Những trò chơi 'huyền thoại' chỉ còn trong ký ức

Hình ảnh cô bé đung đưa hai bím tóc, úp mặt vào gốc cau, đọc: '5, 10, 15, 20…', trong khi những đứa trẻ khác hối hả tìm chỗ trốn, thật dễ thương. Nhưng lâu lắm rồi, người ta không còn thấy những hình ảnh như thế nữa.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị tinh thần của tuổi thơ ngày trước cũng chôn vùi trong quá khứ. Bây giờ con nít mới biết nói đã chơi game thành thục trên Ipad, điện thoại. Đó là thế hệ những đứa trẻ không được nằm trên võng đung đưa, được nghe tiếng “ầu ở, ví dầu cầu ván đóng đinh" của mẹ.

Thỉnh thoảng tụ họp bạn bè, cà phê, những người thuộc thế hệ 9X trở về trước tự hào khoe khả năng sử dụng điện thoại, Ipad của con mình: “Thằng nhỏ nhìn chút xíu vậy đó, chứ nó còn rành điện thoại hơn tui nữa. Cái gì cũng biết hết”. Khen đó, cũng than đó: “Nó dí mắt vào điện thoại chơi game riết, mắt bị cận. Không chịu học hành gì”

Người viết bài này từng ngạc nhiên khi thấy một người bạn ru con ngủ bằng cách mở nhạc online bằng điện thoại, đặt ngay cạnh chỗ nằm của đứa bé mới vài tháng tuổi. Nhạc trẻ xập xình, dìu con vào giấc ngủ...!

Trẻ con ngày nay rất thành thạo trong sử dụng công nghệ và chơi game là một trong những thú vui

Cách đây vài chục năm, đi khắp nơi ở Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, vẫn còn thấy trẻ con còn tụ họp chơi những trò chơi dân gian.

Những buổi trưa vắng, các bé trai lom khom dưới bóng mát một góc sân, tay đưa đẩy những hòn bi xanh đỏ. Đằng kia, nhóm bé trai khác chơi tạt lon. Chiếc lon sữa bò đong gạo của má trong lu bị một “thằng quỷ nhỏ” lôi ra, bị dép tổ ong phang, làm lon móp méo. Nhiều khi tan cuộc chơi, tên “quỷ nhỏ” còn bị má đánh đòn vì cái tội làm cho cả nhà không có lon đong gạo nấu cơm chiều.

Trò chơi bắn cu li (bắn bi) được yêu thích của các bé thế hệ trước

Và tạt lon

Trong các trò chơi của bé trai, có lẽ trò tán u là nguy hiểm nhất. Trò này phổ biến ở nông thôn miền Tây Nam bộ, gần như đã “thất truyền”.

Để chơi trò này, phải có 2 thanh tròn như côn nhị khúc (một ngắn bằng gang tay, một dài nửa mét). Thanh ngắn được đặt chênh chếch dưới khe đào sẵn, thanh dài tán vào, tung lên. Người chơi nhanh tay tán theo lực ngang lần nữa, cho nó bay xa. Đối phương đứng chờ, hứng chụp thanh ngắn. Chính vì tốc độ bay của thanh ngắn rất cao nên người chơi rất dễ bị u đầu. Lắm khi chơi trò này xong, về nhà phải đắp muối cho tan máu bầm. Do đó trò này mới gọi là…tán u.

Tán u

Bó đũa tre, trái chanh trong bếp cũng thành trò chơi đánh đũa đầy hào hứng của các bé gái. Bên mái hiên nhà, trái chanh tung lên, rơi xuống; những chiếc đũa tre lúc xòe ra như chiếc quạt quăng dưới đất, lúc bó vào trên những đôi tay xinh xắn, mềm mại. Trái chanh lơ lửng trên không, rớt xuống thềm, theo tiếng cười nắc nẻ, trong veo của trẻ thơ.

Tiếng lẹt xẹt chạm đất của sợi dây dài có hai bé nắm hai đầu, quay tròn theo vòng tay. Ở giữa, đôi chân bé xíu của cô bé khác, lúc trên không, lúc chạm đất, nhịp nhàng theo từng vòng quay dây.

Trò chơi đánh đũa của các bé gái

Nhảy dây cùng là một trò chơi "huyền thoại" của thế kỷ trước của trẻ nhỏ

Vào những đêm trăng sáng, các bãi đất trống, sân nhà rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ. Con nít cả xóm tụ họp, chơi đùa đến tận khuya. Đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại, đợi cha mẹ gọi mới chịu về nhà.

Bắt đầu các trò chơi keng, trốn tìm, rượt bắt… các em quây vòng tròn, chơi trò “tay trắng, tay đen”. Những bàn tay nhỏ xòe ra, cái úp lên, cái úp xuống. Mu bàn tay được gọi là tay “đen”, còn lòng bàn tay ngửa lên gọi là “tay trắng”. Số lượng “đen” nhiều hơn “trắng” thì được đi ra (hoặc ngược lại). Những đứa còn lại tiếp tục, cho đến khi chỉ còn hai đứa thì oẳn tù tì xem ai thắng, ai thua. Tay ra bao thua kéo, ra kéo thua búa… Và người thua phải úp mặt vô cột “5, 10, 15, 20…100” cho các bạn chạy trốn để đi tìm, hay phải làm người đuổi theo các bạn chạy trong trò rượt bắt, keng.

Trong số các trò chơi ban đêm, trò trốn tìm là vui nhất. Đứa nào cũng tìm cho mình chỗ kín đáo, tối om. Có bị muỗi cắn cũng cố chịu, không dám đập vì sợ đối phương phát hiện. Người lớn thường hù dọa những đưa ham chơi, cho chúng mau về nhà ngủ: “Mày trốn chỗ vắng, coi chừng có ngày bị ma giấu luôn”.

Còn mấy ai nhớ trò chơi này?

Chơi những trò mang tính hiếu động, nếu mệt quá, người chơi có quyền “xin tì” để nghỉ giây lát. Bây giờ, không còn thấy ai dùng từ này.

Những đứa lớn hơn một chút, còn chơi trò “đánh bài quẹt lọ nghẹ”. Lôi cái nồi đen quanh năm nấu bằng cà ràng, đít đen xì trong chái bếp ra, cả đám ngồi trên bộ ngựa lên nước bóng lưỡng bắt đầu “sát phạt” bài cào. Đứa nào bù, ít nút hơn, bị đứa thắng quẹt lọ lên mặt. Có khi thay vì quẹt lọ nghẹ, nhiều đứa còn phá phách, bắt đứa thua uống ca nước lạnh. Kết thúc trò chơi, phủi đít đứng lên, đứa nào cũng mặt đầy lọ nghẹ, bụng no nốc nước nhưng vui không gì bằng.

Đánh bài quẹt lọ nghẹ là trò chơi dành cho những đứa trẻ có tính hài hước

Lâu lắm rồi, cũng không còn thấy trẻ con chơi trò kéo mo cau. Không còn nghe tiếng ầu ơ theo nhịp võng kẽo kẹt. Công nghệ phát triển, đời sống văn minh… nhiều giá trị tinh thần chỉ còn trong ký ức, là nỗi hoài niệm tiếc nuối của những người…lớn tuổi.

Xem thêm clip trò chơi tán u:

Lê Ngọc Dương Cầm- Ảnh: Internet

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-tro-choi-huyen-thoai-chi-con-trong-ky-uc-519014.html