Những sự kiện nổi bật của chính trường thế giới năm 2016

Những sự kiện chính trị nổi bật như Brexit, Tòa PCA bác yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi bức tranh địa chính trị thế giới trong năm 2016.

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà

Người dân Thái Lan để tang Nhà vua Bhumibol Adulyadej.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, băng hà vào lúc 15 giờ 52 phút chiều ngày 13/10 ở tuổi 88, sau 70 năm trên ngai vàng. Tin tức này đã khiến người dân Thái Lan cảm thấy vô cùng tiếc thương, bởi họ luôn rất tôn sung Nhà vua và coi ngài như người cha thứ hai.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thế giới, lên ngôi sau khi anh trai ông qua đời năm 1946. Trong suốt 7 thập kỷ trên ngai vàng, ông được xem là người đem lại “sự ổn định và thống nhất cho một quốc gia có nhiều thay đổi và vẫn còn chia rẽ sâu sắc".

Mới đây, hôm 1/12 Thái tử Maha Vajiralongkorn đã chính thức tiếp nhận ngôi vua và sẽ có buổi đăng quang chính thức một năm sau khi để tang Nhà vua Bhumibol Adulyadej.

Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời.

Nhà cách mạng của thế kỷ XX, Fidel Castro, qua đời ngày 26/11 ở tuổi 90. Do có công tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba, sáng lập Nhà nước XHCN đầu tiên tại Tây bán cầu, ông đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới.

Tang lễ của ông đã được Nhà nước Cuba tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 9 ngày. Với lòng biết ơn lãnh tụ Fidel Castro và vì mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba, Việt Nam để Quốc tang vào ngày 4/12.

Tham dự Lễ tang lãnh tụ Fidel Castro tại Cuba, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đảng Cộng sản Cuba, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em mất đi vị lãnh tụ kiệt xuất; phong trào Cộng sản và cách mạng quốc tế mất đi một nhà lãnh đạo kiên cường, quả cảm và dày dạn kinh nghiệm; Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một người đồng chí chiến đấu thủy chung, người anh em vô cùng thân thiết. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định các thế hệ người Việt Nam luôn khắc sâu trong trái tim câu nói bất hủ của lãnh tụ Fidel.

Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực.

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Phán quyết nêu rõ "không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử ở Biển Đông và cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là trái với UNCLOS.” Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Sau khi PCA đưa ra phán quyết, trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ quyết định của Tòa Trọng tài là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung trong việc giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, đại diện Nhật Bản cũng khẳng định, phán quyết của PCA tại La Hay, Hà Lan là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý, hối thúc các bên liên quan đến vụ kiện này cần phải tuân thủ.

Chiến thắng bất ngờ của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Cuộc bầu cử ngày 8/11 đi vào lịch sử Mỹ với chiến thắng vang dội của ứng viên tổng thống Donald Trump đảng Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên, Mỹ có tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân, là một tỉ phú, và quan trong là không hề có kinh nghiệm trên chính trường. Đặc biệt, vị tỷ phú New York cũng là Tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị người dân phản đối gay gắt.

Việc ông Trump đưa vào nội các mới nhiều tỉ phú cũng gây thích thú cho giới phân tích. Trong đó, có một số gương mặt xuất sắc về ngoại giao, tài chính, quốc phòng, an ninh, tình báo. Với sự thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin, ông Trump được cho là có thể cải thiện mối quan hệ Nga – Mỹ (NATO) căng thẳng lâu nay.

Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên

Bình Nhưỡng liên tục phóng thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân.

Trong năm 2016, tình hình căng thẳng trên báo đảo liên Tiên vẫn là một điểm nóng của thế giới với các bước đi của Bình Nhưỡng nhằm phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 1, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thực hiện thành công vụ hạt nhân lần thứ 4, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Chỉ ít ngày sau đó, CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2. Trong tháng 4 và 5, Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa tầm trung Musudan, được cho là có khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ, nhưng cả 5 lần đều không thành công.

Chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un còn tuyên bố đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, coi đây là một “thành công lớn”. Liên Hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và mạnh hơn đối CHDCND Triều Tiên, song theo các chuyên gia, các biện pháp này dường như không có tác động gì đối với tham vọng hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Bê bối liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc

Bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc.

Ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng nghĩa với việc bà bị đình chỉ chức vụ. Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để quyết định có chính thức phế truất nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc hay không. Trước đó, hàng chục nghìn người Hàn Quốc liên tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức với lý do chính là bà đã để bạn thân Choi Soon-sil can thiệp quá sâu vào chính sự, dùng ảnh hưởng cá nhân để trục lợi…

Bà Park có thể từ chức vào tháng 4/2017. Với nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2/2018, bà có thể trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc phải rời nhiệm sở trong bê bối.

Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – Brexit

Anh rời Liên minh châu Âu.

Việc đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đã gây sốc khắp châu Âu và gây chấn động thế giới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia bỏ phiếu rời khỏi khối gồm 28 thành viên. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã khiến thế giới bàng hoàng và gây ra sụt giảm giá trị trên các thị trường chứng khoán khắp thế giới.

Đối với người Anh, cuộc trưng cầu dân ý đã gây xáo trộn trên chính trường, với việc Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức, trong khi Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn thất bại trong một cuôc bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng. Ngoài ra, cử tri Anh tỏ ra hoang mang và đã xuống đường biểu tình phản đối Brexit.

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý lại và sẽ từ chức vào tháng 10 tới, để người kế nhiệm bắt đầu tiến trình Anh rút khỏi EU. Tiến trình đàm phán để Anh rời EU được dự đoán sẽ phức tạp và kéo dài, có thể mất tới 2 năm.

Nỗi lo khủng bố

Vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở TP Nice, Pháp.

Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều nước EU như Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… với mức độ tàn bạo gia tăng gây chấn động dư luận và cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước trong EU.

Bên cạnh vấn nạn khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư dai dẳng, những rối ren chính trị sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những lo ngại về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ... đang đặt EU trước những thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 ngày 15/7 và 16/7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại khiến hơn 37.000 người bị bắt và hàng chục ngàn người bị sa thải trong các cuộc thanh trừng sau đó. Cuộc đảo chính bất thành này khiến Tổng thống Erdogan ngày càng xa rời Mỹ, xích lại gần Nga, qua đó ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến Syria và tình hình Trung Đông.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-su-kien-noi-bat-cua-chinh-truong-the-gioi-nam-2016-276438.html