Những vết đinh

Có người đàn ông nọ có thói quen cằn nhằn người vợ của mình. Bất kể chuyện gì anh ta cũng nổi nóng và quát tháo, khiến vợ anh ta vô cùng sợ hãi.

Mẹ anh ta thấy vậy liền nhắc nhở anh ta kiềm chế, nhưng anh ta không làm được. Mỗi lần tức giận anh ta đều trút những lời cay đắng lên người vợ, thậm chí còn đánh đập vợ.

Ban đầu người vợ cảm thấy sợ hãi, sau chỉ lặng im. Mẹ anh ta lại nhắc, nếu anh ta cứ tiếp tục như thế, cô vợ sẽ bỏ đi. Nhưng anh ta không tin điều đó, bởi vợ anh ta vốn hiền lành, cam chịu, không dễ gì rời bỏ được anh ta. Hơn nữa, quát mắng là vậy nhưng anh cũng chỉ yêu thương có vợ mình mà thôi.

Thế nhưng một ngày anh ta đi làm đồng về mà không thấy vợ đâu. Người vợ anh ta đã bỏ đi, bỏ lại đứa con thơ. Cô viết thư để lại rằng những lời nói của anh ta làm tim cô chảy máu. Giờ máu trong tim đã cạn, tim cũng đã bị thương nặng, không thể tiếp tục chung sống với anh ta thêm ngày nào nữa.

Kể từ đó, anh ta sống trầm mặc trong sự hối hận và nỗi nhớ nhung người vợ hiền. Đứa con trai không có mẹ, lại có tính cách được truyền từ người cha, luôn mặc cảm và nóng tính. Càng lớn, đứa bé càng hay nổi nóng thất thường.

Cho đến một hôm, người cha đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào.

…Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một ngày cậu bé tìm cha mình và báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng:

“Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy”.

Cậu bé hiểu ra câu chuyện, và trong suốt cuộc đời cậu khi lớn lên, cậu không còn cáu giận nữa. Một ngày, cậu trở thành người đàn ông thành đạt do tính cách ôn hòa và lời nói dịu dàng của cậu. Cậu cũng có đủ tiền để đi khắp nơi tìm mẹ và cậu tìm thấy… Hạnh phúc lại mỉm cười!

Bảo Thoa (ST)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-vet-dinh-45436.html