Những vất vả hàng ngày từ từ bào mòn chúng ta

Chúng ta vẫn cố gắng giải quyết những bộn bề cuộc sống và tự nhủ chỉ cần cố lên một chút. Sự mệt mỏi được tích tụ ngày qua ngày khiến cơ thể trở nên kiệt quệ.

Áp lực công việc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: Prudential.

Trong hơn 50 năm, các nhà sinh lý học đã biết rằng việc đặt quá nhiều căng thẳng lên động vật sẽ khiến nó già đi rất nhanh. Khi đặt một con chuột vào một mạng điện và gây sốc nó, bạn không cần tăng độ sốc lên mức tử vong thì con chuột mới chết. Chỉ cần cho con chuột những cơn sốc rất nhẹ cách nhau những khoảng thời gian ngẫu nhiên, bạn sẽ kích thích phản ứng căng thẳng của chuột.

Cứ mỗi lần điều này xảy ra, cơ thể nó sẽ tan vỡ thêm một chút. Sau một vài ngày phải nhận những căng thẳng như vậy, con chuột sẽ chết, và khi khám nghiệm tử thi, bạn sẽ thấy các mô của nó biểu hiện nhiều dấu hiệu của việc quá trình lão hóa đã bị tăng tốc. Do bản thân các cú sốc chỉ ở mức độ nhẹ nên nguyên nhân cái chết không phải là căng thẳng bên ngoài mà là phản ứng của con chuột, cơ thể con chuột đã tự giết chính nó.

Tương tự, con người có thể chịu đựng những căng thẳng khổng lồ từ môi trường, nhưng nếu chúng ta bị ép quá mức, phản ứng căng thẳng sẽ kích động cơ thể chúng ta và bắt đầu tạo ra sự tan vỡ cả về mặt tinh thần lẫn thể xác.

Trong chiến tranh, vốn là một tình trạng căng thẳng liên tục và cực độ, mọi chiến sĩ nơi tiền tuyến cuối cùng đều cũng sẽ bị hội chứng “sốc vỏ đạn” hay “mệt mỏi sau chiến tranh” nếu phải tham chiến quá lâu; cả hai hội chứng này đều là những dấu hiệu của cơ thể cho thấy rằng nó đã vượt quá những cơ chế xử lý của mình.

Bộ não con người lưu giữ một ký ức nguyên thủy và ký ức này được lập trình để con người ứng phó với mọi căng thẳng gần như theo cách tổ tiên chúng ta ứng phó với hổ răng kiếm. Nếu có người chĩa súng vào bạn và dọa bắn, bạn sẽ ngay lập tức thực hiện một sự chuyển đổi đột ngột sang trạng thái bị kích động cao độ.

Một phản ứng đánh hay chạy bùng nổ khắp cơ thể, giúp bạn chuẩn bị cho hành động của mình. Một thông điệp cảnh báo từ não giúp giải phóng một cơn lũ adrenalin từ vỏ thượng thận, cơn lũ này lao theo dòng máu và hoàn toàn lật ngược hoạt động bình thường của cơ thể.

Trong phần lớn thời gian, các tế bào của bạn sẽ bận rộn với việc làm mới, gần 90% năng lượng của một tế bào thường sẽ dành cho việc xây dựng các protein mới cũng như sản xuất ADN và ARN mới. Tuy nhiên, khi bộ não nhận thức được sự đe dọa thì quá trình xây dựng bị đặt sang một bên.

Dù bạn quyết định làm gì trong những tình huống đánh hay chạy thì cơ thể bạn cũng cần một sự bùng nổ năng lượng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các cơ bắp. Để làm được như vậy thì dạng trao đổi chất mà bình thường vẫn xây dựng nên cơ thể, còn gọi là đồng hóa, phải chuyển thành dạng đối lập của nó, còn gọi là dị hóa, để phá vỡ các mô.

Cuốn sách Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian. Ảnh: K.T.

Adrenalin kích hoạt một dòng thác các phản ứng, huyết áp tăng lên, cơ bắp căng lên, hơi thở trở nên nông và nhanh, ham muốn tình dục và cơn đói bị đè nén, tiêu hóa dừng lại, bộ não trở nên rất cảnh giác và các giác quan trở nên phi thường rõ ràng (trong những thời điểm khiến ta sợ hãi, như trong một trận chiến chẳng hạn, các chiến sĩ có thể nghe thấy tiếng thở của mình to như bò rống và mắt của một kẻ địch đang đến gần trông thù lù như cái đĩa lót ly).

Là một giải pháp trong ngắn hạn, phản ứng căng thẳng rất quan trọng, nhưng nếu không chấm dứt nó đúng lúc thì các tác động của dị hóa sẽ rất nguy hại. Mọi khía cạnh của việc bị kích thích do căng thẳng đều dẫn đến rối loạn của riêng nó nếu bị kéo dài.

Điều đáng kinh ngạc liên quan đến các hậu quả tích lũy của căng thẳng là bề ngoài, chúng rất giống việc lão hóa. Huyết áp cao, loét, bất lực, các cơ bắp tiêu biến, và tiểu đường đều là những dấu hiệu phổ biến của lão hóa. Khả năng chống chịu bệnh tật ở người già là thấp và tình trạng lẩm cẩm dường như có liên quan trực tiếp đến việc nơ-ron trong não bị mất hoặc bị hỏng.

Nhìn trên bề mặt, những triệu chứng này có vẻ chẳng liên quan đến nhau, nhưng chúng thống nhất ở một điểm: chúng đều là hệ quả cực đoan của phản ứng căng thẳng. Các nhà nghiên cứu căng thẳng đã thấy rằng việc bị kích thích chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu của căng thẳng.

Nếu sự tiếp xúc với mối đe dọa không được loại bỏ, tình trạng bị kích thích sẽ chuyển thành tình trạng kiệt sức vì cơ thể không có khả năng trở lại quá trình trao đổi chất đồng hóa bình thường vốn giúp xây dựng các kho dự trữ mô và năng lượng. Khi đó, người già sẽ trông giống như những nạn nhân bị “sốc vỏ đạn”, kiệt sức vì phải tiếp xúc quá lâu với những vất vả của cuộc đời.

[...]

Deepak Chopra M.D

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-vat-va-hang-ngay-tu-tu-bao-mon-chung-ta-post1457113.html