Những tháp nước thành phố

Vào đầu những năm 2000, nhiều tháp nước tại Đà Nẵng vắng bóng dần trong bối cảnh phát triển đô thị với công tác quy hoạch diễn ra mạnh mẽ. Tháp nước, đó chính là một bộ phận của hệ thống cấp nước của đô thị Đà Nẵng một thời, là minh chứng của thời kỳ được cho là có hiệu quả nhất, trong rất nhiều giải pháp cấp nước của Đà Nẵng kể từ thời nhượng địa Tourane (Đà Nẵng) cho đến những thập niên đầu sau năm 1975 sau khi đất nước thống nhất.

Tháp nước cầu Đen, quận III Đà Nẵng năm 1965-1966. Ảnh tư liệu

Những bàn luận kéo dài

Khoảng gần 10 năm sau khi trở thành nhượng địa Tourane thuộc Pháp, vào năm 1897, Phòng Thương mãi và Canh nông được thành lập. Sau đó, Phòng đề nghị Hội đồng thành phố Tourane đưa vấn đề cấp nước cho đô thị Đà Nẵng vào chương trình nghị sự tại cuộc họp năm 1898 - đây là thời điểm vấn đề cấp nước lần đầu tiên được đề cập tại đô thị Đà Nẵng.

Tuy nhiên, gần 10 năm sau, vấn đề cấp nước vẫn chưa có chuyển động gì trong công tác quy hoạch thành phố mặc dù dân số ngày càng đông. Do đó, tháng 12-1906, Phòng Thương mãi Đà Nẵng (được thành lập vào năm 1901, tách ra từ Phòng Thương mãi và Canh nông) chính thức đưa vấn đề nước của Thị xã ra trước Hội đồng tối cao Đông Dương và đề nghị này vẫn chưa được giải quyết theo yêu cầu, đến 15 năm sau (năm 1921), vấn đề này mới được khởi động trở lại.

Ngày 7-6-1921, thành phố Đà Nẵng đã mở cuộc đấu thầu cung cấp và phân phối năng lượng cho thành phố. Công ty SIPEA - Công ty kỹ nghệ cấp nước và điện của Pháp ở châu Á trúng thầu (có trụ sở tại Đà Nẵng). Tuy vậy, công ty này không hoàn thành được việc cung cấp điện và nước cho thành phố. Riêng về điện, đến tháng 7-1922, thị dân Đà Nẵng mới thực sự có ánh sáng điện, nhưng chỉ có trong phạm vi hẹp, chủ yếu thuộc khu phố Tây.

Nói về cấp nước, đến năm 1926, có một phương án có tính chất bộ phận được đề xuất tại cuộc họp ngày 22-2-1926 của Hội đồng Thị chính Đà Nẵng: “Mua máy bơm điện để cung cấp nước cho máy khử trùng tại bệnh viện người bản xứ”. Và “xây một bể chứa 1.200 lít bảo đảm việc phân phối nước sạch tiệt trùng cho trường học, đội vệ binh, nhà lao... và thu thuế khi cung cấp nước cho sở làm nước đá, các câu lạc bộ và các nơi có yêu cầu. Bể chứa nước này đặt tại bệnh viện, để bệnh viện cung cấp nước, kiểm tra chất lượng nước do bác sĩ của sở y tế thành phố phụ trách” (1). Như vậy, việc cấp nước sạch cho thành phố được giao trực tiếp cho bệnh viện để bảo đảm chất lượng nguồn nước. Nhưng với bể chứa 1.200 lít thì quá nhỏ, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu nội bộ của bệnh viện; việc cung cấp nước cho trường học, nhà lao, sinh hoạt hằng ngày của người dân vẫn chưa thực hiện được.

Đến năm 1928, dường như không thể chịu đựng được nữa tình trạng thiếu tiện nghi về nước sinh hoạt, một người có tiếng nói đối với chính quyền thuộc địa Pháp lúc bấy giờ, sau khi đi Pháp về, đã viết cho Phòng Thương mãi bày tỏ ý kiến: “25 năm nay ở Đà Nẵng, chính quyền cao cấp thường nói quan tâm vấn đề nước uống, nhưng chẳng thấy gì cả” (2).

Đến năm 1930, Hội đồng thị chính Đà Nẵng họp và bàn luận về việc thực hiện hệ thống cung cấp nước sạch, đã liệt kê các phương án: Chặn các suối ở Liên Chiểu ở đèo Hải Vân để dẫn nước về: hủy bỏ vì kinh phí lên đến 1.565.000 quan, theo giá trước 1914-1918. Chặn các nguồn ở Nghi An, cách Đà Nẵng 6km về phía đông nam để lấy nước: gần, phí tổn ít nhưng lưu lượng không đủ, chỉ 3,74 lít/giây. Chặn các nguồn ở Phước Ninh để lấy nước: gần nhưng lưu lượng rất nhỏ. Ngăn đập trên sông Thanh Khê, cách Đà Nẵng 5km để dồn nước: Không được vì nước mặn lơ lớ (gần biển) lại còn ròng sát, lưu lượng coi như không có. Lấy nước trên sông Cẩm Lệ tại Túy Loan, bằng đào kênh dẫn về Đà Nẵng rồi mới bơm và lọc: nước rất dồi dào nhưng dẫn như thế thì nhiều bùn, dơ bẩn, kênh phải dài 17km, rất khó đào, phí tổn quá cao, không thể thực hiện được. Tòa Khâm sứ sẽ mời Công chánh nghiên cứu dự án lấy nước tại các suối Hố Lở, Hố Chuối.

Riêng Tòa Đốc lý đề nghị hai giải pháp: dùng suối nước ở báo đảo Tiên Sa hoặc lập hệ thống giếng Layne rồi bơm nước lên “Château d’eau” (tháp nước) để phân phối như ở Sài Gòn. Từ năm 1930 đến nửa đầu những năm 1960, hệ thống cấp nước Đà Nẵng lúc bấy giờ chủ yếu cung cấp nước cho khu vực trung tâm với các giếng khoan và hệ thống đường ống nhỏ bé. Vấn đề cấp nước lúc này rất khiêm tốn, phần lớn người dân dùng giếng bơm, giếng tự đào của gia đình để sinh hoạt

Chuyển động khiêm tốn

Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, đánh dấu chính thức về việc tham chiến của Mỹ ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng nước của đô thị Đà Nẵng tăng lên nhanh chóng và cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng tại Đà Nẵng hệ thống nhà máy nước chỉ mang tính chất nội bộ của thời kỳ những năm 1930 thời Pháp thuộc.

Trong những năm 1950-1960, đô thị Đà Nẵng theo bản hợp đồng giữa chính quyền Pháp với Công ty thủy điện (CEE), thì công ty này được hưởng quyền đặc nhiệm về sự khai thác và phân phối nước uống trong thị xã Đà Nẵng, có giá trị đến hết năm 1967. Công ty khai thác và cung cấp nước gồm: hoạt động và tu bổ các cơ sở rút nước, các giếng, các nhà máy phát nước; tu bổ các hệ thống phát nước, các hồ chứa nước; gắn ống nhánh và đồng hồ nước cho tư gia theo giá biểu đã được chấp thuận; cung cấp nhân công gắn ống thoát nước; sửa chữa đồng hồ nước, thông ống nghẹt. Khi có việc, ra lệnh cho công ty ra giá rồi mới tiến hành, rất chậm trễ.

Với tình trạng trên, năm 1967, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 49-SL/CC ngày 18-3-1967 về việc thành lập Nha Thủy cục Đà Nẵng. “Nay thiết lập Thủy cục Đà Nẵng, nhằm sản xuất và cung cấp nước uống trong lành và đầy đủ cho thị xã Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Thủy cục Đà Nẵng là cơ quan có tư cách pháp nhân và quyền tự trị về hành chính và tài chính” (3). Từ đó, việc cấp nước cho đô thị Đà Nẵng có chuyển biến mạnh. Nguồn nước mặt tại sông Cẩm Lệ được khai thác xử lý cung cấp cho thành phố qua việc xây dựng các Trạm cấp nước Cầu Đỏ và Trạm cấp nước Sân bay để thay thế nguồn nước ngầm, hệ thống đường ống cấp nước cũng được phát triển thêm, dưới sự quản lý chung của Nha Thủy cục Đà Nẵng. Theo đó, trong thành phố, các bồn chứa nước được dựng lên, lúc bấy giờ không có máy đẩy nước áp xuất cao như bây giờ. Đa số các bồn chứa nước có hình bát giác, có nắp đậy, được đặt trên 8 trụ bê tông cốt thép vững chắc. Trên các trụ này được lắp đặt đường ống dẫn nước để phân phối đến các công sở.

Sau ngày đất nước thống nhất

Sau năm 1975, khi đất nước hòa bình, thống nhất, hệ thống cấp nước Đà Nẵng được giữ nguyên vẹn như trước đó, chính quyền cách mạng tiếp quản và duy trì hoạt động sản xuất cấp nước, góp phần giữ gìn tình hình an ninh trật tự trong những ngày đầu thành phố mới được giải phóng. Đơn vị quản lý hệ thống cấp nước thành phố được thành lập có tên gọi là Nhà máy nước Đà Nẵng thay thế Thủy cục Đà Nẵng của chế độ cũ, công suất cấp nước lúc đó khoảng 12.000 m3/ngày với 3.084 đồng hồ tiêu thụ của khách hàng.

Đến năm 1979, trước yêu cầu phát triển người dân thành phố cần có nước máy sử dụng, Ban lãnh đạo Nhà máy nước Đà Nẵng đã tập trung công tác củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo, mở rộng nâng công suất Trạm cấp nước Cầu Đỏ lên 12.000m3/ngày và Trạm cấp nước Sân Bay lên 10.000m3/ngày. Cùng với cải tạo, mở rộng các trạm cấp nước, hệ thống đường ống cấp nước các loại cũng được thi công lắp đặt, đến năm 1985 tổng số đồng hồ khách hàng là 13.000 chiếc. Năm 1985, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập Công ty cấp nước Quảng Nam - Đà Nẵng trên cơ sở Nhà máy nước Đà Nẵng được bổ sung nhiệm vụ và nâng cấp về quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh.

Hình ảnh các tháp nước xưa của Đà Nẵng chính là hiện thân của việc cấp nước một thời kỳ dài trong lịch sử. Hiện nay, việc cấp nước cho thành phố Đà Nẵng với hơn 1 triệu dân và khách du lịch được thực hiện khá ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu. Tuy nhiên, vẫn luôn hiện hữu những nguy cơ thiếu nước vào mùa hè và cần tiếp tục có những nghiên cứu thấu đáo hơn nữa về lâu dài.

VÕ HÀ

(1). Tòa Đốc lý Đà Nẵng, “Biên bản cuộc họp ngày 22-02-1926”. Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt. Tài liệu tiếng Pháp, Huỳnh Phương Bá dịch.
(2). Tòa Đốc lý Đà Nẵng, “Biên bản cuộc họp ngày 22-8-1928”. Dẫn theo Võ Văn Dật (2006), Lịch sử Đà Nẵng, Nxb. Trẻ, tr. 317.
(3). Sắc lệnh số 49-SL/CC của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương ngày 18-3-1967, về việc thành lập Nha Thủy cục Đà Nẵng. Hồ sơ 16382. Phông Phủ Thủ tướng. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202308/nhung-thap-nuoc-thanh-pho-3954058/