Những thách thức chờ đợi giám đốc kế nhiệm của Ngân hàng Thế giới

Là người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Ngân hàng Thế giới, ông Ajay Banga đang đứng trước hàng loạt thách thức xung quanh vấn đề tài chính và cơ cấu vốn cũng như việc ứng phó biến đổi khí hậu và chống đói nghèo.

Ông Ajay Banga, cựu CEO của Mastercard, là người được Tổng thống Joe Biden đề cử cho chức vụ giám đốc Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Getty Images

Ông Ajay Banga, 63 tuổi, là một người Mỹ gốc Ấn Độ từng giữ chức giám đốc điều hành Mastercard. Hiện ông đang là phó chủ tịch của quỹ đầu tư General Atlantic. Kinh nghiệm hàng thập kỷ của ông Banga trong việc xây dựng các công ty toàn cầu và quan hệ đối tác công tư để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và di cư đã được tổng thống Mỹ nhắm tới.

Do có “kinh nghiệm quan trọng trong việc huy động các nguồn lực công - tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thời đại, bao gồm cả biến đổi khí hậu”, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 đã lựa chọn ông Ajay Banga trở thành người kế nhiệm ông David Malpass tại Ngân hàng Thế giới.

Đề cử của ông Banga là đề cử đầu tiên được công khai nhưng Ngân hàng Thế giới vẫn sẽ chấp nhận đề cử từ các quốc gia thành viên khác cho đến ngày 29/3.

Reuters cho biết ông John Kerry, đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu, dành ra những lời khen ngợi ông Ajay Banga khi khẳng động ông “đã chứng tỏ khả năng của mình với tư cách là nhà quản lý của các tổ chức lớn và hiểu rõ về đầu tư và huy động vốn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”.

Trước đó dưới sự lãnh đạo của ông Banga, Mastercard đã trở thành một trong những công ty đầu tiên đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học của chính phủ Mỹ. Ngoài ra, ông cũng có kinh nghiệm làm việc trong ban cố vấn của Beyond Net Zero, một quỹ tài chính khí hậu.

Với một nhà lãnh đạo mới, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái cơ cấu Ngân hàng Thế giới. Điều này càng đặc biệt khi tổ chức 77 tuổi này dưới thời ông David Malpass được cho là quá rụt rè trong việc tài trợ cho các sáng kiến khí hậu nhưng vẫn tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch lớn trên nhiều quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, các thử thách đang chờ đợi ông Banga ở phía trước không phải là ít. Quan trọng nhất là ông sẽ phải tìm cách đạt được càng nhiều tiền vốn càng tốt từ các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ - nước đóng góp lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới. Điều này sẽ là một nan đề lớn do sự đối đầu về mặt chính trị giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số - cơ quan có ảnh hưởng lớn tới việc chi tiêu của quốc gia.

Trong năm tài chính 2022, Ngân hàng Thế giới đã cam kết hơn 104 tỷ USD cho các dự án trên toàn cầu, theo báo cáo thường niên của ngân hàng. Dù vậy để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền cần thiết có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Một phương pháp có thể được Ngân hàng Thế giới sử dụng lúc này chính là thay đổi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của mình cùng các quy tắc khác, từ đó giúp giải phóng thêm tiền cho cuộc chiến khí hậu. Việc thay đổi cách thức hoạt động của WB này và các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) khác cũng có thể mang lại hàng trăm tỷ USD tiền bổ sung.

Tuy nhiên theo ông Mark Malloch Brown, Chủ tịch của Open Society Foundations cho biết một số quốc gia có thu nhập trung bình lo ngại rằng các phương pháp trên có thể làm suy yếu xếp hạng tín dụng AAA của ngân hàng. Đồng thời, các quốc gia này cũng lo lắng rằng chi phí đi vay sẽ tăng lên do phương Tây từ chối đưa thêm tiền mặt.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-thach-thuc-cho-doi-giam-doc-ke-nhiem-cua-ngan-hang-the-gioi-post18297.html