Những rủi ro với quân đội Mỹ khi tham chiến ở nước ngoài

Trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau, quân đội Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới ngay chính tại các địa bàn đang tham chiến.

Thủy quân lục chiến "giao tiếp" với một máy bay trực thăng MH-60S của Hải quân trong quá trình huấn luyện tại Naval Air Station Fallon của Mỹ ở Nevada, ngày 7/4/2011.

Mỹ không đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, tuy nhiên, sự cạnh tranh công nghệ giữa hai cường quốc này vẫn đang diễn ra gay gắt. Và các lực lượng đặc nhiệm và thông thường của Mỹ đang và sẽ, trực tiếp hoặc gián tiếp, đối diện với công nghệ của Trung Quốc có thể cản trở họ thực thi nhiệm vụ tại các “điểm” hiện diện.

Mấu chốt của sự xung đột này chính là công nghệ 5G, thế hệ công nghệ viễn thông di động tân tiến nhất hiện nay dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi trong tương lai trên toàn cầu.

Học viên Trung tâm Tác chiến Đặc biệt John F. Kennedy của Quân đội Hoa Kỳ sử dụng điện thoại di động trong quá trình huấn luyện ở Bắc Carolina, ngày 22/10/2019.

Công nghệ 5G là gì?

Cứ sau khoảng 10 năm, một thế hệ thông tin di động mới sẽ được ra mắt. Thế hệ đầu tiên 1G xuất hiện với sự ra đời của điện thoại di động. Thế hệ 2G mang tới khả năng phủ sóng và nhắn tin tốt hơn. Thế hệ 3G cung cấp dữ liệu và các dịch vụ trực tuyến, và hiện tại thế hệ 4G Long Term Evolution (LTE) mang tới sự cải thiện về dung lượng mạng và tốc độ đáp ứng nhu cầu cao về dữ liệu di động.

Về lý thuyết, công nghệ 5G có tốc độ tải xuống (download) nhanh hơn 100 lần so với 4G, có nghĩa chỉ mất 35 giây, thay vì 40 phút, để tải trọn một bộ phim có dung lượng 3 gigabyte. Công nghệ 5G giảm độ trễ chỉ còn 1/10 so với thế hệ tiền nhiệm 4G, với thời gian phản hồi dữ liệu nhanh ở mức 1/1000 giây.

Công nghệ 5G hứa hẹn một sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ thông tin, qua đó, giúp những ý tưởng bấy lâu chỉ có trong có trong phim ảnh như phẫu thuật từ xa, thành phố thông minh và phương tiện tự hành – trở thành hiện thực, không còn xa vời.

Thủy quân lục chiến Mỹ thiết lập một ăng-ten tần số cao trong một cuộc diễn tập thực địa tại Trại Lemonnier ở Djibouti, ngày 29/1/2010.

Trung Quốc và con bài 5G

Sự phát triển của công nghệ 5G là một vấn đề quốc tế. Một số công ty đang áp dụng những tiến bộ của 5G vào việc nghiên cứu các dịch vụ chủ yếu dành cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc Huawei - bị nghi ngờ đánh cắp công nghệ 5G từ một công ty Canada thông qua các cuộc tấn công mạng - đã triển khai công nghệ 5G của mình trên toàn thế giới.

Theo Business Insider, luật An ninh quốc gia đặc biệt của Trung Quốc yêu cầu các cá nhân và công ty hợp tác với các cơ quan an ninh của Trung Quốc. Chính vị vậy, các công nghệ của Huawei đang được lắp đặt và sử dụng ở các nước trên thế giới rất có thể sẽ trở thành rủi ro, hiểm họa với quyền riêng tư và an ninh quốc gia của các nước nó. Lý do được cho là thông qua Huawei, Bắc Kinh có thể do thám hoặc làm gián đoạn cơ sở hạ tầng và hoạt động trong thời bình cũng như thời chiến.

Chính bởi vậy, nhiều chính phủ đã nhận ra mối nguy hiểm và cấm Huawei tham gia mạng lưới của họ. Chính phủ Anh đã làm như vậy vào năm 2020 và 1 năm sau, Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ đã coi Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia sau khi xuất hiện một số cuộc tấn công mạng của Trung Quốc.

Thế nhưng, bất chấp những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật, một số quốc gia - đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latinh - vẫn chuyển sang sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc do chi phí thấp.

"Trung Quốc tìm cách thay thế cạnh tranh viễn thông toàn cầu bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ ở khắp các nước đang phát triển. Nói tóm lại, Trung Quốc tiếp tục sử dụng công cụ "ngoại giao nợ" như một phương thức kiểm soát thương mại ở những nơi như châu Phi và Đông Nam Á, cũng như thâm nhập thị trường châu Âu và Nam Mỹ với công nghệ 5G", Herm Hasken, đối tác và cố vấn hoạt động cấp cao tại MarkPoint Technologies, trả lời phỏng vấn của Business Insider.

Để đổi lấy các khoản vay khổng lồ và cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng và mạng viễn thông, Bắc Kinh có được quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như dầu mỏ và khoáng sản. Trong một số trường hợp, Trung Quốc có thể đòi quyền đối với các dự án cơ sở hạ tầng đó khi nước chủ nhà không trả được nợ.

Sự gia tăng của công nghệ 5G cũng đặt ra những mối đe dọa đối với chính Mỹ.

Cơ quan An ninh Quốc gia và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Mỹ, gần đây, đã đưa ra một tư vấn, xác định 5 mảng dễ bị tổn thương liên quan đến 5G như Thiết kế và kiến trúc của mạng 5G; Chuỗi cung ứng 5G dễ bị tổn thương; Sử dụng 5G trên nền tảng cơ sở hạ tầng cũ, có khả năng bị xâm phạm; Cạnh tranh hạn chế trên thị trường 5G; và Các lỗ hổng mới, chưa xác định;

Các hoạt động đặc biệt và 5G

Lực lượng đặc nhiệm và lực lượng thông thường sẽ phải đối phó với các thách thức từ 5G khi triển khai các nhiệm vụ trong chiến đấu như trinh sát và các nhiệm vụ khác.

"Lực lượng đặc biệt và các lực lượng đối tác của lực lượng này sẽ ngày càng phải đối mặt với các mối đe dọa dựa trên công nghệ nước ngoài khi được triển khai trên toàn cầu. Đặc biệt là trường hợp cơ sở hạ tầng viễn thông do Trung Quốc và Nga sản xuất và kiểm soát được lắp đặt".

Ví dụ: khi một đội thuộc Lực lượng Đặc biệt Lục quân hoặc một trung đội SEAL của Hải quân Mỹ triển khai ở nước ngoài phục vụ các hoạt động chiến đấu hoặc làm việc với các lực lượng đối tác, họ có chữ ký điện tử và trực tuyến. Các mạng cục bộ tích hợp có thể được sử dụng để thu thập thông tin về sứ mệnh và danh tính của họ cũng như các thông tin liên quan đến kỹ chiến thuật của họ… Người đứng đầu Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về hoạt động quân sự của Hoa Kỳ khu vực Nam Mỹ, đã mô tả sự hiện diện của cơ sở hạ tầng CNTT Trung Quốc là một rủi ro đối với các hoạt động trao đổi giữa quân đội Mỹ với quân đội các đối tác.

Theo Hasken, người từng làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia với tư cách là chuyên gia mật mã trưởng của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Hoa Kỳ, Sáng kiến Nhà điều hành được kích hoạt siêu tốc – HEO của SOCOM được thiết kế nhằm cung cấp cho lực lượng đặc nhiệm (SOF), Cyber và các lực lượng thông thường các công cụ nhận thức tình huống sẽ giải quyết các mối đe dọa đó trong môi trường thông tin đầy tranh chấp và tắc nghẽn", Hasken nói.

Sự phổ biến của công nghệ 5G cũng mang lại cơ hội cho các lực lượng hoạt động đặc biệt, đặc biệt là khi tiếp cận và cung cấp thông tin - cả hai điều là cần thiết để định hình không gian chiến đấu.

Theo Business Insider, 5G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cách chúng ta làm việc và giao tiếp, nhưng nó cũng có thể gây ra những rủi ro bảo mật mà nếu không được giải quyết, thậm chí có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

(Theo Business Insider)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-nghe-5g-va-nhung-rui-ro-voi-quan-doi-my-157467.html