Những yếu tố khó lường của đại dịch

Lần đầu tiên thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc mới COVID-19 trong ngày (12/1), chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron, trong khi số ca bệnh trong tuần cũng lên tới 15 triệu, cao nhất từ trước đến nay.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa phải lên tiếng cảnh báo: “Biến thể Omicron vẫn là một virus nguy hiểm, đặc biệt với người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19”. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2022, người đứng đầu WHO "gióng lên hồi chuông" báo động trước sự lây lan chóng mặt của Omicron, khi nhiều người có phần chủ quan bởi cho rằng đây là kịch bản đã được dự báo trước và Omicron chỉ gây bệnh nhẹ.

Chỉ trong hai ngày 11 và 12/1, một loạt nước xác nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch. Ở châu Âu có Đức, Pháp, Bulgaria, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Croatia... Tại châu Á, Nhật Bản ngày 12/1 ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 13.000 ca, cao nhất 4 tháng, sau thời gian tưởng như dịch đã lặng lẽ biến mất.

Số ca mắc mới tại đất nước "Mặt Trời mọc" đã tăng hơn 16 lần trong vòng 2 tuần đầu năm, số ca mắc tại Ấn Độ tăng gấp 20 lần trong 1 tháng, còn thủ đô Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp đôi trong 1 tuần. Quốc gia Trung Đông Israel hay nước châu Mỹ Mexico đều "ghi tên" vào danh sách những địa điểm có ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có. Đây là những minh chứng rõ nhất cho thấy sự hoành hành của biến thể Omicron, mới được phát hiện chưa đầy 1 tháng rưỡi trước.

WHO dự đoán hơn 50% dân số châu Âu (gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước ở vùng Trung Á) sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn châu Âu.

Tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia tại châu lục này ghi nhận hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Tại Mỹ, giới chức nước này cũng dự báo làn sóng mới do biến thể Omicron có thể đạt đỉnh vào ngày 19/1, khi “tất cả những người có thể nhiễm virus đã đều nhiễm hết”.

Các kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo phát hiện ca Omicron, cho thấy tỷ lệ người nhiễm biến thể này không có triệu chứng cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có thể giải thích tại sao biến thể mới lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Giáo sư Hideaki Oka thuộc Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Saitama (Nhật Bản) nêu rõ những người nhiễm Omicron ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể vô tình lây lan virus cho cộng đồng xung quanh mà không hề hay biết.

Omicron ảnh hưởng đến cả người đã tiêm và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng nguy cơ bệnh trở nặng ở người chưa tiêm cao hơn nhiều lần. Theo số liệu thống kê của Israel, trong làn sóng dịch do Omicron hiện nay, số bệnh nhân nhập viện là người chưa tiêm vaccine ngày càng tăng, dù nhóm này chỉ chiếm khoảng ⅕ dân số trưởng thành của Israel. Cụ thể, chỉ có 14% người dân Israel trên 20 tuổi chưa được tiêm phòng COVID-19 nhưng nhóm này lại chiếm tới 45% số ca bệnh nặng; 100% ca nguy kịch cần thở máy ECMO hiện tại ở Israel đều là những người chưa tiêm. Những bệnh nhân chưa tiêm cũng chiếm 81% số ca bệnh cần được trợ thở.

Trong khi đó, Giáo sư Jean-Michel Dogné, Trưởng Khoa Dược tại Đại học Namur (Bỉ) cho biết: "Nguy cơ nhập viện giảm 81% đối với những người được tiêm mũi thứ ba so với những người không được tiêm, và giảm 70% nguy cơ biến chứng nặng. Việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở các địa điểm công cộng cần phải được duy trì và coi là chuẩn mực. Biểu đồ dịch tễ COVID-19 sẽ là cơ sở để chúng ta áp dụng các biện pháp tùy theo mức độ lây nhiễm ở các thời điểm nhất định”.

Từ Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu - Tiến sĩ Anthony Fauci - cho rằng dù số ca mắc mới và nhập viện ở Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy và dự báo đạt đỉnh vào cuối tháng này, song Mỹ đang tiến đến "ngưỡng" chuyển sang sống chung với COVID-19 như một bệnh có thể kiểm soát được. Theo ông, với khả năng lây lan nhanh, virus SARS-CoV có thể tạo ra nhiều biến thể mới, tấn công những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Mặc dù hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giảm, song cho đến nay, những người đã tiêm vaccine vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tiến sĩ Ezekiel Emanuel - chuyên gia từng làm việc tại một ban cố vấn về dịch COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden - cũng chia sẻ quan điểm COVID-19 sẽ trở thành "bệnh đặc hữu" vào cuối năm 2022, điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh trở nên ổn định hơn và có thể dự báo. Ông đánh giá nước Mỹ cần chuẩn bị một kế hoạch chiến lược cho giai đoạn này, trong đó bao gồm chuẩn bị vaccine, tăng số người tiêm chủng, cải thiện hệ thống thông gió, kịp thời điều trị mọi bệnh nhân sau khi phát hiện dương tính trong vòng 3 ngày...

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng nhận định sự lây lan của biến thể Omicron cho thấy COVID-19 đang trên đường trở thành một bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Theo ông Marco Cavaleri - người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý sự lây lan nhanh chóng của Omicron sẽ tạo sức ép khổng lồ có thể nhấn chìm hệ thống y tế toàn cầu. Vì thế, ông nhấn mạnh không nên để virus lây lan tự do khi thế giới vẫn còn nhiều người chưa tiêm vaccine.

Đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro đánh giá sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã “bắt đầu le lói”, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp. Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News (Anh), ông nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Chúng tôi thấy rằng sự kết thúc (của đại dịch) không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới COVID-19)”.

Chuyên gia của WHO đồng thời cảnh báo rằng “virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển” và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới; các đợt bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới. Điều đó tạo ra những yếu tố khó lường của đại dịch, khiến thế giới vẫn cần cảnh giác.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-yeu-to-kho-luong-cua-dai-dich-20220113154813733.htm