Những vấn đề có tính nguyên tắc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi, đảng bộ cấp xã

* Ông NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng về đạo đức

Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta đã nhận rõ những biểu hiện suy thoái về nhiều mặt, trong đó có vấn đề đạo đức cần phải được quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục.

Thực tế hiện nay cho thấy, càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế lại càng phải xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là một trong 4 mục tiêu bảo đảm thành công đối với công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”. Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh, là con người, ai cũng có 2 mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đối nghịch với nhau. Trong điều kiện tốt, môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ phải vừa có đức vừa có tài, trong đó, đạo đức là gốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Hệ thống chính trị các cấp trong huyện Bù Đốp không ngừng được củng cố, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt chính trị của cán bộ Đồn biên phòng Bù Đốp với trưởng thôn, người có uy tín thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng - Ảnh: Quang Minh

Đối với tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng bộ cấp xã thuộc một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà toàn Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Đảng bộ tỉnh đã xác định trước hết phải xây dựng Đảng về đạo đức làm “nền tảng” cho Đảng trong sạch, vững mạnh. “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, làm cho mỗi đảng viên toàn đảng bộ ngày càng trưởng thành hơn, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương sáng trước quần chúng, trước tập thể cơ quan, đơn vị mình.

Hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn xảy ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từ tỉnh tới cơ sở đã và đang làm xói mòn đạo đức tốt đẹp của Đảng, xói mòn văn hóa trước quần chúng nhân dân… Từ ngày 19-12-2017 đến 31-12-2021, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng, 742 đảng viên (167 cấp ủy viên các cấp và 575 đảng viên). Trong đó, 12 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bị thi hành kỷ luật (khiển trách 3 đồng chí; cảnh cáo 7 đồng chí; cách hết chức vụ trong Đảng 1 đồng chí; khai trừ khỏi Đảng 2 đồng chí). 730 cán bộ diện ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý bị thi hành kỷ luật, sai phạm chủ yếu là vi phạm những điều đảng viên không được làm, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, công tác cán bộ, công tác tài chính…

Từ thực tiễn và yêu cầu quán triệt tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ (2020-2025) xây dựng Đảng về đạo đức đặt ra một số vấn đề cơ bản sau:

Các cấp ủy, TCCSĐ và toàn thể đảng viên phải nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Các cấp ủy, TCCSĐ, đảng ủy các cấp phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục cho phù hợp. Đặc biệt coi trọng “phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu”, nghĩa là phải phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy, TCCSĐ trong xây dựng, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phương pháp, tác phong, văn hóa trong Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức thực tế là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, vì vậy cần phải hết sức quan tâm thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng; phải nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng Đảng; thực hiện nghiêm sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công khai, minh bạch thông tin và chế độ, trách nhiệm trong Đảng, trong các cơ quan công quyền, tổ chức đoàn thể để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, phải coi đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên đi trước phải làm gương cho đảng viên đi sau; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu, trong sáng về đạo đức cách mạng. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng mới đạt hiệu quả thiết thực.

Đảng ủy các huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên tiếp cận, lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới bằng các nghị quyết sát thực với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên; phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ; luôn xác định thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Có như vậy mới làm cho cán bộ có “cách làm việc có khoa học”, thể hiện được phong cách lãnh đạo, quản lý khoa học, văn hóa trong Đảng. Đồng thời phải cụ thể, công khai từng công việc để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời chú trọng tuyên truyền, biểu dương những gương cán bộ, đảng viên tốt có tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng về đạo đức.

Làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở về đạo đức là một yếu tố quan trọng để Đảng vững mạnh, làm tăng uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng. Yêu cầu các TCCSĐ, đảng bộ xã, phường, thị trấn và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tăng cường tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao vai trò gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của địa phương, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.

Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc một số huyện thực sự là vấn đề có ý nghĩa to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức là trách nhiệm của toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nói chung và của TCCSĐ và đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc một số huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131908/nhung-van-de-co-tinh-nguyen-tac-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-va-suc-chien-dau-cua-chi-dang-bo-cap-xa