Những tấm gương ham đọc và tự học

Nhân ngày Sách Việt Nam (21/4), TS Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) ra mắt cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học trong thời đại Hồ Chí Minh” (do Tân Việt Books và NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành).

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần đầu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếm gần nửa cuốn sách, trong đó tác giả tìm hiểu sự gắn bó của Hồ Chủ tịch với sách báo từ lúc nhỏ cho tới khi hoạt động cách mạng; quan điểm của Hồ Chủ tịch về vai trò, tác dụng của sách báo; phương pháp đọc sách báo và kỹ năng tự học của Hồ Chủ tịch… Phần hai, là những tấm gương tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS - nhà khoa học Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Đào Duy Anh, GS - bác sĩ Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Tụy…

TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, mỗi gương mặt xuất hiện trong cuốn sách đại diện cho một lĩnh vực gồm quân sự, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Theo tác giả, thông qua tấm gương về các chính khách và nhà khoa học lỗi lạc, mỗi người trong mỗi ngành nghề sẽ chọn được phương pháp đọc sao cho phù hợp. Ví như GS Tôn Thất Tùng chú trọng đọc sách phải kết hợp quan sát, thực nghiệm. GS Đào Duy Anh chú trọng phải tìm đến nguồn tài liệu gốc đồng thời thực hiện những chuyến điền dã. GS Hoàng Tụy đưa ra quan điểm phải “đọc toàn diện” chứ không chỉ đọc một lĩnh vực mà mình quan tâm…

Lợi thế của người làm trong ngành văn hóa cho tác giả cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài liệu quý cũng như gặp gỡ được nhiều người. Tuy vậy, tác giả đã ấp ủ trong vòng gần 10 năm mới hoàn thành được cuốn sách. Đặc biệt là phần viết về Bác Hồ với việc tự học cũng như phương pháp đọc sách báo của Người. Riêng những bài viết về các GS – nhà khoa học, tác giả dành khoảng 3 năm để viết.

Các chi tiết đưa vào sách đều được kiểm chứng thông qua nguồn tư liệu đáng tin cậy. Để viết về Hồ Chủ tịch, tác giả đến các khu di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia - nơi lưu trữ những nguồn tài liệu cần thiết. Không chỉ tra cứu những tư liệu sẵn có, TS Vũ Dương Thúy Ngà đã đến gặp gỡ, trò chuyện với những người thân trong gia đình các nhân vật được đề cập. Đó là vợ, con, hay những người thư ký lâu năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Đại tá Nguyễn Bội Dong, Đại tá Nguyễn Văn Huyên… Hay để kiểm chứng những chi tiết đã được một số báo viết về GS Tôn Thất Tùng, Đào Duy Anh… tác giả đã tìm gặp những người thân cận với tác giả. Còn với GS Hoàng Tụy, tác giả đã trực tiếp chuyện trò, phỏng vấn qua đó cung cấp cho độc giả những câu chuyện thú vị.

“Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi không có dụng ý hướng dẫn cho mọi người phương pháp tự học và đọc sách mà chỉ muốn gửi tới quý bạn đọc những câu chuyện nhỏ về cuộc đời và cuộc hành trình đến sự hiểu biết và sự sáng tạo của một số con người lỗi lạc trong thời đại của chúng ta”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ. “Cuốn sách này, cũng không phải là một tác phẩm văn học trong đó xây dựng các hình tượng về chân dung của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các GS: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy trong đọc sách và tự học mà chỉ ghi lại những quan điểm, những khoảnh khắc đáng ghi nhớ về một trong những yếu tố làm nên sự uyên bác của những con người đáng kính đó”.

Qua cuốn sách, tác giả mong muốn truyền tải những thông điệp, bài học của các nhân vật lỗi lạc tới giới trẻ về việc đọc sách, nhằm nâng cao văn hóa đọc.

Kim Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/nhung-tam-guong-ham-doc-va-tu-hoc/97081