Những thủ khoa sư phạm đầu vào lẫn đầu ra

Trong buổi trao bằng tốt nghiệp của Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế năm 2023, ai cũng dành lời khen 4 thủ khoa mà trước đó 4 năm cũng là thủ khoa đầu vào của trường.

Nguyễn Văn Thiên Triết, thủ khoa ngành sư phạm Hóa học nhận bằng tốt nghiệp

Duy trì phong độ

Khi giảng viên (dẫn chương trình) xướng tên 4 thủ khoa đầu ra, cũng chính 4 tân cử nhân này là những thủ khoa đầu vào cách đây đúng bốn năm, gồm: Hồ Quang, ngành sư phạm Toán học đào tạo bằng tiếng Anh; Nguyễn Văn Thiên Triết, ngành sư phạm Hóa học, Dương Thị Thiên An, ngành sư phạm Lịch sử và Trần Văn Ngọc Vỹ, ngành Giáo dục chính trị, những tràng pháo tay chúc mừng vang lên khắp khán phòng.

Bởi trong lời trao đổi của nhiều người trong khán phòng, với bốn năm đèn sách ở môi trường đại học, xa gia đình, xa người thân, nhiều sinh viên còn phải làm thêm, đỡ đần phần nào kinh phí học tập cho ba mẹ… nên sẽ không dễ để duy trì thành tích học tập.

Tân cử nhân Trần Văn Ngọc Vỹ, Khoa Giáo dục chính trị (quê Hà Tĩnh) chia sẻ, bước vào Trường đại học Sư phạm với danh hiệu thủ khoa đầu vào, em đã tự nhận thức được sự quan trọng của việc tự học và tự nghiên cứu. Ngoài những giờ học ở trường, em dành phần lớn thời gian một ngày vào việc đọc và nghiên cứu giáo trình. Đặc biệt, em có niềm yêu thích với những vấn đề chính trị - xã hội trên toàn thế giới từ xưa đến nay. Qua đó, em đã có cách tiếp nhận những kiến thức các học phần được xem là khó và khô khan đặc trưng về lý luận chính trị một cách đơn giản nhất, vì đó là niềm đam mê của chính bản thân.

Với hành trang Vỹ đang có là vốn kiến thức được tiếp nhận từ giảng viên, một đảng viên trẻ phấn đấu, kết nạp và trưởng thành tại Khoa Giáo dục chính trị, kế hoạch sắp tới của Vỹ là đăng ký thi tuyển kỳ thi công chức, cũng như là đăng ký thi và học lên cao học với chuyên ngành Hồ Chí Minh học.

Trong 4 thủ khoa đầu ra và đầu vào của Trường đại học Sư phạm năm 2023, Nguyễn Văn Thiên Triết, thủ khoa ngành sư phạm Hóa học để lại sự khâm phục hơn cả. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Cảm xúc hồ hởi trước đó của chúng tôi bỗng nghẹn lại khi em cho biết đang mắc bệnh nan y và cũng không thể dạy học được nữa, vì giọng nói đã không còn. Nhưng điều ấy không còn quan trọng nữa, vì em đã làm được những điều mình muốn, được sống một cuộc đời do chính em lựa chọn.

Thiên Triết kể lại, năm lớp 12 em dự định sẽ thi vào Trường đại học Sư phạm, song do nhiều yếu tố nên em thi vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Được trở thành một người thầy giáo là ước mơ của em từ khi còn là một học sinh tiểu học, nên khi vào Trường đại học Bách khoa, em vẫn luôn giữ niềm đam mê và ước mơ này. Do đó vào nửa kỳ 1 năm đầu tiên, em đã quyết định thôi học và về thi lại đại học.

Hình dáng người sư phạm

Trên bục danh dự của buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp, trong giây phút hạnh phúc vinh quang bước đầu của con, ba mẹ của Trần Văn Ngọc Vỹ không kìm nén được sự xúc động. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi. Vất vả bao năm, xa nhà, mà thấy con nỗ lực đã cố gắng học tập và có kết quả như ngày hôm nay, đó là niềm vui sướng tột độ của người làm cha mẹ.

Trần Văn Ngọc Vỹ gửi gắm đến các bạn sinh viên rằng, hãy cho mình một thời khóa biểu riêng của bản thân thật là phù hợp. Vì kết quả của sự kỷ luật và khoa học chắc chắn sẽ làm cho bạn tốt lên mỗi ngày. Và một khi đã chọn ngành học của mình thì hãy có niềm yêu thích với nó. Như thế thì cách tiếp nhận kiến thức của bạn đã khác theo chiều hướng tích cực nhất.

Còn với Nguyễn Văn Thiên Triết, em cho biết, được trở thành một người thầy giáo là ước mơ của em từ khi còn là một học sinh tiểu học. Trên con đường thực hiện ước mơ ấy, đã có muôn vàn khó khăn và chông gai. Trong hành trình 4 năm vừa qua, em đã được sống với ước mơ, hoài bão và hoàn thành những điều còn dang dở ở thời niên thiếu. Thời gian đến, dù chuyện gì xảy ra, em sẽ nỗ lực hết sức mình để sống trọn vẹn với ước mơ của mình.

Trong giây phút chia tay sau 4 năm sống chung trong một mái trường, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm gửi gắm, dù ở đâu, trong vị trí nào chúng tôi luôn mong muốn nhìn thấy bóng dáng người sư phạm trong sự thể hiện của các em ở cuộc sống này. Đó là tri thức, là nghĩa tình, là sự hiểu biết và cốt cách làm người. Trên bước đường mới, sẽ không thể thiếu những gian nan vất vả, cũng như chắc chắn thành công rồi sẽ tới với người trẻ. Xin các em hãy nhớ “Cuộc đời là bọt nước... Chỉ có hai điều như đá tảng: Tử tế khi người khác lâm nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình”, để từ đó mà bước những bước đi chắc chắn, tự tin.

“Thầy luôn mong muốn chặng đường tới của các em, hãy sống như nước, linh hoạt thay đổi, không lưu đọng, không quay đầu. Nếu cuộc sống là một sa mạc cằn cỗi, các em hãy biến thành cây xương rồng gai góc, đâm rễ sâu xuống lòng đất tìm nguồn nước mát lành, để rồi từ đó nở ra những đóa hoa đầy sức sống. Cuộc sống này vốn dĩ không phải thử thách xem ai gồng gánh được nhiều nhất, mà là xem ai cầm được những thứ phù hợp với mình nhất. Khi lòng ta thông suốt, tự khắc sẽ giống như nước, vừa dịu dàng lại sâu lắng chảy theo dòng chảy của năm tháng... và đó chính là dấu ấn của thành công”, PGS.TS. Lê Anh Phương mong muốn.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/nhung-thu-khoa-su-pham-dau-vao-lan-dau-ra-129205.html