Những quyển sách gây thương nhớ về mái trường thân thương

Lịch sử xuất bản đã đánh dấu nhiều cuốn sách về thầy cô và mái trường. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, một số cuốn sách về đề tài này tiếp tục được giới thiệu đến độc giả.

Sau “Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân”, gần đây "Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè" của cô giáo trẻ Hồ Yên Thục đã “chào đời”. Viết về thế giới học đường sôi nổi qua hành trình học online dài đằng đẵng của cô và trò với biết bao tình huống "hài hước khó đỡ" suốt thời gian qua, "Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè" mang đến liều thuốc bổ đầy niềm vui dành cho độc giả.

Biết bao câu chuyện đã xảy ra ở “học quán nhỏ” của cô giáo trẻ - nơi người giáo viên phải tự trau dồi kinh nghiệm xử lý mà chưa từng qua một khóa đào tạo nghiệp vụ nào. Cô giáo phải đủ kỹ năng, linh hoạt với đa dạng sinh viên "đến từ các hành tinh ngoài vũ trụ", cho đến “những tâm hồn mong manh trong thân hình vạm vỡ”...

Nếu "Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè" chan chứa nụ cười thì cuốn sách “Bụi phấn” (nhiều tác giả) mang đến cho độc giả những câu chuyện cảm động và ấm áp tình thầy trò. Với 4 chủ đề chính “Tận tụy và thấu hiểu”, “Cảm thông và nâng đỡ”, “Chạm đến trái tim - Thay đổi cuộc đời”, “Tri ân và những bài học quý báu”, 52 câu chuyện trong cuốn sách như một lời tri ân dành cho những người thầy, người cô vẫn ngày ngày thầm lặng đưa các thế hệ học trò của mình qua dòng sông tri thức để đến được những chân trời rộng mở với biết bao ước mơ và hoài bão. Hình ảnh thầy cô qua những câu chuyện trong “Bụi phấn” thật gần gũi và ấm áp, và độc giả như thấy chính mình trong những câu chuyện được kể về một thời cắp sách đến trường.

Trong khi đó, "Bài giảng cuối cùng" của tác giả Randy Pausch và Jeffrey Zaslow mang đến sự quyết tâm trong tâm thức con người, luôn lạc quan, tin và vượt qua những thử thách đang chờ đợi.

Giả như đây là cơ hội cuối cùng thì ta có thể gửi gắm thông điệp gì đến mọi người? Nếu ngày mai phải ra đi thì ta muốn cái gì sẽ là di sản để lại cho đời? Khi Randy Pausch, Giáo sư Tin học giảng dạy tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng, bởi ông vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông có tựa đề “Chạm tay vào ước mơ tuổi thơ” không phải là về cái chết, mà là về quá trình vượt qua các chướng ngại, về việc lan tỏa cách thức hiện thực hóa ước mơ đến người khác và không bao giờ để hoài phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời, bởi: “Thời gian là tất cả những gì bạn có. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bạn có ít hơn là bạn nghĩ”.

Randy mong muốn bài giảng này như một lời kêu gọi tới các đồng nghiệp và sinh viên, “hãy tiếp tục khi không có tôi đồng hành, tôi tin rằng họ sẽ kiến tạo nên những điều vĩ đại”. Và các sinh viên của Randy Pausch sau khi bước ra từ giảng đường Đại học Virginia đã gia nhập đội ngũ sáng tạo ở khắp các doanh nghiệp với những ký ức về người thầy từng nói: “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”.

Phương Hoa (Theo hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/70716/nhung-quyen-sach-gay-thuong-nho-ve-mai-truong-than-thuong.html