Những xung lực mới trong quan hệ hợp tác Pháp-Việt

Ngày 18-11 tại Thượng viện Pháp diễn ra hội thảo nhằm điểm lại những bước phát triển trong quan hệ hợp tác Pháp-Việt, đồng thời thảo luận việc tận dụng những lợi thế của đối tác chiến lược để từ đó xác định động lực mới cho quan hệ song phương.

Các diễn giả Pháp cho rằng các doanh nghiệp Pháp cần năng động hơn để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Với chủ đề "Pháp-Việt: Một sự năng động mới trong hợp tác", hội thảo là sự kiện quan trọng được tổ chức sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande trong tháng 9 vừa qua. Tham dự có Thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt Gérard Daviot; Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp- Việt Hélène Luc; các đại sứ và nhà nghiên cứu của Pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp, cho rằng từ nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại cuộc hội thảo vào tháng 3 tại Thượng viện, các đại biểu cũng có chung nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một trong những con rồng mới của khu vực. Được tham gia chuyến thăm của Tổng thống Pháp, bà Catherine Deroche khẳng định quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp, tuy nhiên hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Được chứng kiến sự hợp tác tích cực và hiệu quả giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, phát triển bền vững, văn hóa và hợp tác phi tập trung, bà Catherine Deroche nhấn mạnh Thượng viện Pháp rất quan tâm tới việc xác định động lực mới của hợp tác Pháp-Việt trong hoàn cảnh hiện tại.

Theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn, hai nước đang có những cơ chế và điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đó là việc tổ chức Đối thoại kinh tế cấp cao hằng năm để giải quyết các vấn đề chiến lược liên quan đến thương mại và đầu tư, đồng thời xem xét những cách để loại bỏ các rào cản thương mại và tiếp cận thị trường. Thứ hai, Việt Nam và Pháp thể hiện một cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế. Pháp đã mở văn phòng thương mại tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ các công ty Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Còn Việt Nam đã cử người sang thường trú tại Paris để xúc tiến đầu tư với phía Pháp. Các cơ quan thương mại của Pháp và Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận hỗ trợ các công ty của mỗi nước. Thứ ba, Việt Nam và Pháp đã ký kết các thỏa thuận song phương quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam có đà tăng trưởng cao liên tục ở mức 6-7%. Chính vì vậy, hai nước cần trao đổi cụ thể để tìm ra nguyên nhân tại sao hợp tác kinh tế song phương vẫn còn ở mức khiêm tốn và cần có giải pháp gì để cải thiện tình hình.

Ông Christian Lechervy, Đại sứ, Thư ký thường trực về khu vực Thái Bình Dương, nguyên Cố vấn về các vấn đề chiến lược và khu vực châu Á-TBD của Tổng thống Pháp, cho biết: "Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande là dịp để khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược này là mối quan hệ tổng thể và toàn diện. Trước tiên, đó là mối quan hệ chính trị với Việt Nam, được xem xét trong tổng thể quan hệ không phải chỉ với khu vực mà còn cả cộng đồng quốc tế bởi vì Việt Nam đóng vai trò quan trọng tại Liên hợp quốc và ASEAN cũng như trong các tổ chức khu vực và tiểu khu vực khác.

Nền tảng thứ hai của mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt là quan hệ kinh tế và thương mại. Các diễn giả phát biểu đều cho rằng cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường mối quan hệ này. Trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, nông sản, thực phẩm, năng lượng, chúng ta đều nhận thấy là các dự án quan trọng hàng đầu đang hiện ra ngày càng rõ nét.

Lĩnh vực thứ ba là hợp tác về văn hóa-xã hội và hỗ trợ nhân đạo. Quan hệ Pháp-Việt sẽ không thể phát triển tốt đẹp như hiện này nếu không có sự năng động của các hội đoàn tại Việt Nam và Pháp cũng như sự năng động của hợp tác phi tập trung. Hội thảo phi tập trung vừa được tổ chức vào tháng 9 tại Cần Thơ đã cho thấy chiều sâu cũng như sự đa dạng của mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Là người luôn tích cực trong các hoạt động hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, bà Hélène Luc cho rằng sự tham của gần 200 đại biểu tại hội thảo này gồm nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp Pháp cho thấy mọi người rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Theo bà, sự năng động của các nhà tri thức, nghị sĩ, hội đoàn và nhân dân Pháp sẽ tiếp tục đóng góp một phần quan trọng vào quá trình thực hiện các quyết định và thỏa thuận mà hai nước đã ký kết.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào mối quan hệ hữu nghị và lịch sử giữa Việt Nam và Pháp, về kết quả quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp. Theo các đại biểu, Việt Nam đã trở thành một đất nước năng động, hội nhập tích cực vào cộng đồng quốc tế và có những điều kiện thuận lợi như tốc độ tăng trưởng hằng năm cao, chính trị ổn định.

Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược được hơn ba năm, tuy nhiên hai nước vẫn chưa tận dụng tối đa những lợi thế mà quan hệ đối tác chiến lược mang lại. Quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt cần phải được thể hiện rõ nét hơn trong hợp tác về kinh tế, công nghiệp và quốc phòng. Bên cạnh đó, giới doanh nhân Pháp cần phải năng động hơn để cân bằng lại cán cân thương mại hiện đang nghiêng về phía Việt Nam và góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Trong năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp và Hội hữu nghị Pháp-Việt tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại tại Thượng viện Pháp

KHẢI HOÀN - ĐÌNH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31316002-nhung-xung-luc-moi-trong-quan-he-hop-tac-phap-viet.html