Những võ sĩ vượt khó giành vàng về cho Vovinam Việt Nam

Với thành tích 7 huy chương vàng, 13 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, Đội tuyển Vovinam Việt Nam đã đạt được mục tiêu đã đề ra trước SEA Games 32 tại Campuchia. Đằng sau vinh quang ấy là rất nhiều nỗ lực vượt khó của những võ sĩ thép.

Nguyễn Thanh Liêm sau khi thắng áp đảo đối thủ Emmanuel Dailay Cantores (Philippines) ở chung kết. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Nguyễn Thanh Liêm sau khi thắng áp đảo đối thủ Emmanuel Dailay Cantores (Philippines) ở chung kết. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Giành vàng khi đã bị sốt gần 40 độ

Trở về Việt Nam từ Campuchia, Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1997) vẫn chưa hết mệt mỏi. Thế nhưng, gương mặt của vận động viên đến từ thành phố Hồ Chí Minh lại ánh lên niềm vui. Tại SEA Games 32, Liêm đã xuất sắc giành huy chương vàng nội dung đối kháng hạng cân 60kg nam.

Chia sẻ về hành trình “săn vàng” của mình, Liêm cho hay: Khi sang nước bạn, do không quen thời tiết nên anh đã bị ốm. Trước ngày thi đấu, Thanh Liêm bắt đầu đau đầu và sốt cao. Thế nhưng, với tinh thần vượt khó và trách nhiệm với Tổ quốc, chàng trai 26 tuổi vẫn nỗ lực hết mình. Anh tự trấn an bản thân để bước vào sàn đấu.

Nguyễn Thanh Liêm vẫn chưa thể quên những trải nghiệm khó quên tại SEA Games 32.

Nguyễn Thanh Liêm vẫn chưa thể quên những trải nghiệm khó quên tại SEA Games 32.

“Đánh xong trận bán kết, tôi cảm thấy rã rời. Lúc này đo nhiệt độ đã lên tới 40 độ. Mặc dù rất mệt nhưng tôi vẫn cố gắng. Các bác sĩ trong đoàn cho tôi uống thuốc hạ sốt, điện giải. Thời gian nghỉ ngơi trước trận cuối cùng chỉ còn 2 tiếng”, Thanh Liêm nhớ lại.

Nhà thi đấu Chroy Changvar khi ấy nóng hầm hập. Không khí cuồng nhiệt từ các khán đài xung quanh khiến Liêm lặng đi. Nhìn màu cờ Tổ quốc đỏ thắm, anh chỉ nghĩ: Vinh quang cho đất nước còn cách một trận cuối cùng. Dù mệt, dù sốt, anh cũng phải gồng lên. Nghe lời động viên của các thầy cô, sức mạnh trong Liêm càng được nhân lên.

“Còn bao nhiêu sức, mình sẽ phải dồn hết vào trận đấu này”, Liêm cười kể.

Các vận động viên Việt Nam thi đấu chung kết nội dung Đa luyện vũ khí nữ môn Vovinam tại SEA Games 32. (Ảnh: TTXVN)

Các vận động viên Việt Nam thi đấu chung kết nội dung Đa luyện vũ khí nữ môn Vovinam tại SEA Games 32. (Ảnh: TTXVN)

Với suy nghĩ ấy, bước vào nội dung đối kháng hạng cân 60kg, dù ở trong trạng thái bất lợi về sức khỏe, Thanh Lâm vẫn áp đảo võ sĩ Cantores của Philippines. Thậm chí, Thanh Liêm còn thắng chung cuộc đại diện Philippines với tỷ số vượt trội 9-1 để mang về thêm Huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Như vậy, Thanh Liêm cũng đã bảo vệ thành công chức vô địch tại kỳ SEA Games 31.

Thanh Liêm chia sẻ, anh đến với Vovinam từ khi mới 7 tuổi. Sau khi trưởng thành qua các giải quận, rồi thành phố, võ sĩ sinh năm 1997 gia nhập đội Vovinam thành phố Hồ Chí Minh từ 2011 và tiến bộ không ngừng. Thanh Liêm từng vô địch châu Á 2018, vô địch thế giới 2017 và sở hữu hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ khác trong nhiều năm qua.

Vượt qua chấn thương để chiến thắng

Cũng vượt qua “nghịch cảnh” để tiến tới vinh quang, võ sĩ Lê Thị Hiền (sinh năm 1998) là người “mở hàng thành công” cho Vovinam Việt Nam tại SEA Games 32. Vốn là một trong những tuyển thủ dày dặn kinh nghiệm nhất đội, ngay từ đầu, nữ vận động viên tới từ Thanh Hóa đã được ban huấn luyện đặt rất nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, ngay từ vòng loại, Lê Thị Hiền đã bị tái phát chấn thương đầu gối khi trúng phải một đòn chân của đối thủ. Cô bước vào trận chung kết hạng cân 55kg với đối thủ Alisa Panyasyli (Lào) khi đầu gối đã sưng vù và rất đau. Hiền buộc phải bó chân lại để thi đấu.

Nữ võ sĩ Lê Thị Hiền chia sẻ lại trải nghiệm tại SEA Games 32 của mình. Đây cũng là lần thứ 2 cô gái tới từ Thanh Hóa được vinh dự tham gia SEA Games.

Nữ võ sĩ Lê Thị Hiền chia sẻ lại trải nghiệm tại SEA Games 32 của mình. Đây cũng là lần thứ 2 cô gái tới từ Thanh Hóa được vinh dự tham gia SEA Games.

Lê Thị Hiền nói thêm, chấn thương này cô đã từng gặp phải 1 lần từ năm 2017, thời điểm sau khi thi đấu quốc tế trở về. "Đợt này, các đối thủ ngày càng mạnh nên toàn đội không ngừng tập luyện (1 ngày tối đa 3 ca). Do vậy, chấn thương của tôi không thể hồi phục kịp", võ sĩ người Thanh Hóa cho hay.

Chấn thương cũng buộc ban huấn luyện đội tuyển phải thay đổi chiến thuật. Thay vì dùng đòn chân, Hiền được chỉ đạo sử dụng nhiều đòn tay hơn. Nhớ lại thời điểm khó khăn này, cô gái 27 tuổi chia sẻ: “Vết thương rất đau khiến tôi có cảm giác không thể cử động được. Thế nhưng, nhìn ánh mắt cổ vũ của đồng đội, các thầy cô, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Không thể sử dụng đòn kẹp chân khiến tôi gặp khá nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhưng tôi đã tận dụng mọi sai sót của đối phương để giành được chiến thắng. Đây là chiếc huy chương rất ý nghĩa đối với tôi vì diễn ra trong tình thế khá bất lợi”.

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Vovinam Nguyễn Tấn Thịnh đánh giá cao tinh thần và quyết tâm thi đấu của các võ sĩ như Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thị Hiền...

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Vovinam Nguyễn Tấn Thịnh đánh giá cao tinh thần và quyết tâm thi đấu của các võ sĩ như Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thị Hiền...

Hiền tâm sự, cô vốn sinh ra và lớn lên tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm lớp 6, Hiền đã đến với Vovinam. Trong suốt nhiều năm thi đấu, cha mẹ cô đã nhiều lần muốn cô dừng lại vì thương con quá vất vả. Thế nhưng, nghị lực và tình yêu với võ thuật đã đem lại trái ngọt cho cô. Chỉ tính riêng trong nước, Lê Thị Hiền đã giành được 25 tấm huy chương vàng. Trong 2 kỳ SEA Games được tham dự, Lê Thị Hiền cũng đều xuất sắc là người chiến thắng sau cùng.

Nữ võ sỹ nói thêm, hiện nay, cô đang nhận mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng sau khi trừ tiền ăn và đóng bảo hiểm. Với thu nhập khiêm tốn ấy, mỗi lần lên sàn đấu, cô gái nhỏ bé đều cố gắng hết mình để… có huy chương. Bởi có huy chương thì mới... có thêm tiền phụ giúp cha mẹ.

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Vovinam Nguyễn Tấn Thịnh chia sẻ, trong thời gian thi đấu tại Campuchia, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đã khiến các vận động viên gặp rất nhiều khó khăn. Một số vận động viên bị sốt, ốm nên ảnh hưởng tới thi đấu. Mặc dù vậy, đội tuyển vẫn xuất sắc giành được 7 huy chương vàng đúng với chỉ tiêu đã đề ra, qua đó góp vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam nói chung.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-vo-si-vuot-kho-gianh-vang-ve-cho-vovinam-viet-nam-post752654.html