Những thương vụ M&A đình đám nhất trong năm 2013 - 2014 ở Việt Nam

Đối với mỗi thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), không nhiều thông tin được công bố rộng rãi ra truyền thông...

Ảnh minh họa.

BizLIVE và Nhóm phân tích MAF công bố những thông tin chi tiết đằng sau 50 thương vụ M&A đáng chú ý nhất trong giai đoạn 2013 - 2014.

1. Richard Chandler Corp - Fortis Healthcare

Tập đoàn Singapore Richard Chandler ngày 11/6 cho biết đã đầu tư 99 triệu USD để mua lại 80% cổ phần tại Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ - tập đoàn bệnh viện tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Richard Chandler là một tập đoàn của doanh nhân gốc New Zealand. Tập đoàn này đầu tư vào nhiều lĩnh vực gồm năng lượng, tiêu dùng, dịch vụ tài chính và y tế ở nhiều thị trường châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Tập đoàn này bắt đầu đầu tư vào mảng y tế từ năm 2009 với việc thành lập Viva Healthcare, hiện hoạt động tại Philippines, Indonesia, Ai Cập và Kenya.

2. TPG – Masan Agriculture

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Masan đã bắt tay TPG để cùng phát triển Masan Agriculture. Masan đã nêu rõ kế hoạch xây dựng một chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - nuôi sạch - chế biến sạch - phân phối, bảo quản sạch” và đưa vào vận hành trong năm 2013.

Quỹ đầu tư TPG của Mỹ mua lại 49% sở hữu của Masan Agriculture (tiền thân là Công ty TNHH Hoa Mười Giờ) với giá 50 triệu USD. Masan Agriculture là công ty đang sở hữu 40% cổ phần của Proconco (Cám Con Cò).

3. KKR –Masan

Tháng 4/2011, Tập đoàn đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã ký kết với Tập đoàn Masan về việc sẽ mua số cổ phần trên với giá 159 triệu USD. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của KKR tại Việt Nam và là khoản đầu tư thứ 4 tại Đông Nam Á. Theo đó, Masan Consumer sẽ chào bán riêng lẻ 14.444.444 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; lượng cổ phiếu này tương đương 10% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Không dừng lại ở đó, 4/2013, KKR Ma San Aggregator (một công ty con khác của KKR) mua thêm hơn 22,84 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Masan Consumer, nâng tổng tỷ lệ nắm giữa của KKR lên 18.04%.

KKR được thành lập vào năm 1976 và được điều hành bởi Henry Kravis and George Roberts. Đây là tập đoàn quả lý tài sản hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý đến cuối năm 2010 là 61 tỷ USD.Đội ngũ của KKR hiện có hơn 600 người và 14 văn phòng trên toàn thế giới, KKR quản lý tài sản thông qua một loạt các quỹ đầu tư và các tài khoản bao gồm nhiều loại tài sản.

4. Kinh Đô - Phin Deli

Ước tính quy mô thị trường cà phê trong nước chỉ riêng cà phê hòa tan đã đạt hơn 4.750 tỉ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng 15-20%/ năm. Với một thị trường rộng lớn và cạnh tranh khốc liệt này, Kinh Đô sẽ mua cổ phần của Công ty PhinDeli - doanh nghiệp nổi tiếng sau khi ông chủ mua thị trấn Buford tại Mỹ. Thông tin này được công bố trong đại hội cổ đông năm 2014 của Kinh Đô.

Không tiết lộ cụ thể khoản đầu tư vào Phin Deli nhưng rõ ràng KDC phải bỏ ra số tiền không nhỏ để nắm giữ quyền chi phối Phin Deli. Với sự hợp tác này, 2 bên có thể khai thác tốt thị trường nội địa, và xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ.

5. FECON - DBJ

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Quỹ Phát triển Đông Nam Á Nhật Bản của DBJ sẽ tham gia đầu tư vào đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2014 của FECON với giá trị đầu tư khoảng 195 tỷ đồng, thời gian chuyển đổi sau 3 năm, qua đó chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của FECON.

Quỹ Phát triển Đông Nam Á Nhật Bản được thành lập năm 2011 và là sự hợp tác giữa DBJ và Công ty Đầu tư Châu Á Nhật Bản (JAIC).

Khoản đầu tư này sẽ được FECON sử dụng vào việc tăng cường máy móc thiết bị, nâng cao năng lực thi công, phục vụ cho các dự án lớn đang triển khai như dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi, dự án Nhà máy thép Kyoei Steel Ninh Bình và nhiều dự án khác trong thời gian tới.

6. Kinh Đô - Vocarimex

Năm 2014, thực hiện chiến lược tăng trưởng, Kinh Đô tập trung một số thương vụ đầu tư lớn có thể kể đế như mua cổ phần tại Vocarimex, đầu tư vào Phin Deli và hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong.

Vocarimex là công ty chiếm lĩnh thị trường dầu ăn với tỉ lệ cổ phần nắm giữ đáng kể trong một số công ty con và công ty liên kết, theo đó về mặt hợp nhất công ty chiếm 76% thị phần bán lẻ. Hầu hết doanh thu lợi nhuận là từ hợp nhất và công ty mẹ chỉ sở hữu một nhà máy chế biến và chiếm thị phần nhỏ trên thị trường bán lẻ.

KDC đã trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex. Theo bản công bố thông tin vừa được công bố thì cổ đông chiến lược của Vocarimex gồm có KDC (24% cổ phần) và Công ty chứng khoán VPBS (8% cổ phần). Với mức giá khởi điểm đấu giá là 11.300 đồng/cp thì số tiền mà KDC bỏ ra sẽ vào khoảng hơn 330 tỷ đồng.

7. Pilmico – Vĩnh Hoàn

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (“VHC”) và Pilmico International Pte. Ltd. (“Pilmico International”), một công ty con 100% vốn sở hữu của Aboitiz Equity Ventures, Inc. (“AEV”) đã ký kết Hợp đồng mua bán cổ phần, theo đó Pilmico International mua bảy mươi phần trăm (70%) cổ phần tại Công ty Cổ phần Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (“VHF”) từ VHC.

Pilmico International sẽ mua ba mươi phần trăm (30%) còn lại trong vòng năm (5) năm với mức giá đã thỏa thuận trước được nêu trong hợp đồng. Giá mua cho toàn bộ giao dịch này là khoảng 28 triệu USD.

8. Đường Biên Hòa sáp nhập với đường Ninh Hòa

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã thông qua phương án nhận sáp nhập CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1.

Theo đó, BHS sẽ sở hữu 100% NHS theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu NHS đang lưu hành theo tỷ lệ 1:1. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, CTCP Đường Biên Hòa sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất 100% vốn điều lệ của NHS và CTCP Đường Ninh Hòa sẽ được đăng ký chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên.

Theo thông tin từ lãnh đạo của BHS, sau thương vụ sáp nhập này, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23,500 ha, công suất thiết kế nhà máy của BHS dự kiến sẽ tăng lên đến 11,700 tấn mía/ngày. Ngoài ra, BHS sẽ đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 38 doanh nghiệp đường đang hoạt động.

9. REE mua cổ phần các Công ty Nhiệt điện Phả lại, Than Búi Béo

Năm 2013 và đầu năm 2014, REE đã đầu tư để tăng tỷ lệ nắm giữ tại các công ty điện, than, nước như Nhiệt Điện Phả Lại (22,37%), Than Núi béo (23,62%), Cấp nước Thủ Đức TDW (41,94%), Than Đèo Nai (23,83%)...

SCG – Prime Group

Tháng 4/2013, tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký một thỏa thuận mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá 7,2 tỷ baht, tương đương 4,9 ngàn tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào Prime Group hiện được VOF ghi nhận với giá 13,5 triệu USD. Ban đầu, VOF đã rót 15 triệu USD để nắm 15%.SCG là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan. Tập đoàn hoạt động đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi-măng, vật liệu xây dựng và phân phối. SCG hiện có hơn 200 công ty với 38.000 nhân viên.

Prime Group hiện có công suất 75 triệu m2 gạch mỗi năm và chiếm 20% thị phần gạch trong nước. Prime Group có 2 cổ đông chiến lược nước ngoài là quỹ Vinacapital VOF và DWS Vietnam Fund.

SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và hiện có 17 công ty với tổng giá trị tài sản hơn 370 triệu USD, doanh thu 300 triệu USD với hơn 2.300 nhân viên Việt Nam. Tập đoàn cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác ở Việt Nam như Tổ hợp hóa dầu tại miền Nam Việt Nam với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD.

(Còn nữa)

NHÓM PHÂN TÍCH MAF

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/nhung-thuong-vu-ma-dinh-dam-nhat-trong-nam-2013-2014-o-viet-nam-581369.html