Những vách núi dựng đứng trên đèo Prenn chực chờ gây họa

Trên đèo Prenn mới nâng cấp mở rộng, tuy đường lưu thông rất đẹp nhưng còn nhiều vách núi cao không có taluy, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa.

Đèo Prenn dài 7,4 km từ cao tốc Liên Khương lên TP Đà Lạt vừa được nâng cấp mở rộng với số vốn 553 tỉ đồng và lưu thông toàn tuyến trước Tết Nguyên đán 2024. Toàn tuyến được mở rộng gấp đôi với 4 làn xe.

Sau khi hoàn thành, đây là tuyến đường quan trọng nhất để lên Đà Lạt, đa số các tuyến xe khách từ các huyện, tỉnh thành phía Nam lưu thông theo cung đèo này lên thành phố ngàn hoa. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công là tập đoàn Đèo Cả, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng A2Z

Tuy nhiên, trên toàn tuyến vẫn còn rất nhiều đoạn vách núi cao hàng chục mét, sừng sững bên cạnh con đường mới.

Nhiều đoạn tại khu vực đầu đèo gần Đà Lạt được xây taluy ngăn sạt lở ở những vị trí mà chân núi gần như bị đào sâu. Phần đất và cây thông phía trên gần như bị "đứt" chân, tạo cảm giác có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Các đoạn khác từ khu vực giữa đèo hướng về Liên Khương là vách núi đá cao hàng chục mét.

Sau hơn 2 tháng lưu thông toàn tuyến, những vách núi đá vẫn không được gia cố gì thêm

Bên trong các vách núi đất đá có rất nhiều đá tảng nằm hướng ra phía đường lưu thông

TP Đà Lạt vừa vào mùa mưa. Ngày 1-4 mới là cơn mưa lớn thứ 2 trong mùa mưa 2024 nhưng trên đèo Prenn đã xảy ra một vụ sạt lở đất đá xuống đường, đoạn gần cầu Datanla gây ảnh hưởng tuyến giao thông huyết mạch của Đà Lạt. Ảnh: A.P

Từ đoạn cầu Datanla xuống huyện Đức Trọng, rất nhiều vách núi đá cao.

Những tảng đá lởm chởm nằm sát đường lưu thông của đèo Prenn vừa mở rộng.

Một đoạn vách núi dù đã được xây taluy phía dưới, phía trên được giật thành 3 cấp nhưng cảm giác vẫn rất cheo leo khi cao hàng chục mét.

"Đèo Prenn mở rộng đi rất thoải mái nhưng vẫn có cảm giác rờn rợn khi chạy qua những đoạn vách núi dựng đứng mà không được gia cố thế này" - anh Minh Tâm, người dân TP Đà Lạt, cho biết khi lưu thông qua đèo Prenn.

Một số vị trí của đèo có những hòn đá to hơn nắm tay người rơi lăn lóc từ phía trên vách núi xuống mương thu nước sát đường.

Tại điểm sạt lở ngày 1-4, cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo. Mới chỉ là trận mưa thứ 2 của mùa mưa 2024 nhưng đèo Prenn đã xảy ra sạt lở khiến nhiều người rất lo lắng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như UBND TP Đà Lạt mới đây đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phủ xanh, trồng cỏ, các loại cây, hoa, dây leo phù hợp, mang tính đặc trưng của Đà Lạt để tạo cảnh quan, điểm nhấn cho tuyến đèo quan trọng này.

Trong đó loại cây ưu tiên là cây không ngã đổ gây mất an toàn giao thông, bảo vệ đất, phòng sạt lở trên đèo Prenn mới.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-vach-nui-dung-dung-tren-deo-prenn-chuc-cho-gay-hoa-196240402105232534.htm