Những trang sách tuổi thơ

Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Ký ức tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đặc biệt, những miền ký ức thật nhiều ước mơ ấy được lưu giữ qua những trang sách.

Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam hay Tuổi thơ dữ dội... có lẽ là những cuốn sách gối đầu giường, trở thành một phần kỷ niệm của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Sách hay tạo nhiều cảm xúc

Hiện nay, rất nhiều tác giả và nhà xuất bản cho ra đời những cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng dường như rất khó tìm được những tác phẩm đặc sắc, kiểu như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Ðất rừng phương Nam của Ðoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng, Cái tết của mèo con của Nguyễn Ðình Thi, Góc sân và khoảng trời của Trần Ðăng Khoa... Một trong những tác giả tiêu biểu nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là Nguyễn Nhật Ánh, thì sau Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bê tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ..., nhiều bạn đọc nhí cũng đang loay hoay chưa biết tìm sách gì để đọc tiếp.

Đặc biệt, Dế mèn phiêu lưu ký đã trở thành một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam. Không chỉ là cuốn sách yêu thích của trẻ nhỏ mà Dế mèn phiêu lưu ký còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Dế mèn phiêu lưu ký ban đầu có tên là Con dế mèn (là một tuyển tập gồm khoảng 20 truyện ngắn) được Nhà xuất bản (NXB) Tân Dân phát hành vào năm 1941. Sự đón nhận nhiệt tình của độc giả trong nước là động lực để nhà văn Tô Hoài bắt tay viết tiếp Con dế mèn trở thành Dế mèn phiêu lưu ký như hiện nay.

Dế mèn phiêu lưu ký được viết bằng một giọng văn hài hước nhưng không kém phần tinh tế. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và ngòi bút văn chương tài tình của mình, Tô Hoài đã vẽ nên một thế giới côn trùng sinh động. Tác phẩm kể về chàng Dế mèn vừa can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có những lúc kiêu căng, ngạo mạn, không ít lần gây ra tai họa... Tác phẩm mang lại cho trẻ những bài học đầu tiên về tình bạn và cách ứng xử trong cuộc sống. Đây cũng là tác phẩm giàu lý tưởng, ấp ủ mơ ước về một thế giới đại đồng, nơi tất cả đều là anh em, bạn bè. Đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký đã chu du tới gần 40 quốc gia và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới.

Bạn Lê Thị Bích Tâm ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Khi tôi còn nhỏ, hối hả với việc học, việc giúp ba mẹ thì những ký ức tuổi thơ còn lại của tôi đều nằm ở những trang sách. Giờ đây, khi được đọc lại Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội..., tôi như được bước vào chiếc du thuyền trở về quá khứ, sống lại những kỷ niệm ấu thơ đang dần bị lãng quên”.

Thị trường sách mở rộng

Hiện nay, các NXB cũng như các công ty sách nỗ lực đẩy mạnh việc tìm kiếm các tác giả có đam mê với văn học thiếu nhi. Ngoài ra, thông qua các dự án với các tổ chức nước ngoài, các NXB cũng như công ty sách cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác cho trẻ em, thu hút rất nhiều tác giả chuyên và không chuyên tham gia. Nhờ đó, dòng sách văn học thiếu nhi Việt đã có nhiều đột phá về chất và lượng. Ngoài ra, các NXB còn hỗ trợ và giúp đỡ các tác giả chính là các em thiếu nhi, để có thể tạo ra được một thế hệ tác giả tương lai cho nền văn học.

Mới đây, Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021 vừa tổng kết và trao giải đánh dấu sự thành công của sách thiếu nhi. Giải thưởng có 47 NXB với 284 tên sách và bộ sách dự giải. Ban tổ chức chọn trao giải cho 24 tên sách, công trình, với 2 giải A, 9 giải B và 13 giải C. Trong số này, sách thiếu nhi nổi bật hơn cả với 1 giải A, 4 giải B, 2 giải C trong tổng số 24 giải. Ðiều này cho thấy dòng sách thiếu nhi đang được đầu tư có chiều sâu, được sự quan tâm từ các NXB, tác giả và cả độc giả.

Điển hình là tác phẩm Chang hoang dã - Gấu đoạt giải A của tác giả Trang Nguyễn (viết lời) và Jeet Zdung (vẽ tranh minh họa), do NXB Kim Ðồng ấn hành. Tác phẩm là hành trình của cô bé Chang cứu giúp bé gấu Sorya 2 tuần tuổi trở về với rừng. Hành trình đó dẫn dắt người đọc đến với không gian thiên nhiên kỳ thú, những câu chuyện dễ thương, giàu tính giáo dục. Cuốn sách mang đến thông điệp về bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Sách được thiết kế hiện đại, sang trọng, chất lượng in đạt yêu cầu.

Ngoài ra, 6 cuốn sách đoạt giải còn lại cũng để lại nhiều dấu ấn cho độc giả nhí thời gian qua, như: Lướt cùng Tí Ðịa lí, Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy, Bộ sách song ngữ Việt - Anh 6 tập Dạy con tài chính, Cuốn sách về quyền lực - Nó là cái gì, ai có nó, và tại sao?, Nâu Nâu thị thành - Xanh Xanh đồng quê... Nhìn chung, đây là những cuốn sách dạy trẻ kỹ năng sống, kiến thức, với cách thể hiện hồn nhiên, phù hợp lứa tuổi và được trau chuốt về hình thức.

Như vậy, văn hóa đọc dành cho các em thiếu nhi đang có nhiều khởi sắc, các hiệu sách, thư viện, các câu lạc bộ đọc sách cùng con... mở ra ngày càng nhiều, song có thể thấy, hiện vẫn không nhiều tên tuổi tác giả mới được coi là “nổi đình nổi đám” viết sách cho thiếu nhi. Nhà văn Lê Phương Liên, người viết nhiều cho thiếu nhi từng nói: “Thời chúng tôi, viết là một lẽ sống, viết cho thiếu nhi thì điều đó lại càng mở ra những chân trời mộng ước cho thế hệ tương lai. Thời ấy không có mạng internet, không có nhiều trò giải trí như hiện nay, nên trẻ con chỉ biết tìm đến sách. Theo tôi, đôi khi chúng ta cũng có tâm lý sốt ruột khi một số tác giả trẻ nổi danh hiện nay khi viết cho thiếu nhi chưa thực sự được các em hâm mộ tìm đọc mà vẫn quay về với Dế mèn phiêu lưu ký”.

Khi tôi còn nhỏ, hối hả với việc học, việc giúp ba mẹ thì những ký ức tuổi thơ còn lại của tôi đều nằm ở những trang sách. Giờ đây, khi được đọc lại Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội..., tôi như được bước vào chiếc du thuyền trở về quá khứ, sống lại những kỷ niệm ấu thơ đang dần bị lãng quên.

Bạn Lê Thị Bích Tâm ở xã An Chấn, huyện Tuy An

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/268136/nhung-trang-sach-tuoi-tho.html