Những quan niệm khác nhau về sự già đi của con người

Thế giới không có sự thống nhất hay định nghĩa chính xác về việc lão hóa bắt đầu khi nào, diễn ra như thế nào và tại sao nó lại diễn ra.

Lão hóa là gì?

Sinh học là không ngừng nghỉ, không tĩnh lặng. Cơ thể chúng ta liên tục thay đổi để đáp lại các nhân tố bên trong, và cả từ thế giới bên ngoài. Nhà sinh học Richard Walker từng nói, “Như kết quả của sự thay đổi diễn ra không ngừng nghỉ này, sự lão hóa, hạt giống của cái chết, đã được ươm mầm vào cái ngày mà chúng ta được trao cho sự sống.”

Trong quyển sách của mình nhan đề Vì sao chúng ta già: Cái nhìn cận cảnh vào nguyên nhân lão hóa, Walker miêu tả thời niên thiếu của mình ở Mỹ những năm 50 và 60, một gã thiếu niên nổi loạn, luôn khát khao theo đuổi lý tưởng tuổi trẻ, sự tự do và niềm vui.

Nhưng khác với phần lớn bạn bè đồng trang lứa, ẩn sâu trong lòng ông là nỗi sợ, nếu không muốn nói là sự căm ghét tột độ tuổi già. Ông viết, “Một trong những điều tuyệt vời nhất của tuổi trẻ là bạn luôn tin rằng không có bất kỳ giới hạn nào mà bạn không chạm tay tới được. Do đó, vào một buổi tối nọ, khi đang lái chiếc xe bốn bánh cổ điển TF mẫu MG 1954 với tất cả sự nhiệt huyết tuổi trẻ chảy hừng hực trong cơ thể và tâm hồn, tôi quyết định bắt đầu tìm kiếm phương thức chữa bằng được chứng lão hóa”.

Nhưng còn đó một câu hỏi lớn: Đâu là giai đoạn mà những thay đổi liên tục trong cơ thể con người không còn đem lại giá trị tốt đẹp nữa - thúc đẩy mô và các cơ quan phát triển hoàn thiện và tối ưu hóa chức năng, và thúc đẩy cơ thể hướng tới sự hài hòa với môi trường sống của chúng - thay vào đó là sự tàn phá? Nói cách khác, lão hóa là gì?

“Sự lão hóa là tổng hòa những thay đổi có hại diễn ra một cách phổ biến, liên tục và âm thầm từ bên trong cơ thể,” một bác sĩ lão khoa cho biết. “Lão hóa là sự thất bại dần dần của hệ thống miễn dịch trong cơ thể,” một người khác phát biểu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Một bác sĩ khác nữa lại cho rằng, “Lão hóa thực chất là một căn bệnh - hoặc bạn có thể gọi nó là hội chứng siêu bệnh tật.” “Tôi cho rằng sự phá hủy theo thời gian chính là lão hóa.” “Nó có nghĩa là chết dần từ bên trong.”

Không hề có sự thống nhất hay định nghĩa chính xác về việc lão hóa bắt đầu khi nào, diễn ra như thế nào và tại sao nó lại diễn ra, các nhà khoa học nghiên cứu về quá trình này vẫn đang nhắm vào những mục tiêu mờ mịt đâu đó trong màn sương, cố gắng tìm ra các quy luật của trò chơi dường như đang diễn ra trước mắt.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc đối phó với tuổi già chỉ tập trung vào việc chữa trị từng chứng bệnh một - như ung thư, đột quỵ và chứng mất trí nhớ - những thứ hoàn toàn thuộc về bệnh lý và rất rõ ràng.

Chưa bàn đến suy nghĩ bình dân, ngay cả trong trường đào tạo y khoa cũng không đánh giá đúng về sự thật rằng lão hóa mới chính là vấn đề - rằng những căn bệnh kể trên thật ra chỉ là triệu chứng, là dấu hiệu kết thúc trò chơi - và cũng bởi vì lão hóa là một quá trình tự nhiên chắc chắn sẽ đến nếu ta may mắn không chết lúc còn trẻ, điều đó không có nghĩa việc già đi là một quá trình lành mạnh hay thứ không thể kiểm soát.

Nhà triết học và khoa học Hy Lạp Aristotle, sống vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, tin rằng lão hóa là sự nguội lạnh dần các cơ quan nội tạng - hay nói cách khác, sự lụi tàn của ngọn lửa nội tâm.

Người Trung Hoa cổ đại tin rằng nó là kết quả của sự mất cân bằng hay mất đi những tinh chất quan trọng vốn lưu trữ trong thận, thứ giúp duy trì mọi hoạt động, chức năng của cơ thể. Điều này là nền tảng của y học cổ truyền Trung Hoa ngày nay, trong đó sử dụng thuật châm cứu, thực phẩm đặc biệt và phối thảo dược để duy trì sự cân bằng âm dương trong cơ thể - nguồn năng lượng tiêu cực và tích cực - nhằm duy trì sức khỏe và tuổi trẻ.

Cũng vì lẽ đó, hầu hết các hình thức tăng cường sức khỏe ngày nay, như yoga, thiền, massage với tinh dầu thơm và sử dụng thảo dược, đều có nguồn gốc từ những niềm tin và phong tục cổ xưa từ Ấn Độ chống lại sự hủy hoại của thời gian.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-quan-niem-khac-nhau-ve-su-gia-di-cua-con-nguoi-post1460531.html