Những sóng gió khi tỷ phú Elon Musk lên tiếng về điểm nóng thế giới

Từ vấn đề Đài Loan cho đến xung đột tại Ukraine, những đề xuất của tỷ phú Elon Musk đang khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về quan điểm chính trị của nhà sáng lập tập đoàn Tesla.

Tỷ phú Elon Musk thường sử dụng tài khoản mạng xã hội Twitter của mình như một công cụ đắc lực. Ông Musk, thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân, đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận mua lại Twitter hay phê phán Tổng thống Joe Biden.

Gần đây, vị tỷ phú thuộc nhóm giàu nhất thế giới gần đây chuyển sang bàn luận đến những vấn đề địa chính trị nóng bỏng trên mạng xã hội.

Từ đề xuất những giải pháp gây tranh cãi cho cuộc xung đột ở Ukraine hay đưa ra nhận định về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), các bài đăng mạng xã hội của ông Musk đã nhận phải sự chỉ trích của các vị bộ trưởng ngoại giao và nguyên thủ quốc gia trên khắp châu Âu, theo Bloomberg.

Giờ đây, ông Musk một lần nữa gia tăng công khai quan điểm khi đe dọa cắt nguồn tài trợ cho mạng lưới vệ tinh Starlink do công ty Tesla phát triển vào hôm 14/10. Hành động trên sẽ cắt đứt một đường dây liên lạc then chốt của quân đội Ukraine trong chiến sự hiện nay.

Ông Musk sau đó đã thay đổi quyết định của mình, khi tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ dự án và cho phép Ukraine sử dụng miễn phí hệ thống vệ tinh Starlink.

Tuy ông Musk không phải vị doanh nhân hay người nổi tiếng đầu tiên có dính dáng đến chính trị và chính sách ngoại giao, tài sản trị giá nhiều tỷ đôla, cùng những hợp đồng quốc phòng "béo bở" do công ty của ông đảm nhiệm, khiến những ý kiến của vị tỷ phú gốc Nam Phi nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế.

Hệ thống vệ tinh Starlink đã trở thành một công cụ liên lạc quan trọng của Ukraine kể từ khi xung đột của nước này với Nga bùng phát. Ảnh: SpaceX.

Ảnh hưởng của Musk sẽ càng lớn nếu thỏa thuận mua lại mạng xã hội Twitter trị giá 44 tỷ USD của ông được thông qua. Điều này sẽ giúp ông kiểm soát dư luận theo một cách hoàn toàn mới, bằng cách kiểm soát nền tảng nơi những cuộc tranh luận và bày tỏ ý kiến diễn ra.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhà ngoại giao chú ý đến những bình luận của ông Musk, đồng thời cũng trấn an những đồng minh của nước này rằng vị tỷ phú gốc Nam Phi đưa ra những bình luận trên dưới góc độ là một công dân, và những bình luận trên không phản ánh quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden.

Ảnh hưởng chính trị của tỷ phú Musk

"Hệ thống vệ tinh Starlink và Twitter không có quy mô quá lớn khi nhìn dưới góc độ toàn cầu. Tuy nhiên, chúng lại có tầm quan trọng chiến lược đối với một vài quốc gia và đối tượng cụ thể", ông Jon Bateman, chuyên gia về công nghệ và quan hệ quốc tế tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, cho biết.

"Điều này có nghĩa rằng những phát ngôn của ông Musk, tuy về bản chất có phần đơn giản, không thể bị phớt lờ", ông Bateman bổ sung.

Với những mối quan hệ cấp cao trên toàn thế giới cùng sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế, nhiều người đang đặt câu hỏi về lý do tại sao tỷ phú Musk lại quyết định lên tiếng về các vấn đề địa chính trị toàn cầu.

Trước đó, chủ tịch tập đoàn Eurasia Ian Bremme đã viết trong một lá thư được công bố rộng rãi rằng ông Musk và lãnh đạo cấp cao Nga đã nói chuyện với nhau.

Ông Musk sau đó đã bác bỏ cáo buộc này, cho biết ông đã không nói chuyện với ông chủ Điện Kremlin trong 18 tháng, và chủ đề cuộc nói chuyện gần nhất giữa 2 người là về thám hiểm không gian.

Khi được hỏi về cuộc nói chuyện trên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết tỷ phú Elon Musk hành động trên phương diện một công dân bình thường.

Là người giàu nhất thế giới và thường xuyên phát ngôn trên truyền thông, ông Musk có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đối với tình hình quốc tế. Ảnh: BBC.

"Ông Musk không đại diện cho chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện trên", ông Kirby cho biết.

Nhiều người nổi tiếng có hành động hay xây dựng những mối quan hệ mang tính chính trị. Ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman từng tham dự các buổi tiệc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Nhưng ông Musk, với khối tài sản khổng lồ trên 200 tỷ USD cùng với sức hút lớn trên mạng xã hội, có sức ảnh hưởng vượt xa bất kỳ ngôi sao bóng rổ nào.

Công ty SpaceX do ông Musk sở hữu đã giành được nhiều hợp đồng phóng các vệ tinh quân sự của chính phủ Mỹ. Trong khi đó, nhà máy ôtô điện của Tesla đặt tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc là cơ sở sản xuất lớn nhất của tập đoàn này.

Hệ thống vệ tinh Starlink cũng được coi là một giải pháp để giúp người dân Iran có thể truy cập Internet trong thời điểm các cuộc biểu tình đang lan rộng ở quốc gia này. Đây là mục tiêu mà ông Musk nhắm đến khi đề nghị chính phủ Mỹ miễn các lệnh trừng phạt để triển khai vệ tinh tại quốc gia Trung Đông này.

"Các tỷ phú luôn muốn định hướng dư luận về những vấn đề quốc tế. Ngoài cựu Tổng thống Donald Trump, ông Musk là người duy nhất có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận chỉ bằng sức ảnh hưởng và hình ảnh cá nhân", ông Bateman nhận định.

Xung đột tại Ukraine

Một trong những cuộc tranh luận thu hút nhiều sự chú ý liên quan đến hệ thống vệ tinh Starlink diễn ra chỉ một vài ngày trước. Theo đó, vào cuối tuần trước, trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Musk đã đề nghị Ukraine nhượng lại vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ một người như tỷ phú Musk quan tâm và lên tiếng về vấn đề này là điều đáng hoan nghênh, theo Tass. Trong khi đó, phía Ukraine bác bỏ quan điểm của ông Musk.

Vào hôm 14/10, ông Musk cho biết công ty SpaceX của ông không thể tiếp tục gánh vô thời hạn chi phí hoạt động của hệ thống vệ tinh Starlink tại Ukraine khi đã chi hơn 80 triệu USD để duy trì hoạt động của hệ thống này.

Trong một thông báo, ông Musk cho biết phải huy động phần lớn nguồn lực của SpaceX để bảo vệ hệ thống Starlink.

Binh sĩ Ukraine nhận chảo thu tín hiệu từ hệ thống vệ tinh Starlink. Ảnh: Newsy.

Trước diễn biến này, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết dù thích hay không những phát ngôn của tỷ phú Musk, "ông đã có những đóng góp quan trọng cho chúng tôi".

"Ukraine sẽ tìm kiếm những giải pháp để giữ hệ thống Starlink hoạt động. Chúng tôi hy vọng hệ thống vệ tinh trên sẽ hoạt động ổn định cho tới khi quá trình đàm phán hòa bình kết thúc", ông Podolyak cho biết.

Đến hôm 16/10, tỷ phú Musk đồng ý sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ vệ tinh Starlink cho Ukraine.

"Các công ty khác đang kiếm được hàng tỷ USD từ tiền thuế của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ người dân Ukraine", ông Musk cho biết.

Tương lai của Đài Loan

Trả lời tờ Financial Times, chủ tịch tập đoàn SpaceX cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi đề xuất Đài Loan đồng ý trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Musk gặp phải những chỉ trích từ các lãnh đạo tại Đài Loan. Một người trong số này còn tuyên bố hòn đảo sẽ dừng mua các sản phẩm được sản xuất bởi công ty Tesla.

Trung Quốc chiếm 25% tổng doanh thu của hãng xe điện Tesla do ông Musk sáng lập.

Thị trường Trung Quốc chiếm 25% doanh thu của tập đoàn xe điện Tesla. Ảnh: VCG.

Theo Reuters, đề xuất của ông Musk về vấn đề Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, người đã ca ngợi vị tỷ phú Nam Phi trên mạng xã hội.

"Tôi muốn cảm ơn Elon Musk vì lời kêu gọi hòa bình trên eo biển Đài Loan và ý tưởng của ông ấy về việc thành lập một đặc khu hành chính cho hòn đảo", Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương chia sẻ trên Twitter hôm 9/10.

Trước việc vị tỷ phú Mỹ đang tích cực bày tỏ quan điểm về những vấn đề quốc tế nóng bỏng, ông Ivo Daalder - chủ tịch Hội đồng Quan hệ Toàn cầu và cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - nhận định việc tách rời ảnh hưởng kinh tế của tỷ phú Musk với những điều ông đang nói là "một thách thức".

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-song-gio-khi-ty-phu-elon-musk-len-tieng-ve-diem-nong-the-gioi-post1366484.html