Những ưu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Quảng Ninh.

Nhưng do xuất phát điểm ở mức cao và nhiều yếu tố, cho nên mức tử vong bà mẹ và trẻ em còn cao, đòi hỏi cần có những chiến lược và bước đi cụ thể.

Mặc dù tỷ suất TVM đã giảm đáng kể nhưng có sự khác biệt về TVM giữa các vùng, miền. Trong khi tỷ lệ chung cả nước là 63 phần nghìn thì khu vực đồng bằng là 36 phần nghìn còn khu vực miền núi là 108 phần nghìn. Tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh còn nhiều hạn chế, đẻ không có cán bộ y tế đỡ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đạt khá cao nhưng số lượng các đối tượng có nhu cầu KHHGĐ nhưng chưa được đáp ứng vẫn lớn. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới một tuổi và dưới năm tuổi đã giảm nhưng tử vong trẻ sơ sinh còn cao và tốc độ giảm còn chậm. Tử vong trẻ sơ sinh chiếm tới 70% số tử vong trẻ em dưới một tuổi và 50% số tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi. Gánh nặng kép về dinh dưỡng xuất hiện (tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn ở mức cao, tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng)... Hiện nay, tỷ lệ phá thai còn cao, phá thai không an toàn, phá thai quá tuổi thai cho phép ở khu vực y tế tư nhân còn khá phổ biến. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường sinh sản/nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục còn cao; việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư đường sinh sản chưa được triển khai rộng rãi. Các vấn đề sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục ở nhóm đối tượng đặc thù: vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi, nam giới, người di cư, công nhân ở các khu công nghiệp... chưa được quan tâm đúng mức. Nhân lực và năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS còn hạn chế, thiếu cán bộ, không chỉ thiếu bác sĩ chuyên nhi mà thiếu cả bác sĩ chuyên khoa sản...

Theo Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) TS Nguyễn Duy Khê, trên cơ sở kết quả đã đạt được, công tác SKSS vẫn cần ưu tiên giải quyết những nội dung chủ yếu: Tập trung giảm hơn nữa tỷ lệ TVM, TVTE, ưu tiên các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp cách biệt giữa các vùng miền. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em, hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, khống chế gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em. Giải quyết các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng như các vấn đề sức khỏe trẻ em khác như tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, tai nạn, thương tích... Từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ của mọi đối tượng không chỉ nhằm mục đích kiểm soát gia tăng dân số mà còn tạo điều kiện để cho người phụ nữ giãn khoảng cách sinh. Giảm mạnh việc có thai ngoài ý muốn, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Dự phòng và kiểm soát tốt hơn các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản bao gồm cả HIV, đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; cải thiện sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cao tuổi và các nhóm đối tượng đặc thù khác như người di cư, người khuyết tật, người có HIV; chủ động dự phòng, điều trị sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú; tăng cường tiếp cận trong dự phòng và điều trị vô sinh...

Trên cơ sở những định hướng đó, đối với các tỉnh, khu vực miền núi, những nơi có tỷ số chết mẹ, tỷ suất chết trẻ em cao cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm giảm hơn nữa tỷ lệ TVM, TVTE, nhất là tử vong trẻ sơ sinh. Ở các địa bàn khác, tập trung vào cải thiện chất lượng chăm sóc, chất lượng dịch vụ, đồng thời mở rộng triển khai các thành tố khác của SKSS. Để làm được điều đó, cần thực hiện nhiều giải pháp, từ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đến các giải pháp kỹ thuật; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động, truyền thông giáo dục, tư vấn về SKSS/SKBMTE; xây dựng, cập nhật và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, các văn bản hướng dẫn chuyên môn, phân tuyến kỹ thuật, quy chế, quy trình chuyên môn kỹ thuật có liên quan đến SKSS. Từng bước đầu tư, nâng cao năng lực các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về sản phụ khoa và nhi khoa ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; củng cố, nâng cấp các bệnh viện sản - nhi hoặc bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi tại Đà Nẵng, Cần Thơ; nâng cấp khoa sản, khoa nhi của Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên để thực hiện chức năng vùng về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa.

Tại tuyến tỉnh, bên cạnh hệ thống bệnh viện chuyên khoa hiện có, thành lập thêm các bệnh viện về sản, nhi. Các tỉnh có dân số ít thì củng cố nâng cấp khoa sản, khoa nhi hiện có tại bệnh viện đa khoa tỉnh; nâng cao năng lực của các trung tâm chăm sóc SKSS. Củng cố, nâng cao năng lực của khoa sản, khoa nhi bệnh viện đa khoa huyện, khoa chăm sóc SKSS của trung tâm y tế huyện; cải thiện chất lượng dịch vụ ở các trạm y tế xã. Đối với các tỉnh và địa bàn miền núi, tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực (chuyên môn, cơ sở vật chất) cho các bệnh viện tuyến huyện; đồng thời kiện toàn mạng lưới hộ sinh tuyến xã và thôn bản, đẩy mạnh đào tạo cô đỡ thôn bản hoặc đào tạo cán bộ y tế thôn bản biết về quản lý thai và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn, xử trí các tai biến ban đầu cho mẹ, con và chuyển tuyến an toàn. Mở rộng triển khai các mô hình, các gói can thiệp đã được chứng minh là có hiệu quả: Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình, cộng đồng tới cơ sở y tế; Cung cấp thẻ dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng khó khăn đi khám thai, đẻ tại cơ sở y tế nhằm hạn chế số ca đẻ tại nhà, đẻ không có cán bộ y tế đỡ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/nh-ng-u-tien-trong-cong-tac-ch-m-soc-s-c-kh-e-sinh-s-n-1.327086