Những tuyến đường cần được đổi tên

Để phân biệt, chính quyền phải đặt cho mỗi đường một cái tên với những tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM hiện vẫn tồn tại những tên đường không hề đem đến sự tự hào cho cư dân địa phương, nếu không muốn nói là họ ngán ngẩm, vì đọc nó người ta thấy ở đó sự gò bó, tù túng, bôi bác, thậm chí là rất thiếu ý thức văn hóa, lịch sử, chính trị.

Với việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những tưởng cụm từ “Ấp chiến lược” đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng, chỉ còn trong các tư liệu lịch sử. Tuy nhiên dù mấy chục năm đã trôi qua nhưng đến phường Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân, chúng ta sẽ gặp ngay “Ấp Chiến Lược” hiển hiện qua những bảng tên đường ở các giao lộ và trên các bảng số nhà, bảng hiệu... Nó khiến cư dân địa phương và những người đi qua nhớ lại những cái ấp chiến lược thuở nào được chế độ cũ lập ra để “nhốt” dân nhằm chặn đường liên kết với lực lượng cách mạng. Thật không thể nào hiểu nổi tại sao một cụm từ có “ý nghĩa” tù túng, bức bách và “phi chính trị” như thế vẫn được lấy để đặt tên cho một tuyến đường! Cũng tại phường Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân, ngoài “Ấp Chiến Lược”, còn có một con đường khác mà qua tên của nó, người ta thấy ngay sự ô nhiễm vô cùng, đó là đường “Kênh Nước Đen” cắt ngang “Ấp Chiến Lược” và chạy dọc con kênh nước luôn có màu đen đang được san lấp, đặt cống hộp để làm đường.

Có thể nói là chẳng ai thích mấy chữ “Kênh Nước Đen”, “Ấp Chiến Lược” trên giấy chứng minh nhân dân, trên cạc-vi-dít của mình. Cũng xin nói thêm, trên giấy tờ cũng như “thực địa” (bảng số nhà, bảng hiệu...), người ta hầu như đều viết thẳng tên mà bỏ chữ “đường”, nên mức độ “khủng khiếp” của nó còn “ác liệt” hơn. Ví dụ, Trường mầm non Mai Anh có bảng hiệu viết địa chỉ là 224 Ấp Chiến Lược, từ cách viết gọn này khiến người khác có thể suy diễn, liên tưởng ngôi trường của các cháu nằm trong “ấp chiến lược”!

Lại có những tên đường nghe không hay, không được sang lắm, như đường Rạch Bùng Binh ở quận 3, đường Cống Lở ở quận Tân Bình, đường Vành Đai Trong quận Bình Tân, đường Bờ Bao Tân Thắng ở quận Tân Phú và cả đường Bờ Bao 1 “ăn theo” con đường này... Và vô số những con đường không có tên chữ mà chỉ là con số khô khan, hay những con đường mà bảng tên của nó là sự “phối hợp” của các chữ cái với con số, chẳng khác gì biển số xe, không gợi lên điều gì cả. Những “con đường số” này có nhiều nhất ở các quận “sinh sau đẻ muộn” như Tân Phú, Bình Tân...

Không thuận tai lắm song những cái tên đường như Rạch Bùng Binh, Cống Lở, Bờ Bao Tân Thắng, Bờ Bao 1... còn có thể “tạm nghe” được. Riêng những cái tên đường như Ấp Chiến Lược, Kênh Nước Đen nêu trên, cần phải “xóa” càng sớm càng tốt. Đồng thời, thành phố cũng cần làm ngay việc sửa những tên đường viết sai tên các nhân vật, các sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội và không nên để tồn tại việc chỉ là một nhân vật nhưng mỗi nơi lấy một tên để đặt tên đường.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nêu thêm, thành phố đã “cải tên” cho nhiều tuyến đường có tên “xấu”, nhưng ở nhiều nơi ngoài cái bảng đặt ở giao lộ viết tên mới thì các bảng hiệu, số nhà vẫn để tên cũ. Ví dụ, đường Điện Cao Thế ở phường Tân Sơn Nhì quận Tân Phú đã được đặt tên mới là đường Nguyễn Thế Truyện, nhưng ngoại trừ bảng hiệu của UBND phường thì các bảng hiệu, bảng số nhà hầu như vẫn để chữ “Điện Cao Thế”, trong đó có Trạm y tế phường Tân Sơn Nhì (đơn vị thuộc nhà nước) còn giữ nguyên địa chỉ “8 đường Điện Cao Thế”...

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=479279&mod=detnews&p=