Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 40)

Quản lý gần 24km đường biên giới thuộc địa bàn 2 xã Lũng Nặm, Cải Viên (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) với 9/21 xóm biên giới, từ khi thành lập đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm, BĐBP Cao Bằng (tiền thân là Đồn Công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng) luôn chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ nhân dân, bảo vệ địa bàn. Cùng với đó, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Bài 40: Lũng Nặm: Máu đào nhuộm thắm biên cương

Người đồn trưởng đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến

Tuy chưa thực sự sầm uất, nhưng địa bàn 2 xã Lũng Nặm và Cải Viên do Đồn Biên phòng Lũng Nặm quản lý đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Đường sá giao thông đã được trải nhựa tới từng nhà, có điện lưới thắp sáng khắp làng trên xóm dưới. Bên cạnh cổng đồn, chợ phiên lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Đặc biệt là ở nơi từng được coi là “thâm sơn cùng cốc” này, ngày nay đã có cả cây xăng tự động. Dù là ngày nắng hay đêm mưa to gió lớn, người dân cứ tới đó, bỏ tiền vào và tự bơm xăng.

Năm nay 75 tuổi, ông Trần Văn Phù (người dân tộc Tày, ở xóm Cả Goỏng, xã Nậm Nhũng) nói: "Không ai nghĩ rằng xã biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng gian khó này lại có được sự đổi thay như ngày hôm nay. Tôi nhớ, trước chiến tranh biên giới năm 1979, đường sá ở đây đi lại rất khó khăn, núi cao hiểm trở, nhiều thung lũng và lắm khe suối. Phần lớn nhân dân trong xã ở rải rác theo các thung sâu, sống chủ yếu bằng việc gieo trồng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên gặp rất nhiều trở ngại".

Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Trung Kiên dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Trung Kiên dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

Nhắc tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, ông Phù không thể không nhắc tới sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nặm Nhũng để giữ sự bình yên cho mảnh đất địa đầu nơi vùng biên viễn này. Ông Phù xúc động nói: "Không chỉ hy sinh trong chiến đấu năm 1979, những năm sau này, khi đất nước đã bình yên, các anh ấy vẫn còn ngã xuống. Không ít người mãi mãi ra đi khi tuổi đời mới 19-20"...

Trên tấm bia đá ghi danh 13 liệt sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm, danh tính Trung úy, Đồn trưởng Nông Quang Việt đứng đầu tiên. Liền kề sau đó là Binh nhất Hà Văn Dân (quê ở xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là hai chiến sĩ CANDVT của tỉnh Cao Bằng hy sinh đầu tiên khi xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Nặm kể: Tối 16/2/1979, tin báo từ Trạm Kiểm soát Nậm Rằng cho biết, địch tập trung quân rất đông ở dọc biên giới, có cả nhiều loại vũ khí, xe cộ, nhiều khả năng chúng sẽ tấn công. Ngay sau bữa cơm tối, Trung úy Nông Quang Việt, Đồn trưởng Đồn CANDVT Nặm Nhũng chỉ huy một đội công tác lên tăng cường cho Trạm Nậm Rằng. Khi đến gần trạm kiểm soát (lúc đó khoảng 3 giờ sáng ngày 17/2/1979), tổ công tác đụng độ với một toán lính trinh sát của địch. Đồn trưởng Nông Quang Việt (quê ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng) và Binh nhất Hà Văn Dân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu này. Tiếng súng của trận chiến đấu trở thành tiếng báo động cho đơn vị biết và triển khai đội hình chiến đấu. Chính vì vậy, quân địch đã bị chặn đánh tơi bời ngay tại Lũng Nặm.

Máu đào nhuộm thắm biên cương

Ông Trần Văn Phù, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân, trực tiếp tham gia chiến đấu ở Nậm Nhũng nhớ lại: "Khoảng 4 giờ sáng 17/2/1979, pháo địch bắn phá ầm ầm sang đất ta, rồi bộ binh của chúng theo các đường mòn ồ ạt tấn công, bắn phá vào các bản làng, vào Đồn CANDVT Nặm Nhũng. Trong đồn lúc này chỉ khoảng 40 tay súng, nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, ta đã đánh bại nhiều đợt tiến công của chúng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Phương Vy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Phương Vy

Tính đến chiều ngày 18/2/1979, Đồn CANDVT Nặm Nhũng đã tiêu diệt được hơn 50 tên địch và bắn bị thương nhiều tên. Trong trận chiến đấu ác liệt này, đơn vị có thêm 3 chiến sĩ hy sinh. Đó là Trung sĩ Ngô Châu Long (quê ở xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); Binh nhất Phùng Văn Xít (quê ở xã Kiến Thành, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và Hạ sĩ Hà Văn Côn (quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Ông Lưu Văn Dính (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lũng Nặm) là dân quân xã, trực tiếp tham gia chiến đấu hồi tháng 2/1979 nhớ lại: Sau hai ngày quần nhau với địch, anh em trong đồn mệt nhoài, đói, khát vì không kịp ăn uống gì, quần áo nhàu nát, nhưng tinh thần chiến đấu vẫn hăng hái lắm. Mọi người đều quyết tâm sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Thà hy sinh chứ không chịu để mất đồn, mất biên giới. Gặp phải sự tấn công quyết liệt của quân và dân ta, địch buộc phải rút khỏi biên giới.

Trên tấm bia liệt sĩ của Đồn Biên phòng Lũng Nặm, ngoài 5 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (tháng 2/1979), còn có danh tính của 8 chiến sĩ hy sinh sau năm 1982. Ông Nông Khánh Tôn (nguyên Đồn phó, rồi Đồn trưởng Đồn CANDVT Nặm Nhũng, giai đoạn 1977-1982) nhớ lại: Sáng 19/11/1983, Đồn CANDVT Nặm Nhũng cử một đội đi tuần tra biên giới. Khi đến khu vực mốc giới 105-106 thì gặp một toán địch phục kích. Trong trận chiến đấu này, hạ sĩ Lý Đức Thanh (quê ở xã Ngọc Động, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) hy sinh...

Đến tháng 8/1984, vẫn có thêm 3 chiến sĩ của Đồn CANDVT Nặm Nhũng hy sinh vì bị địch tập kích khi các anh đang làm nhiệm vụ trên chốt Nhi Đú. Đó là Đỗ Văn Khang (quê ở Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang); Nông Văn Kỳ (quê ở xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) và Lãnh Đức Duy (quê ở xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở Đồn Biên phòng Lũng Nặm nói riêng và ở một số đơn vị của BĐBP Cao Bằng nói chung vẫn còn nhiều chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Máu đào của các anh đổ xuống đã ngấm vào từng bụi cây ngọn cỏ, giữ cho biên cương xanh thắm như ngày hôm nay...

Bài 41: “Lũy thép” trên biên giới Cao Bằng

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-40-post469529.html