Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 15)

Trong thế trận phòng thủ và phản công địch trên toàn tuyến biên giới, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Đồng Tháp đã hợp đồng tốt với các đơn vị bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, góp phần chặn đứng và đánh lui các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới... Nổi bật là các Đồn CANDVT Bình Phú và Thông Bình.

Bài 14: Bình Phú và Thông Bình: Mưu trí, linh hoạt trong đánh địch

Bình Phú: Dũng cảm chiến đấu bảo vệ đồn, trạm

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tiền thân là Đồn CANDVT Bình Phú) đóng ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Doanh trại của đơn vị mới được chỉnh trang lại nên khang trang, sạch đẹp. Nằm sát phía ngoài đồn là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nơi ghi danh, tôn vinh 18 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) của đơn vị đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ảnh: Đăng Bảy

Bên cạnh Nhà bia tưởng niệm là một ao sen, quanh năm nở hoa thơm ngát. Phía sau là một cây đa cổ thụ, trùm lên, phủ bóng mát như chở che cho hương hồn các anh linh liệt sĩ. Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Em, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, lúc đầu, đơn vị tính đặt Nhà bia tưởng niệm trong đồn. Nhưng thể theo nguyện vọng của chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân trong địa bàn, nên bia tưởng niệm được đặt ở ngoài, ngay ngã ba để thuận tiện cho bà con ghé thắp hương mỗi ngày.

Trân trọng mở từng trang sử chói lọi của đơn vị, nhất là giai đoạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Trung tá Nguyễn Hoàng Em chia sẻ: “Lúc mới thành lập, tuy quân số ít, nhưng Đồn CANDVT Bình Phú vẫn tổ chức chốt Cây Dương, chốt Bình Phú và trạm Dinh Bà. Trong lúc đơn vị vừa xây dựng, vừa huấn luyện thì xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Với ý chí quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không dời, kiên trì bám trụ”, CB, CS của đồn đã phối hợp với các lực lượng, anh dũng đẩy lùi các cuộc tấn công của địch, giữ vững đồn, trạm”.

Lúc 1 giờ 10 phút, ngày 20/9/1977, địch dùng hỏa lực tấn công và bao vây chốt CANDVT Bình Phú và Trạm CANDVT Dinh Bà. Đến sáng ngày 21/9, được sự chi viện của lực lượng tuyến sau và pháo 105 ly, đơn vị đã chiến đấu, đánh đuổi địch về bên kia biên giới. Từ cuối năm 1977, đến đầu năm 1978, bọn Pol Pot liên tục quấy phá, tấn công vào các khu vực dân cư và các đơn vị quân đội, các đồn CANDVT Đồng Tháp.

Điển hình như liên tiếp trong các ngày 28, 29, 30/1/1978, địch huy động một trung đoàn có hỏa lực tăng cường, đồng loạt tấn công các xã dọc biên giới huyện Tân Hồng. Chúng ỷ đông, bao vây một số chốt của bộ đội. Chúng bắn sập lô cốt, công sự chiến đấu và bao vây Trạm CANDVT Dinh Bà trong suốt 2 ngày 3 đêm. Tuy chỉ có 9 CB, CS nhưng trong những ngày chiến đấu ác liệt đó, Trạm CANDVT Dinh Bà cũng đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt hàng chục tên Pol Pot…

Chốt CANDVT Cây Dương là một điểm cao có lợi thế về mặt tổ chức phòng thủ, nhất là mùa nước lớn, nên địch thường xuyên đánh phá, hòng chiếm chốt. Do chuẩn bị tốt hầm hào, công sự và ý chí chiến đấu kiên cường, nên CB, CS của chốt đã đánh lui nhiều lần tấn công của địch. Điển hình, 8 giờ, ngày 13/10/1978, địch dùng một đại đội tăng cường đánh vào chốt Cây Dương. Nhưng lực lượng cơ động của Đồn CANDVT Bình Phú đã phối hợp với 2 tiểu đội du kích xã Tân Hội Cơ, dùng hỏa lực bắn áp đảo vào đội hình, diệt tại chỗ 50 tên, giữ vững chốt.

Qua các cuộc chiến đấu, Đồn CANDVT Bình Phú đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, khí tài của chúng và đã có 18 CB, CS của đơn vị hy sinh, 10 đồng chí bị thương. Danh tính của các anh đã được đơn vị khắc ghi trên bia tưởng niệm được đặt trang trọng trước đơn vị, hàng ngày được CB, CS chăm sóc và thắp hương để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với những anh hùng đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biên cương Tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới, ngày 24/8/1978, Đồn CANDVT Bình Phú được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Thông Bình: Linh hoạt trong đánh địch

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới ngày càng cao, năm 1977, Đồn CANDVT Thông Bình được thành lập, trú đóng tại ấp Thị, xã Tân Hộ Cơ, huyên Tân Hồng. Đây được coi là một pháo đài tiền tiêu kiểm soát một khu vực biên giới xa xôi, héo lánh. Tuy mới ra đời được một năm, nhưng Đồn CANDVT Thông Bình đã chiến đấu hơn 20 trận, diệt nhiều tên địch, đồng thời, góp phần cùng địa phương xây dựng làng xã chiến đấu, truy kích tàn quân ngụy, làm sạch địa bàn...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Bình phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Bình phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Điểm nổi bật của đơn vị là đã áp dụng thành công cách đánh kết hợp chặt giữa phản công địch, giữ vững các vị trí chốt với cơ động, linh hoạt ngoài lô cốt, bám địa bàn, đánh địch có hiệu quả. Điển hình là trận phản kích ngày 7/12/1978.

Theo lịch sử BĐBP Đồng Tháp, khoảng 3 giờ sáng ngày 7/12/1978, bọn Pol Pot sử dụng một đại đội, trang bị hỏa lực mạnh như cối 82, cối 60, chia làm 2 mũi, tấn công vào Đồn CANDVT Thông Bình. Lúc đó, tuy chỉ có 30 CB, CS, nhưng đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch.

Ông Nguyễn Ngọc Viên, lúc đó là Thượng úy, Đồn trưởng nhớ lại: “Ta và địch giành giật quyết liệt từng chiến hào, lô cốt, ụ súng. Có những đoạn hào ta và địch đánh chiếm nhiều lần. Đến 8 giờ, tuy đã bị ta đánh bật ra khỏi các công sự, nhưng chúng vẫn đu bám ở vòng ngoài, liên tục bắn phá đồn. Đến 16 giờ, có 4 đồng chí từ tuyến sau lên chi viện cho đồn, có đem theo vũ khí đạn dược. Đồn liền tổ chức 2 mũi, mũi 1 gồm 3 đồng chí, do Đồn trưởng Nguyễn Ngọc Viên chỉ huy. Mũi 2 gồm 5 đồng chí, do đồng chí Đồn phó chỉ huy, tổ chức đánh phản công địch. Do có sự hợp đồng chặt chẽ, chỉ chưa đến 1 giờ, đơn vị đánh bật quân địch ra cách xa đồn từ 2.000-2.500m”.

Sau một ngày chiến đấu quyết liệt với lực lượng địch đông gấp nhiều lần, có hỏa lực mạnh chi viện, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, CB, CS Đồn CANDVT Thông Bình đã đánh bại các mũi tấn công của chúng, diệt 31 tên, thu nhiều súng. Trong chiến đấu nổi lên nhiều tấm gương anh dũng, lập công xuất sắc, sẵn sàng hy sinh như các đồng chí Nguyễn Mạnh Thời; Thượng úy, Đồn trưởng Nguyễn Ngọc Viên và Trung sĩ Trần Văn Thọ; hai Binh nhất là Phan Văn Nghệ, Lê Văn Quỳnh, cùng hai Binh nhì là Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Vượng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Thời, trong trận chiến đấu ngày 17/2/1978 đã anh dũng tiêu diệt 5 tên địch, thu 2 súng AK. Nhưng khi bị thương, anh kiên quyết không rời trận địa mà xung phong ở lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thượng úy, Đồn trưởng Nguyễn Ngọc Viên, tuy bị thương nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, ở lại trận địa, mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn vị chiến đấu thắng lợi. Sau trận đánh anh dũng này, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thời được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai. Hai liệt sĩ Phan Văn Nghệ và Lê Văn Quỳnh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Bài 15: Anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới An Giang

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-15-post461840.html