Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 50)

Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu (nay là Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, BĐBP Lai Châu) và 3 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng là đơn vị duy nhất của BĐBP cả nước vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như thế...

Bài 50: Sì Lờ Lầu - Đơn vị của những anh hùng

Sẵn sàng xả thân để giữ bình yên biên giới

Nằm trong khuôn viên Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng khang trang, vững chãi trên một mỏm đồi cao. Nhẹ bước chân trên những bậc thang dẫn lên nơi tưởng nhớ 27 chiến sĩ kiên trung, thấy lòng thanh thản và bình yên đến lạ. Trong tiếng chuông đồng trầm mặc, với tấm lòng thành kính, Trung tá Phạm Quốc Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu chia sẻ: "Nơi đây, 45 năm trước, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã chiến đấu anh dũng, sẵn sàng xả thân để giữ bình yên biên giới, giữ tài sản, tính mạng của nhân dân".

Cán bộ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

Trước kia, địa bàn các xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ do Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu phụ trách rất hiểm trở, nhiều núi cao, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhân dân trong địa bàn phân bố thưa thớt, phân tán, gồm các dân tộc: Mông, Dao Đỏ, Hoa Hán, Lô Lô, Nhắng, Phù La, có nguồn gốc, phong tục tập quán khác nhau. Tình hình trị an xã hội trong khu vực đồn phụ trách tương đối phức tạp. Tính tới thời điểm tháng 6/1977, có tới 411 tên thuộc đối tượng chính trị và 32 tên là đối tượng hình sự. Do vậy, khi chiến tranh xảy ra, đơn vị vừa phải tập trung lực lượng chiến đấu, vừa phải bố trí các tổ công tác quản lý, đối phó với các phần tử phức tạp trong địa bàn. Năm nay 75 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lừu A Phừ vẫn nhớ khá chi tiết những ngày cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu: "Nhằm đối phó với những diễn biến phức tạp trên biên giới, đơn vị đã được trang bị 1 khẩu cối 60, 2 khẩu đại liên, 3 khẩu trung liên và nhiều súng tiểu liên AK, CKC với đầy đủ cơ số đạn, lựu đạn".

Rạng sáng ngày 17/2/1979, địch huy động tới 2 sư đoàn tấn công vào các điểm trọng yếu như Sì Lờ Lầu, Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy và Nậm Xe để dọn đường tiến về đánh chiếm trung tâm đầu não Phong Thổ. Là mục tiêu cần “xóa sổ” đầu tiên, địch sử dụng cối 82 bắn phá dữ dội vào trận địa của Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu, rồi đưa quân xông thẳng vào đồn. Nhưng chúng đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của ta. Ngay trong trận đầu, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu đã dũng cảm đẩy lùi 15 đợt tấn công của địch, tiêu diệt tại chỗ 250 tên và làm bị thương nhiều tên khác.

Từng có nhiều năm công tác, chiến đấu tại Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu, cựu chiến binh Nguyễn Quang Phổ (hiện đang ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) nhớ lại: Chiến đấu từ rạng sáng đến khuya ngày 17/2/1979, lực lượng bị tiêu hao nhiều, vũ khí cũng đã cạn kiệt. Đơn vị được lệnh rút về Dào San cách đó 50km để củng cố tuyến phòng ngự. Cùng thời điểm diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt, Tổ cơ sở của đồn và một trung đội dân quân của hai xã Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải liên tục chặn đón các lực lượng thám báo, diệt được 45 tên, phá tan ý đồ cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Sì Lở Lầu được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Qua đợt chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ địa bàn, Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ biên giới. Điển hình như đồng chí Lừu A Phừ, sinh năm 1950, dân tộc Mèo, quê ở bản Suối Si Tỏng, xã Tà Phình, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Khi bộ binh địch tràn lên áp sát đồn, đồng chí Phừ chỉ huy 5 chiến sĩ chốt giữ một hướng, nổ súng diệt tại chỗ nhiều tên địch, buộc chúng rút xuống chân đồi. Tuy bị thương, nhưng với quyết tâm đánh địch đến viên đạn và giọt máu cuối cùng, đồng chí Phừ vẫn cùng đồng đội cơ động chiến đấu trong giao thông hào, tiêu diệt nhiều tên địch. Khi đơn vị được lệnh rút ra ngoài, đồng chí Phừ xung phong nhận nhiệm vụ dẫn đường, đưa 8 đồng chí thương binh cùng Tổ điện đài rút ra ngoài an toàn. Sau một thời gian điều trị, mặc dù vết thương chưa lành nhưng đồng chí Phừ đã xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu...

Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Ảnh: Phương Vy

Còn đồng chí Tào Văn Tem, sinh năm 1956, dân tộc Thái, quê ở bản Nà Mười, xã Chà Tở, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu. Trong những năm công tác tại địa bàn, đông chí đã chịu khó học tập các thứ tiếng dân tộc: Mông, Dao, Quan Hỏa, Hà Nhì, nhờ đó mà xây dựng được nhiều cơ sở tai mắt, giúp cho việc nắm tình hình phục vụ tốt cho công tác đánh địch. Trong những ngày quân địch đánh chiếm địa bàn, đồng chí Tem đã kịp thời báo cho nhân dân sơ tán. Đồng chí còn chỉ huy một tổ chủ động đánh địch ngay từ phút đầu. Tiếng súng đánh địch của tổ đồng chí Tào Văn Tem đã báo động cho đồn và các vùng xung quanh kịp thời triển khai thế trận tiêu diệt giặc. Riêng đồng chí Tào Văn Tem, trong trận đầu tiên đã tiêu diệt 10 tên. Bên cạnh đó, đồng chí Tem biết dựa vào cơ sở, dựa vào quần chúng, mưu trí, dũng cảm kịp thời bắt, diệt nhiều tên chỉ điểm, thám báo phản động, góp phần đánh bại âm mưu gây bạo loạn, nổi dậy cướp chính quyền của địch, ổn định tư tưởng cho nhân dân.

Là Chính trị viên phó, khi địch tấn công ồ ạt vào đơn vị, Trung úy Nguyễn Vũ Tráng (sinh năm 1948, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc) đảm nhận việc chặn bước tiến của chúng ở mũi chính diện. Với cách đánh: chờ địch tới gần mới nổ súng để tiết kiệm đạn, ngay từ loạt đạn đầu, đơn vị đã diệt nhiều tên. Riêng đồng chí Tráng đã sử dụng 4 loại súng, diệt 30 tên và cùng đồng đội đẩy lùi 15 đợt tiến công của địch. Ngày 6/3/1979, khi bị địch tấn công, đồng chí Tráng đã bình tĩnh chỉ huy anh em hiệp đồng chặt chẽ với Đại đội 5 CADNVT đánh trả quyết liệt, góp phần diệt tại chỗ 150 tên. Tuy bị địch bắn gãy cả hai đùi, nhưng đồng chí đã tự băng bó và ở lại cùng anh em tiếp tục chiến đấu. Bị địch bao vây với ý định bắt sống, đồng chí Tráng đã dùng lựu đạn và AK đánh trả quyết liệt, diệt thêm nhiều tên và anh dũng hy sinh.

Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, cả 3 đồng chí Lừu A Phừ, Tào Văn Tem và Nguyễn Vũ Tráng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì. Đặc biệt, ngày 19/12/1979, cả 3 đồng chí đã vinh dự được tặng, truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 51: Dào San: Linh hoạt, mưu trí trong bảo vệ biên giới, địa bàn

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-50-post472343.html