bị tiếp quản đài truyền hình Sài Gòn.

Năm 1972, Cuba đã cử một đội y tế sang giúp ta; hai con tầu Cuba El Jigue và Imias chở viện trợ đã cùng chia sẻ bom mìn với ta tại cảng Hải Phòng. Hơn 1.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân Cuba cùng toàn bộ trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cần thiết đã đến sát cánh cùng công nhân ta xây dựng 5 công trình Fidel tặng…

Cuba đã dành cho ta sự giúp đỡ hào hiệp, vô tư như vậy trong khi còn nghèo, thiếu thốn, phải thực hiện chế độ tem phiếu và nhận viện trợ nước ngoài. Không thể thống kê hết các hoạt động thật đa dạng đoàn kết với Việt Nam đã được tổ chức ở Cuba từ trung ương đến các địa phương! Cũng không biết bao nhiêu đường phố, trường học, nhà máy, công viên, khu phố, cơ sở ở Cuba mang tên về Việt Nam.

Có thể nói tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của Fidel cũng như của nhân dân Cuba đối với Việt Nam là có một không hai trong lịch sử, là hình mẫu cao đẹp cần được xây dựng trong quan hệ quốc tế hiện đại.

----------------------

* Đại sứ Nguyễn Đình Bin là cựu lưu học sinh tại Cuba, nguyên Ủy viên TƯ Đảng khóa VIII, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nicaragua kiêm nhiệm Ecuador và tại Pháp kiêm nhiệm Bồ Đào Nha. Ông là phiên dịch trong chuyến thăm Việt Nam của Fidel Castro, tháng 9/1973.

Đại sứ Nguyễn Đình Bin*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/niem-tin-chien-thang-mang-ten-viet-nam-cua-fidel-castro-50-nam-truoc-242782.html