Những trở ngại với tham vọng 'Con đường tơ lụa 2.0' của Trung Quốc

Khi được hoàn thành, 'Con đường tơ lụa' sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ tới các vùng xa xôi như Nam Á hay Tây Âu. Song sẽ không dễ dàng để Bắc Kinh thực hiện được tham vọng này.

Không chỉ mục đích kinh tế, Bắc Kinh còn kỳ vọng gia tăng ảnh hưởng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa sang các quốc gia xung quanh.

Tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh

Ngày 10/4, một con tàu chở hàng khởi hành từ ga tàu Barking London, mang theo rượu Whisky, sữa trẻ em, thiết bị điện tử. Nó cập bến tại tỉnh Nghĩa Ô, miền Đông Trung Quốc gần 3 tuần sau đó, hoàn tất hành trình đường sắt dài thứ hai từng được thiết lập, rút ngắn gần 1 tháng so với đường hàng biển từ Anh tới Trung Quốc.

Một ngày sau khi chuyến tàu chuyển bánh, một sự kiện ít được biết tới nhưng lại quan trọng hơn rất nhiều đã xảy ra tại cảng Kyaukphyu, Myanmar. Công nhân bắt đầu truyền dầu vào một đường ống mới chạy từ cảng Burmese tới Côn Minh, thủ phủ tỉnh tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Ống dẫn đi vòng qua eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia, nơi mà tới 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua.

Hai sự kiện trên đánh dấu sự mở đầu cho kế hoạch xây dựng “ Con đường tơ lụa” thời hiện đại của chủ tịch Tập Cận Bình.

“Con đường tơ lụa”, còn có tên “một vành đai, một con đường” là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố vào năm 2013, sau đó được coi là một trong ba chiến lược quốc gia chính và trở thành một chương trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của nước này.

Đầu tư hơn 150 tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng, chính quyền Bắc Kinh xác định mạng lưới giao thông khổng lồ này sẽ không chỉ giúp kết nối với những đất nước phía tây Trung Quốc (như Con đường tơ lụa trước đây) mà còn mở rộng ra các quốc gia phía nam nước này. Đây được coi như là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra những thị trường mới cho nền kinh tế và trên hết là gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của cường quốc này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng từ suy thoái, cán cân kinh tế thế giới đang đứng trước sự thay đổi lớn sau khi Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp đính đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây chính là cơ hội “ngàn năm có một” để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Ba chướng ngại cần vượt qua

Tuy nhiên tham vọng của Bắc Kinh phải đối mặt với ba chướng ngại lớn. Đầu tiên, đây là một chiến dịch liên quốc gia, tất cả các nền kinh tế liên quan phải được phân định rõ ràng từ quyền lợi cho tới trách nhiệm điều hành tuyến đường này.

“Chúng tôi thực sự chưa có một giải pháp cụ thể cho vấn đề này”, giáo sư Zou Tongxuan của đại học Quốc tế Bắc Kinh chia sẻ với tờ The Economist, ông nhấn mạnh:

“Mỗi tỉnh sẽ có những kế hoạch khai thác và đầu tư tuyến đường này khác nhau, và đương nhiên hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh khác cũng sẽ như vậy. Không có một ai thực sự lãnh đạo kế hoạch, cho dù sự hỗ trợ của nhà nước có lớn như thế nào đi nữa, sẽ rất khó để từng cá nhân đơn lẻ có thể tự mình triển khai từng phần của sáng kiến táo bạo này”.

Vấn đề thứ hai là phải tìm ra phương án sinh lãi đủ khả thi để bù đắp chi phí khổng lồ cho dự án này. Trong lúc này, Bắc Kinh được cho là đang muốn thành lập một khối kinh tế Á-Âu, qua đó trở thành một đối trọng với khu vực thương mại Đại Tây Dương của Mỹ.

Tuy nhiên viễn cảnh này chưa có gì chắc chắn, như tuyến đường sắt London - Nghĩa Ô, cho dù có ưu thế về thời gian nhưng lại tiếu tốn gấp đôi phí vận chuyển thông thường. Kĩ thuật xây dựng nhanh chóng của người Trung Quốc phần lớn dựa vào lực lượng lao động rẻ và cực kì dồi dào, chưa kể quyền lực nhà nước có thể loại bỏ bất cứ thành phần nào cản trở (thu hồi quyền sử dụng đất). Điều này sẽ rất khó để áp dụng ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh hy vọng vành đai kinh tế này sẽ đưa những đất nước khác vào quỹ đạo của họ, bao gồm Afghanistan, Pakistan, Iraq và Ukraine. Tuy nhiên ở mặt tiêu cực, những quốc gia này không có nền kinh tế mạnh, hơn nữa những bất ổn chính trị có thể sẽ là con dao hai lưỡi đối với tham vọng của Trung Quốc.

Vấn đề thứ ba đó là không hẳn tất cả các nền kinh tế châu Á đều vui vẻ với chiến dịch táo bạo của chính quyền ông Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Australia hồi tháng Ba vừa qua. Những quan chức của đất nước này đã khẳng định không có bất cứ một thỏa thuận nào về dự án cơ sở hạ tầng ở Bắc Australia.

Cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc, ông Geoff Raby, người đang điều hành một hãng tư vấn các doanh nghiệp Australia -Trung, cho biết: “Tướng lĩnh an ninh, quốc phòng ở Canberra có quan điểm rằng các sáng kiến như “Một Vành đai Một Con đường” sẽ là cái cớ để Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng, và Mỹ cùng các đồng minh đương nhiên sẽ là bên chịu thiệt hại”.

Cũng trong tháng Ba, Ấn Độ thẳng thừng tuyên bố phản đối sáng kiến này vì Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Paskintan đi qua lãnh thổ cường quốc Nam Á. Tuyến đường này vốn được Trung Quốc xây dựng để kết nối cảng Gwadar miền Tây Nam Pakistan với Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc.

Võ Quyền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-tro-ngai-voi-tham-vong-con-duong-to-lua-20-cua-trung-quoc-a325625.html