Những tấm gương sáng giữa cuộc đời

ND - LTS - Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, ngày 16-7, tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, đã diễn ra Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2010, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2010).

Hội nghị biểu dương gần 300 đại biểu người có công với cách mạng, tiêu biểu trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tấm gương tiêu biểu đó. Trân trọng cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, con thương binh, con liệt sĩ, người có công với cách mạng... đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nay họ tiếp tục tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hăng hái tham gia học tập, công tác, lao động và sản xuất thành đạt, làm giàu cho bản thân và cho quê hương, đất nước. Sự cố gắng của họ xứng đáng được ghi nhận, biểu dương và trở thành những tấm gương tiêu biểu cho cộng đồng và xã hội học tập, noi theo. Đây cũng là dịp để Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước bày tỏ tấm lòng trân trọng đối với những hy sinh to lớn của những người chiến sĩ và gia đình họ đối với Tổ quốc, với nhân dân. Biểu dương người có công với cách mạng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chúng ta thực hiện lời dạy của Bác Hồ về truyền thống và đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" , "Đền ơn đáp nghĩa" từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. 63 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2010) Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và biết ơn những cống hiến vô giá của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu nay mang thương tật, bệnh tật suốt đời. Sinh thời, Bác Hồ mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27-7, Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước. Bác cũng không quên gửi quà, động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa vì đó là sự quan tâm, chăm sóc của Người dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với anh chị em thương binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng đã cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và sống đẹp cả trong thời chiến lẫn thời bình. Họ không những tạo được công ăn việc làm cho bản thân, gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ tạo cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế. Trong lời phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, đại diện cho hàng triệu tấm gương tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên cả nước về dự hội nghị. Đồng chí đánh giá cao và cảm ơn các cơ quan đã có sáng kiến tổ chức hội nghị tại Nghệ An, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi sinh ra và nuôi dưỡng người con Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhân cách lớn về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập và tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Xứ Nghệ yêu thương là quê hương cách mạng, với cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, mở đầu cho cao trào cách mạng vô sản trong cả nước, giàu lòng yêu nước, là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, cũng như bao miền quê trên khắp đất nước Việt Nam, Nghệ An có hàng vạn người con ưu tú ra trận, trong đó hàng nghìn người con ưu tú ấy đã không trở về. Thay mặt các cơ quan đồng tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Bùi Hồng Lĩnh đọc Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách chăm sóc Người có công trong năm qua. Báo cáo nêu rõ: Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm tròn 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 63 năm Ngày thương binh - liệt sĩ. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, biểu thị tấm lòng trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến to lớn, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình người có công với cách mạng. Những đóng góp của họ trong thời chiến lẫn thời bình luôn tỏa sáng phẩm chất của con người Việt Nam Anh hùng, luôn thể hiện tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ kiên cường bất khuất, thể hiện tính gương mẫu của gia đình người có công, ý chí "tàn nhưng không phế" của thương binh. Tinh thần ấy đã đóng góp vào phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính sách ưu đãi người có công được xây dựng ngày càng phù hợp với các đối tượng và dần được hoàn thiện. Phong trào đền ơn đáp nghĩa với năm chương trình hành động cụ thể đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng, cải tạo nhà tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, phụng dưỡng đến cuối đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng... Mỗi năm chúng ta xây dựng, sửa chữa hơn 15.000 nhà tình nghĩa, trị giá hơn 292 tỷ đồng. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" huy động được 232,4 tỷ đồng. Xây dựng 2.147 công trình và sửa chữa 818 công trình tưởng nhớ liệt sĩ, trị giá hơn 220 tỷ đồng. Sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và bản thân người có công đã thu được những kết quả khả quan. 85% số xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, 90% số gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn cư trú, nhiều tấm gương người có công điển hình về đạo đức lối sống. Tại hội nghị đầy ý nghĩa này, thay mặt toàn thể anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ và hàng triệu người có công trong cả nước, đồng chí Bùi Hồng Lĩnh bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân đối với các đối tượng người có công với cách mạng. Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, con liệt sĩ, từng được nuôi dưỡng dưới mái trường Nguyễn Viết Xuân - Hà Nội. Hiện nay, đồng chí là Bí thư Chi bộ, kiêm Hiệu trưởng nhà trường. Đồng chí tâm sự: Cha tôi hy sinh ở chiến trường, mẹ một mình nuôi tôi ăn học tới lớp 12 rồi cũng ra đi vì bệnh tật, đồng chí may mắn được học hành và chăm sóc dưới mái trường Nguyễn Viết Xuân. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, Học viện Tài chính, cao học ngành Công nghệ, đồng chí trở về công tác tại chính ngôi trường đã nuôi dạy mình, tiếp tục sự nghiệp trồng người mà cha mẹ đã lựa chọn. Với cương vị Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ, đồng chí Tuấn luôn hết lòng vì công việc chung, sống gương mẫu, xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả, gần 100% số học sinh của trường thi đỗ tốt nghiệp các cấp, không có học sinh vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, hằng năm trường đều có học sinh giỏi cấp thành phố. Bản thân đồng chí xác định, ngôi trường này là nơi thể hiện và cụ thể nhất các chính sách "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với con thương binh, con liệt sĩ, trẻ em mồ côi. Chính vì vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục truyền thống, đạo lý luôn được quan tâm, chú trọng nhằm giáo dục các em trưởng thành toàn diện về mọi mặt. Đến từ Thành phố mang tên Bác, thương binh 1/4, Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thép Đồng Tiến bộc bạch: Từ hai bàn tay trắng, sức yếu, ông đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất vành xe đạp, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, tự chế ra máy ép thủy lực hỗ trợ sản xuất mặt hàng khung nhôm làm tăng năng suất lao động và cải tiến chất lượng sản phẩm. Các mặt hàng do Công ty ông Khải sản xuất đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, nên tạo được chữ tín và thương hiệu. Không dừng lại ở đó, ông Khải chịu khó nghiên cứu và thành công với mặt hàng tôn tráng kẽm từ dàn máy tráng kẽm tự sáng tạo. Sau nhiều năm đầu tư, hoạt động của công ty dần ổn định sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài. Tổng doanh thu năm 2009 là gần 64 tỷ đồng, giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 100 lao động, trong đó có 20 người là thương binh, bệnh binh và con em gia đình chính sách, nộp ngân sách Nhà nước gần năm tỷ đồng. Ông Khải còn tham gia đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, làm đường, quỹ khuyến học, quỹ xóa đói, giảm nghèo tại địa phương với số tiền hơn 80 triệu đồng. Có một con người, mặc dù vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh và hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhưng suốt 15 năm qua, đi khắp nơi tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội đưa về quê an táng và coi đó như một việc làm tri ân với những đồng đội đã ngã xuống. Đó là đồng chí Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội 584, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Bản thân đồng chí Lưu bị ảnh hưởng chất độc da cam, sinh ra hai người con đều không thể tự chăm sóc cho bản thân, nhưng đồng chí luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ là quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng đội của đồng chí trên đất bạn Lào. Qua 15 năm làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đồng chí và Đội 584 đã quy tập được 2.168 hài cốt liệt sĩ ở Lào và 521 hài cốt liệt sĩ trong nước về an táng tại quê hương. Những việc làm của đồng chí và Đội 584 đã làm vơi đi nỗi đau mất mát người thân của các gia đình liệt sĩ, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đội 584 đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ mới. Bản thân đồng chí Lưu được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đồng chí tâm sự, những việc làm của mình xuất phát từ tình cảm với đồng chí, đồng đội, những người đã hy sinh để mình được sống trong hòa bình ngày hôm nay. Với khuôn mặt đôn hậu, giọng nói trong trẻo, hiền lành, đặc trưng của người miền núi, bà Phạm Thúy Hiệp, vợ liệt sĩ, người vượt khó làm giàu tiêu biểu tại tỉnh Tuyên Quang đã khiến những đại biểu dự hội nghị cảm phục về nghị lực của một phụ nữ. Nỗi đau chồng hy sinh trong chiến tranh, bố mẹ đẻ mất, để lại mẹ chồng già yếu và con thơ dại đã không thể đánh gục người phụ nữ nghị lực ấy. Bà Hiệp chịu khó làm ăn kinh tế, ban đầu mở cửa hàng bán đồ lưu niệm, sau là cửa hàng tổng hợp, rồi mở thêm quán giải khát, cuộc sống gia đình dần khá hơn. Nhưng cũng chính vào lúc tưởng như yên ổn thì người con trai duy nhất của bà lại ra đi, để lại cho bà cô con dâu và cháu nhỏ sự cô đơn. Một lần nữa, ý chí và nghị lực phi thường của bà Hiệp đã giúp bà vượt lên sự mất mát đó. Cùng với con dâu, bà mở quán giải khát, cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, bà tích cực tham gia công tác xã hội, ủng hộ và vận động mọi người đóng góp các quỹ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Năm nào gia đình bà cũng được công nhận là gia đình văn hóa. Không trông chờ ỷ lại, bản thân bà và các thành viên trong gia đình không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình. Với những ký ức hào hùng không thể quên về những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Đinh Trung Sơn, thương binh 4/4, người dân tộc Thái ở Mai Sơn (Sơn La) tâm sự: Suốt 12 năm trong quân đội, từng chiến đấu ở những chiến trường ác liệt và bị thương nhiều lần nhưng ông không nản chí, mà còn lập được nhiều chiến công, được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen và giấy khen, ba năm liền được bình bầu là "Chiến sĩ quyết thắng". Khi trở về địa phương, ông Sơn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông có công lớn trong việc vận động bà con đang sinh sống tại lòng hồ thủy điện Sơn La di dời về quê hương mới ở Mai Sơn. Gia đình ông cũng là hộ đầu tiên dỡ nhà, làm gương cho mọi người làm theo. Về nơi ở mới, ông Sơn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Công việc ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng ông luôn cố gắng học hỏi, chịu khó nghiên cứu tài liệu, có tinh thần trách nhiệm, nắm chắc các đối tượng chính sách, làm tham mưu tốt cho cấp ủy và chính quyền để có biện pháp giúp đỡ người có công, trẻ mồ côi, người tàn tật, người già yếu cô đơn... Bản thân ông Sơn được nhân dân tin yêu, cấp trên tin tưởng. Hai người thương binh đến từ hai vùng đất khác nhau nhưng đều có chung tâm niệm: Còn sức thì còn cống hiến cho Tổ quốc bằng những việc làm bình dị hằng ngày, đúng như lời Bác Hồ dạy: "Tàn nhưng không phế". Đó là ông Thái Đại Phong, thương binh 3/4, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong ở thành phố Vinh (Nghệ An) và thương binh Lê Ngọc Tuấn, Phó Trưởng phòng PC17, Công an tỉnh Thanh Hóa. 15 năm công tác trong quân đội, ông Thái Đại Phong có hơn 10 năm chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia. Trở về đời thường với vết thương chiến tranh nhưng bằng tinh thần và nghị lực kiên cường của người lính, ông làm kinh tế thành công trong nghề mây tre đan xuất khẩu. Với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, đến nay, Công ty Đức Phong đã có doanh thu hằng năm hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ ở địa phương, trong số đó có nhiều người là cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, giúp họ có thu nhập ổn định. Công ty đã dạy nghề cho 20.000 người và mở rộng nghề đến 132 xã và 15 huyện. Đặc biệt, có những thương binh, bệnh binh nặng phải ngồi xe lăn, hỏng cả hai mắt nhưng vẫn lao động được và có thu nhập. Nhiều năm, Công ty Đức Phong được nhận nhiều giải thưởng cuộc thi sáng tạo, bằng khen vì thành tích sản xuất. Công tác tại một đơn vị đặc biệt của lực lượng công an chuyên phòng, chống các loại tội phạm về ma túy, thương binh Lê Ngọc Tuấn đem đến hội nghị hình ảnh về người lính trong cuộc sống hôm nay. Không ngại khó khăn, gian khổ, không nao núng tinh thần, bản lĩnh kiên cường, chịu khó rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, đồng chí Tuấn đã trực tiếp xác lập và phá thành công nhiều chuyên án, bắt hàng trăm đối tượng nguy hiểm, triệt phá nhiều đường dây buôn bán trái phép ma túy. Nhiều năm qua, đồng chí Tuấn được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Sự nỗ lực sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân của đồng chí thật đáng khâm phục. Những việc làm cao cả mà thầm lặng, hy sinh quyền lợi bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng không chỉ được người lính thể hiện trong chiến tranh, mà vẫn tiếp diễn trong cuộc sống hôm nay. Là cán bộ hưu trí, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi tại địa phương, ông Nguyễn Duy Tòng, thương binh 2/4 ở Tây Sơn (Bình Định), tích cực tham gia công tác xã hội, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thôn nhà. Ông và gia đình đã tự nguyện hiến 200 m2 đất thổ cư và đóng góp một triệu đồng, rồi vận động các gia đình có đất hai bên đường cùng hiến đất, đóng góp tiền san ủi mặt bằng làm đường cho thôn. Nhờ đó, thôn của ông đã có con đường khang trang, sạch đẹp, nhân dân phấn khởi đặt tên đường là "Ba Tòng". Ông Tòng còn tổ chức xây dựng câu lạc bộ dưỡng sinh cho các hội viên Hội Người cao tuổi, tổ chức chữa bệnh bằng máy ION Việt Nam cho 500 lượt người cao tuổi. Ông thường xuyên vận động hội viên thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng gia đình văn hóa", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền". Ông xứng đáng là tấm gương cho con cháu học tập, noi theo. Bà Phạm Thị Ngắn, vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh ở Tiền Hải (Thái Bình), người phụ nữ đã được nhiều người biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nỗi đau mất người chồng thân yêu, nỗi lo cho người mẹ già và bốn con nhỏ đang tuổi ăn học cùng với khoản nợ hơn 20 triệu đồng tưởng chừng đã quật ngã người phụ nữ ấy. Nhưng bằng nghị lực của bản thân, trách nhiệm của người con, người mẹ giúp bà Ngắn vượt lên tất cả. Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, bà tranh thủ đan các mặt hàng cói và thu gom các mặt hàng cói như túi, cặp, mũ rồi mang đi các chợ bán. Bà còn tạo ra các kiểu mũ cói mới, hướng dẫn phụ nữ trong xóm cùng đan thử và đã thành công. Sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận. Từ đó, bà Ngắn mạnh dạn đề xuất chính quyền tạo điều kiện đăng ký cơ sở sản xuất và tổ chức lớp dạy nghề đan mũ cho phụ nữ cùng làm. Đến nay, cơ sở của bà Ngắn đã tạo việc làm cho 3.000 lao động, với mức thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2009 là 13 tỷ đồng. Bà Ngắn còn tạo việc làm cho các cháu tàn tật, trẻ em mồ côi, con em thương binh, con liệt sĩ. Tiếp tục phát huy phẩm chất cách mạng Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt biểu dương những tấm gương người có công đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động sản xuất và hoạt động xã hội. Chủ tịch nước nhấn mạnh, những tấm gương đó, những tinh thần đó đáng để chúng ta tôn vinh, khâm phục và là bài học cho nhiều thế hệ mai sau. Tinh thần ấy đã đóng góp vào thành công Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Chủ tịch nước tán thành, trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công với nước; tuyên truyền biểu dương và nhân rộng điển hình những người có công "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; giáo dục sâu rộng trong nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa". Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chúng ta phải làm hết sức mình, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ nền độc lập, tự do đó, chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân ngày hôm nay. Đây là cách đền ơn, đáp nghĩa cao nhất, có ý nghĩa nhất đối với những người đã không tiếc xương máu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ đất nước. Chúng ta phải phát huy mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa phát triển giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu và cũng là mong ước của các Anh hùng, liệt sĩ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi cấp, mọi ngành và từng cá nhân phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách. Trong công tác này, chúng ta phải nhận thức rằng, làm bao nhiêu cũng không đủ, cũng không hết để đền đáp công ơn của những người đã ngã xuống, đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát biểu ý kiến nêu rõ, 63 năm qua, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, nhân dân và Quân đội ta luôn phát huy truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; làm tốt việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; bảo đảm cho các đối tượng chính sách từng bước có cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần. Những đóng góp đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quân đội, củng cố an ninh - quốc phòng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng, trong thời gian tới, các đơn vị toàn quân sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, đơn vị; thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội; tích cực tham gia có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; đẩy mạnh tiến độ tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ và thực h

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=179367&sub=130&top=37