Những ý kiến đóng góp cho dự thảo hiến pháp

Ngày 19-2-2013, Công an thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho lãnh đạo chủ chốt 72 đơn vị trực thuộc do thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an thành phố chủ trì. Góp ý tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vừa kế thừa được các thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước và góp ý nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Các ý kiến góp ý cụ thể ghi nhận tại hội nghị:

- Phần Lời nói đầu ở đoạn 2 và 3 nêu như vậy là dài, không cần thiết nêu lại cả quá trình lịch sử, hô hào theo kiểu khẩu hiệu, nghị quyết. Đề nghị viết ngắn lại, súc tích hơn.

- Điều 1, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị chuyển đổi vị trí hai cụm từ “dân chủ, độc lập...” nhằm để khẳng định nền độc lập là điều kiện tiên quyết sau đó mới đến dân chủ và sửa lại điều này như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

- Điều 4, dự thảo đề nghị sửa đổi bổ sung như sau:

Bỏ cụm từ “đồng thời là đội tiên phong” và bổ sung cụm từ “duy nhất” tại khoản 1 và sửa lại khoản 1, điều 4 như sau:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

- Tại khoản 3, điều 5 dự thảo, đề nghị bổ sung cụm từ “văn hóa” và sửa lại khoản này như sau “3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

- Tại khoản 2, điều 7 dự thảo, đề nghị bổ sung cụm từ “của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân” và sửa lại khoản này như sau: “3. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân”.

- Tại khoản 1, điều 8 dự thảo, đề nghị bổ sung cụm từ: “không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” và sửa lại khoản này như sau: “1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Thiếu tá Phạm Thành Long - Phòng Pháp chế CATP (tổng hợp)

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=489552&mod=detnews&p=