Những trang vàng về Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ thông qua những ấn phẩm được xuất bản hàng năm.

Các ấn phẩm về Điện Biên Phủ do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: MAI LY

Một thời hoa lửa Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5 2024), Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa giới thiệu bộ sách với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ gồm 6 cuốn: Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên (Nguyễn Huy Tưởng), Điện Biên Phủ - Thời gian và không gian (Hữu Mai), Hoa ban đỏ (Hữu Mai), Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ (Lưu Trọng Lân), Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm (Trần Thái Bình) và Điện Biên Phủ - Những trang vàng lịch sử (Hoàng Minh Phương).

Cũng với mong muốn góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay, NXB Kim Đồng mang tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng hình thức và thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, nhật ký, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc từ thiếu nhi đến thiếu niên một bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Những ấn phẩm sách tranh được đầu tư công phu về mỹ thuật như: Kể chuyện Điện Biên Phủ; bộ sách Những anh hùng trẻ tuổi với 3 cuốn khắc họa chân dung, chiến công và sự hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ kiên cường trong chiến dịch Điện Biên Phủ: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện. Cùng với đó là các ấn phẩm mới như: truyện dài Mùa ban thay áo, tập truyện ngắn Những ký ức Điện Biên, 70 câu hỏi - đáp về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng trong dịp này, NXB Kim Đồng đã tái bản với hình thức mới cho những ấn phẩm đặc sắc, khắc họa hình ảnh người người lớp lớp đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, Người lính Điện Biên kể chuyện, Chuyện ở Đồi A1, Phía núi bên kia, Người người lớp lớp, Lá cờ chuẩn đỏ thắm, Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1, Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ và Điện Biên Phủ của chúng em.

Đặc biệt, trong số các ấn phẩm ra mắt lần này của NXB Kim Đồng, không thể không nhắc đến ấn phẩm Ký họa trong chiến hào - Nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm. Đây là lần đầu tiên cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam, sử dụng tư liệu thiết kế và hình ảnh của ấn bản tiếng Anh Drawing Under Fire: War diary of a young Vietnamese artist ấn hành năm 2005. Toàn bộ phần nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đánh máy lại từ bản chép tay cuốn nhật ký năm 1954 của họa sĩ, do NXB Asia Ink cung cấp.

Mạch nguồn tiếp nối

Theo thời gian, những nhân chứng sống của lịch sử nói chung và của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng không còn nhiều. Nhưng câu chuyện của một thời đã qua chưa bao giờ đứt đoạn, mà luôn có những thế hệ kế tiếp nhận lãnh sứ mệnh, để kể lại cho thế hệ sau theo nhiều cách thức khác nhau. Thư cho em (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của tác giả Hoàng Nam Tiến là một cuốn sách như vậy.

Có lẽ, không quá lời khi nói rằng Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) là một trong những người được lịch sử gọi tên. Bởi suốt cuộc đời của ông đều gắn liền với những cuộc kháng chiến của dân tộc: từ Thượng Lào năm 1953 đến Điện Biên Phủ năm 1954, từ Mậu Thân 1968 đến thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, từ trận Thượng Đức đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hay sau này là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979… Thiếu tướng Hoàng Đan mới được gần bên gia đình lâu nhất.

Dựa trên những bức thư trong thời chiến mà ba mẹ đã gửi cho nhau, cộng thêm ký ức của mình, tác giả Hoàng Nam Tiến - con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan, đã tổ chức bản thảo và làm thành cuốn sách Thư cho em. Qua ấn phẩm này, bạn đọc không chỉ được dõi theo các cuộc chiến của dân tộc, mà còn được chứng kiến một tình yêu đẹp giữa Thiếu tướng Hoàng Đan và người vợ Nguyễn Thị An Vinh. Tình yêu ấy được tái hiện qua những trang thư, lời kể như một nốt lặng đầy lãng mạn giữa sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Giống như những chàng trai, cô gái, người vợ, người chồng trên dải đất hình chữ S này, Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh xác định cống hiến cả tuổi thanh xuân và đời sống của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại, giống như câu thơ của Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

“Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là những trang tiểu thuyết thấm đẫm không khí chiến đấu, là những trang thơ ngợi ca tinh thần người lính Điện Biên Phủ, là những truyện ngắn tái hiện khoảnh khắc và những con người tham gia vào chiến dịch với một trái tim khát khao độc lập, tự do cho Tổ quốc, là những trang nhật ký đầy sống động về tiến trình của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”, chị Phùng Hà, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng, chia sẻ.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-trang-vang-ve-dien-bien-phu-post738136.html