NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA ĐỐI VỚI KINH DOANH NHÀ PHỐ DU LỊCH (SHOPTEL)

Trong những năm gần đây, nhà phố du lịch (Shoptel) là một trong những loại hình bất động sản du lịch mới được du nhập và Việt Nam. Tuy nhiên, đây là loại hình bất động sản mới, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng. Tại Hội thảo Kinh doanh bất động sản du lịch – Thực trạng và những vấn đề pháp lý đặt ra, quan tâm tới vấn đề Kinh doanh nhà phố du lịch (Shoptel), dưới góc độ nghiên cứu, ThS.NCS. Phùng Thị Phương Thảo cho rằng cần làm rõ nội hàm, thực trạng quy định của pháp luật về kinh doanh nhà phố du lịch ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Có thể nói “du lịch” là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển đất nước. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều loại hình bất động sản du lịch với mục đích đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước. Ví dụ như: Khu nghỉ dưỡng (Resort), căn hộ du lịch (condentel), du lịch lưu trú bản địa (homestay), căn hộ dịch vụ lưu trú dài hạn (service apartment), nhà phố du lịch (shoptel)… Trong số các loại hình du lịch kể trên, Shopetel là một trong những loại hình bất động sản du lịch mới du nhập vào Việt Nam là hình thức du lịch vừa kết hợp du lịch và mua sắm, được các chủ đầu tư quan tâm vì giá trị cũng như lợi nhuận mà mô hình này mang lại.

Quan tâm tới vấn đề cần làm rõ nội hàm và những khoảng trống của khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh nhà phố du lịch, ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể giải mã khái niệm nhà phố du lịch là gì, đồng thời khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng chưa tháo gỡ được các vướng mắc phát sinh để giúp được thị trường này phát huy một cách tối đa các lợi thế.

ThS.NCS. Phùng Thị Phương Thảo, Giảng viên Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam

ThS.NCS. Phùng Thị Phương Thảo, Giảng viên Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam

Phát biểu cho ý kiến tại Hội thảo, ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo nhấn mạnh trong quá trình vận dụng các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhà phố du lịch (shoptel) cần làm rõ những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, pháp luật cần có quy định rõ về khái niệm “nhà phố du lịch” (shoptel): Do bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, nhưng trong quy định của Luật đất đai hay Luật kinh doanh bất động sản chỉ có khái niệm chung là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ mà chưa có khái niệm riêng cho các loại hình bất động sản du lịch. Vì vậy, cần phải có khái niệm về bất động sản du lịch hoặc công trình xây dựng phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng nói chung và nhà phố du lịch (shoptel) nói riêng; đồng thời đưa các công tình xây dựng phục vụ cho nghỉ dưỡng nói chung và nhà phố du lịch nói riêng là một trong những loại hình bất động sản du lịch được đưa vào kinh doanh.

Thứ hai, cần xác định rõ loại đất được sử dụng trong kinh doanh nhà phố du lịch (shoptel): Theo ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo, xác định rõ mục đích sử dụng đất trước hết là để bảo vệ cho các chủ đầu tư có sự chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, nâng cao được hiệu quả của việc sử dụng đất. ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo hi vọng đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết những vướng mắc đối với bất động sản du lịch nói chung và nhà phố du lịch (shoptel) nói riêng khi xác định chế độ sử dụng đất.

Thứ ba, sửa đổi quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà phố du lịch (shoptel) hình thành trong tương lai: Cần quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản không phải là nhà ở nói chung, nhà phố du lịch nói riêng hình thành trong tương lai tương tự như cơ chế chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai như hiện nay. Khi pháp luật quy định cơ chế chuyển nhượng hợp đồng mua bán với các bất động sản hình thành trong tương lai không phải là nhà ở nói chung, nhà phố du lịch nói riêng nhà nước cũng sẽ kiểm soát được việc chuyển nhượng và thu được các khoản thuế phát sinh từ việc chuyển nhượng này.

Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch đối với từng loại hình bất động sản du lịch nói chung và nhà phố du lịch (shoptel) nói riêng. Cụ thể: Hình thức kinh doanh; chủ thể, điều kiện để hang hóa bất động sản du lịch (nhà phố du lịch) sẵn có hoặc hình thành trong tương lai được phép kinh doanh trên thị trường; hình thức và hiệu lực giao dịch cũng như quyền, nghĩa vụ của các bên nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình huy động vốn, kinh doanh đối với phân khúc sản phẩm này và bảo vệ quyền lợi của khách hang (chủ yếu là cá nhân), góp phần giảm thiểu rủi ro nhà đầu tư thứ cấp và hạn chế các tranh chấp liên quan.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở, chưa được sở hữu các loại hình bất động sản khác như sản phẩm bất động sản du lịch trong khi nhu cầu thực tế của người nước ngoài đối với loại hình này rất cao. Vì vậy, ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo cho rằng, đã đến lúc mở cửa, tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu các sản phẩm thuộc bất động sản du lịch. Nhưng quy định rõ người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng (bao gồm nhà phố du lịch) và họ vẫn sẽ không có quyền sử dụng đất. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án bất động sản nghỉ dưỡng mà vẫn đảm bảo tính chất an ninh, quốc gia khi hạn chế quyền sử dụng đất đối với cá nhân người nước ngoài./

Ngọc Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80320