Những rủi ro và thách thức của công nghệ kỹ thuật số

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN) đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống con người trên tất cả các lĩnh vực, giúp thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các nước trên thế giới, khiến cuộc sống trở nên tiện lợi hơn.

Rủi ro và thách thức của công nghệ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, KHCN cũng mang lại những rủi ro, thách thức không nhỏ đòi hỏi chúng ta phải biết và khắc phục. Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Những rủi ro và thách thức của công nghệ kỹ thuật số” với nội dung như sau:

Sự tiến bộ của KHCN đã được áp dụng vào gần như mọi khía cạnh của đời sống con người, trong đó có dịch vụ tài chính. Trong vài năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của các công ty khởi nghiệp về KHCN trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Chúng ta đã thấy quen thuộc với những cái tên mới nổi như PayPal, iZettle và Ripple cho các dịch vụ tài chính hàng ngày.

Đối với ngành ngân hàng, sự phát triển của KHCN một mặt giúp khách hàng được tiếp cận và vay vốn tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả hơn, từ đó góp phần thúc đẩy lưu thông tiền tệ, hỗ trợ kinh tế phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của KHCN trong lĩnh vực này cũng mang lại những rủi ro nhất định, gồm đối tác tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động.

Trước hết liên quan đến đối tác tín dụng là khó xác định được tài sản thực của đối tác, quy mô cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Rủi ro về thị trường liên quan đến việc tập trung cho các doanh nghiệp tiếp cận được KHCN mà không quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp chưa có điều kiện này, đặc biệt là ở những vùng xa xôi. Cuối cùng, rủi ro liên quan đến hoạt động là sự đổ vỡ của hệ thống công nghệ thông tin, các phần mềm độc hại, tin tặc, tội phạm mạng, làm ảnh hưởng, thất thoát tiền của nhà nước.

Để phát triển một cách hiệu quả, các quốc gia cần quan tâm đến hai khía cạnh chính là tài chính và công nghệ.

Khía cạnh đầu tiên liên quan đến các biện pháp pháp lý trong lĩnh vực tài chính để tránh những rủi ro phát sinh khi áp dụng công nghệ tài chính. Hiện có hai cơ quan chính tham gia trong việc điều hành lĩnh vực này ở Indonesia. Ngân hàng trung ương Indonesia quy định hệ thống thanh toán và các chính sách đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô, tổ chức “Financial Services Authority” thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Khía cạnh thứ hai cần quan tâm là lĩnh vực công nghệ thông tin đóng vai trò như các mạch máu để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp. Thực tế, có nhiều các ngân hàng thực hiện chuyển khoản, thanh toán qua mạng điện thoại di động, do đó cần quan tâm, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ di động trong việc lưu thông tiền tệ. Ngoài ra, về lâu dài sự đổi mới trong ngành công nghệ thông tin cũng đòi hỏi các chính phủ cần quan tâm và đầu tư đúng mực.

T.Hằng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-rui-ro-va-thach-thuc-cua-cong-nghe-ky-thuat-so.aspx