Những thương binh 'tàn nhưng không phế'

Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường biên giới Campuchia, nhiều người mang thương tật đến suốt đời, thế nhưng, họ chưa bao giờ đầu hàng số phận mà luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc theo đúng lời Bác Hồ dạy: 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

1. Một ngày tháng 10, chúng tôi về xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, được nghe kể về câu chuyện hiến trên 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn của vợ chồng ông Nguyễn Văn Kia (SN 1953, thương binh hạng 2/4) và bà Trần Thị Vở. Để tìm hiểu về câu chuyện này, chúng tôi được cán bộ Văn hóa - Xã hội xã dẫn đến nhà. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh bà Vở tay run run đang cài từng nút áo cho ông Kia.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kia, bà Trần Thị Vở yêu thương, quan tâm nhau

Bà Vở chia sẻ: “Mấy ngày nay, thời tiết thay đổi thất thường, vết thương của chú (ông Kia) thường hay tái phát, đau nhức cả đêm, có khi không ngủ được. Còn bình thường, ông cũng không làm nặng được vì sức yếu. Do đó, tất cả việc gia đình, tôi đều thay chồng gánh vác. Tôi là con của liệt sĩ nên hơn ai hết rất hiểu sự cống hiến, hy sinh của các gia đình chính sách, người có công đối với nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay”.

Tiếp lời bà Vở, ông Kia kể: “Năm 1977, tôi tham gia chiến trường biên giới Campuchia. Năm 1978, tôi bị thương và trở về địa phương. Trước khi làm nhiệm vụ quốc tế, tôi đã lập gia đình, sinh được 1 đứa con. Ngày trở về mang thương tật trên người nhưng vợ tôi chưa bao giờ chê chồng tàn tật, ngược lại còn ở bên thường xuyên chia sẻ, động viên. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc vì có một gia đình hạnh phúc”.

Vợ chồng ông Kia, bà Vở sinh được 4 người con, hiện các con ông bà đều lập gia đình, có việc làm, thu nhập ổn định. Để có cuộc sống viên mãn như hôm nay, vợ chồng ông bà phải trải qua nhiều năm tháng vất vả, làm chỉ mong đủ ăn. Bà Vở nhớ lại: “Trước đây, đất ở Long Hựu Tây nhiễm phèn nặng, trồng lúa thì 5 ăn, 5 thua. Lúc đó, gia đình tôi chỉ có 4.000m2 đất trồng lúa nhưng cho năng suất rất thấp, chỉ đủ gạo ăn trong nhà. Sau này, các con khôn lớn, đi làm, gia đình mới bớt khó khăn”.

Dù kinh tế gia đình không khá giả, vậy mà khi địa phương vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn, vợ chồng ông Kia, bà Vở không tính toán thiệt hơn đồng ý hiến trên 1.000m2 đất. Việc làm của ông bà khiến nhiều người khâm phục. Ông Kia cho biết: “Trong chiến tranh, gia đình tôi có nhiều người đã hy sinh. Hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập thì 1.000m2 đất cũng chẳng đáng là bao so với sự hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập dân tộc”.

2. Chia tay gia đình ông Kia, bà Vở, chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Văn Thiếu (xã Long Hựu Tây, thương binh hạng 1/4). Nhìn đôi chân đi cà nhắc đến đổ xăng cho khách hàng, chúng tôi càng hiểu hơn về sự siêng năng, cần cù làm việc của người thương binh này.

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng ông Võ Văn Thiếu vẫn siêng năng làm việc, chưa bao giờ đầu hàng số phận

Ông Thiếu bộc bạch: “Có làm thì mới có ăn, phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chỉ có mình mới giúp được mình, không ai giúp mình mãi được”. Nhờ cách nghĩ này, ông mới xây dựng được cơ ngơi vững chắc như hôm nay.

Được biết, năm 1984, ông Thiếu tham gia chiến trường biên giới Campuchia. Năm 1987, ông bị thương và trở về địa phương. Khi trở về địa phương, ông quyết định đi học nghề may quần áo với mục đích học được cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Năm 1989, ông lập gia đình thông qua sự mai mối.

Bà Võ Thị Thân (vợ ông Thiếu) nói: “Dù có tật ở chân nhưng chồng tôi luôn siêng năng làm việc và hết mực thương vợ con. Vợ chồng tôi hiếm muộn nên cưới nhau hơn 10 năm mới có con. Thế nhưng, cuộc sống gia đình vẫn luôn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc”.

Ngày mới cưới, ngoài có thu nhập từ nghề may quần áo, ông Thiếu còn nuôi heo, làm ruộng. Bằng sự siêng năng, cần cù, vợ chồng ông xây dựng được căn nhà khang trang, nuôi con ăn học thành tài, có việc làm ổn định. Giờ đây, vợ chồng ông chuyển sang kinh doanh xăng, dầu. Công việc bớt vất vả hơn trước, nhất là phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, nhiều thương binh như ông Kia, ông Thiếu vẫn luôn nỗ lực vượt qua trở ngại về cơ thể, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-a165626.html