Những tình huống pháp lý trong vụ ngạt khí ở Công ty Miwon

Các luật sư cho rằng trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của công ty môi trường, đơn vị có 2 lao động tử vong khi vệ sinh hố gas của Công ty Miwon.

Ngày 18/7, Công ty TNHH Miwon Việt Nam (ở phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thuê một đơn vị môi trường ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh. Quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường bị ngạt khí.

Nghe tiếng kêu cứu, 3 công nhân làm việc gần đó đã nhảy xuống ứng cứu nhưng cả 5 người đều bị ngạt khí và bất tỉnh. Sự cố khiến 4 người chết, một người bị thương.

Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân sự cố và trách nhiệm của các bên liên quan. Trường hợp này, ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra?

Tách bạch vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan

Từng tham gia nhiều vụ án với vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) nhìn nhận đây là vụ việc có tính chất phức tạp với nhiều chủ thể tham gia. Cơ quan chức năng sẽ phải tách bạch vai trò, nhiệm vụ của những cá nhân, tổ chức để từ đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Trường hợp này, luật sư Thắng nhìn nhận có 3 bên tham gia mối quan hệ dân sự. Đó là Công ty Miwon (bên thuê), Công ty môi trường ở Hà Nội (bên được thuê) và những công nhân tham gia hoạt động vệ sinh hố gas.

Trong đó, bên thuê là đơn vị không có chuyên môn liên quan tới vệ sinh môi trường. Họ là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng bột ngọt, hạt nêm, mì chính, gia vị nên chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất của công ty.

Trong khi đó, việc vệ sinh hố gas là một hoạt động riêng biệt, không liên quan tới chuyên môn của công ty. Bởi vậy, luật sư nhận định khó có thể xem xét trách nhiệm đối với phía Công ty Miwon trong trường hợp này.

 Sự việc xảy ra tại Công ty Miwon Việt Nam. Ảnh: Phú Thọ 24h.

Sự việc xảy ra tại Công ty Miwon Việt Nam. Ảnh: Phú Thọ 24h.

"Khó có căn cứ xác định trách nhiệm cho bên thuê bởi họ là đơn vị không có chuyên môn. Trong khi đó, bên được thuê là chuyên gia trong lĩnh vực này và có trách nhiệm tuân thủ những quy tắc nghề nghiệp, quy định về an toàn lao động khi hành nghề. Do đó, nên chú trọng vào trách nhiệm pháp lý của đơn vị được thuê", ông Thắng phân tích.

Trong trường hợp này, cần xác định 2 công nhân tử vong có phải nhân viên của công ty môi trường hay không. Nếu họ không phải nhân viên của công ty này mà là lao động tự do, được công ty môi trường thuê lại để làm việc thì cần xem họ có giao kết hợp đồng, thỏa thuận về trách nhiệm giữa các bên khi xảy ra sự cố hay không.

Trường hợp không có thỏa thuận, khó có căn cứ xác định trách nhiệm của công ty môi trường bởi những người kia không phải nhân viên do công ty quản lý, công ty không có trách nhiệm phổ biến nội quy, quy tắc lao động cho họ. Những người này khi được thuê làm việc phải ý thức được những việc cần làm để đảm bảo an toàn lao động cho bản thân.

Ngược lại, nếu 2 người tử vong là nhân viên thuộc quản lý của công ty, cơ quan chức năng sẽ xem xét vai trò của những người quản lý, từ đó xác định trách nhiệm dân sự và hình sự trong trường hợp này.

Hai tình huống pháp lý

Luật sư Hoàng Ngọc Biên, nguyên điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng, cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của những người quản lý thuộc công ty môi trường trong vụ việc này.

Theo thông tin hiện có, cả 5 nạn nhân đều không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động khi sự việc xảy ra. Do đó, luật sư Biên nhìn nhận có 2 tình huống có thể xảy ra, đó là công ty đã không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân hoặc công ty đã trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động nhưng công nhân không sử dụng khi hành nghề.

 Vụ việc ở Công ty Miwon khiến 4 người thiệt mạng. Nạn nhân duy nhất sống sót hiện đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Q.A.

Vụ việc ở Công ty Miwon khiến 4 người thiệt mạng. Nạn nhân duy nhất sống sót hiện đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Q.A.

Tình huống thứ nhất, ông Biên nhìn nhận công ty môi trường là đơn vị có chuyên môn, có nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp khi cử người lao động đi làm việc. Việc công ty không trang bị đầy đủ hoặc giao thiết bị nhưng không giám sát, đảm bảo người lao động tuân thủ quy tắc nghề nghiệp dẫn tới hậu quả chết người là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu tình huống này xảy ra, nguyên điều tra viên nhận định cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định. Với tình tiết làm chết 2 người trở lên, người phạm tội (nếu có) sẽ đối diện khung hình phạt 5-12 năm tù.

Ngoài ra, những người này còn phải bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm cho nạn nhân và gia đình nạn nhân theo các Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Tình huống thứ hai, luật sư cho rằng nếu công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ song người lao động không tuân thủ quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính khi hành nghề dẫn tới hậu quả chết người, trách nhiệm sẽ thuộc về người lao động. Tuy nhiên, do họ đã tử vong, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập trong trường hợp này.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-ngat-khi-o-cong-ty-miwon-post1337165.html