Những 'quả bom nước' chưa phát huy hết năng lực tưới tiêu

Không thể phủ nhận lợi ích mà những công trình thủy lợi ở Gia Lai đem lại. Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình chưa phát huy hết năng lực tưới như thiết kế ban đầu. Cần khai thác sớm những 'quả bom nước' trước khi nó xuống cấp, hư hại.

“Chảo lửa” mong chờ nước

Người dân vùng “chảo lửa” Krông Pa (Gia Lai) bao năm qua đã chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng kéo dài khiến vùng đất này luôn khô khát, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Các công trình thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng để giữ, điều tiết nước. Hơn cả là góp phần phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công trình thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga ( huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)

Bởi vậy, năm 2004, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ia Mlah (thủy lợi Ia Mlah) với tổng vốn thời điểm đó 396 tỷ đồng. Lòng hồ và đầu mối công trình thuộc địa giới hành chính xã Ia Mlah và xã Đất Bằng, đều thuộc huyện Krông Pa. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010 với hệ thống kênh chính dài 17,5km, năng lực tải nước 4,2m3/s; kênh cấp I dài 34,23km, kênh nhánh dài 25,37km.

Trong vùng tưới thủy lợi Ia Mlah nhưng nhiều năm qua, hơn 2ha mía và hoa màu của bà R’Ô H’Đinh (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) vẫn chưa được hưởng giọt nước nào từ công trình hồ thủy lợi này. Nguyên nhân, hệ thống kênh mương phụ chưa được đầu tư xây dựng đến khu vực sản xuất của gia đình. Để trồng hoa màu, vợ chồng bà H’Đinh phải sử dụng máy bơm để bơm nước từ suối lên tưới chống hạn cho cây trồng, tốn kém nhiều chi phí. “Mong nhà nước làm kênh mương tới đồng mình lắm. Có nước, mình không phải tốn tiền mua máy bơm, ống nước nữa” - bà H’Đinh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sang - Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pa (Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai) cho hay, theo thiết kế diện tích tưới của thủy lợi Ia Mlah khoảng 5.150ha, trong đó tưới tự chảy 3.862ha và tưới tạo nguồn 1.288ha. Tuy nhiên, hiện nay, do hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện nên tổng diện tích thực tưới của công trình mới đạt gần 3.000ha (600ha lúa nước 2 vụ, còn lại cây trồng khác). Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2026, công trình sẽ được đầu tư thêm hệ thống kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 20km. Khi đó, diện tích tưới cũng sẽ tăng lên.

Tại huyện Chư Pưh , theo thiết kế, hệ thống thủy lợi Plei Thơ Ga dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 620ha lúa 2 vụ và 1.000ha cây công nghiệp. Công trình thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh ở thời điểm hiện tại và 28.300 người vào năm 2035.

Tuy nhiên, dự án chỉ xây dựng kênh chính dài hơn 7km, kênh nhánh N2 dài hơn 1km và N4 dài 641m. Hệ thống kênh tưới không được đầu tư mà tận dụng từ kênh của 2 đập dâng đã có từ nhiều năm trước. Trong khi đó, kênh dẫn của 2 đập này khá nhỏ, nhiều đoạn đã xuống cấp, thậm chí thấp hơn mặt ruộng khiến hiệu quả sử dụng thấp. Bởi vậy, dù hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga đi vào hoạt động thì cũng mới chỉ tưới cho khoảng 250ha lúa 2 vụ, bằng 40% năng lực tưới theo thiết kế ban đầu.

Đầu tư thiếu đồng bộ

Huyện Krông Pa (Gia Lai) có nhiệt độ nóng nhất tỉnh nên người dân rất cần nước để canh tác

Lý giải về việc nhiều thủy lợi đầy nước nhưng nước không đến cánh đồng, ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, các công trình mới xây dựng giai đoạn 2017-2021 (như Tầu Dầu 2, Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Plei Keo…) do nguồn vốn đầu tư công hạn chế nên mới chỉ đầu tư xây dựng cụm đầu mối và hệ thống kênh chính, kênh cấp I.

Theo ông An, để sớm phát huy hiệu quả công trình đã đầu tư, với vai trò là cơ quan chuyên môn về xây dựng công trình NN&PTNT, sở sẽ đôn đốc chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương thực hiện Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai đảm bảo đúng tiến độ, theo chủ trương đầu tư được duyệt (hoàn thành năm 2026), sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất.

Ông An chia sẻ, hiện tỉnh đã nâng cấp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống cho 13 công trình thủy lợi các loại; tiếp tục nâng cấp 6 hồ chứa nhỏ tại các huyện Đak Pơ, Đức Cơ và thị xã An Khê từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Ông Đặng Lê Minh - Bí thư Đảng ủy xã Chư Don (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, địa phương có khoảng 250ha lúa nước có thể canh tác 2 vụ. Tuy nhiên, vào vụ Đông Xuân, người dân chỉ sản xuất được khoảng 100ha, diện tích còn lại bỏ không vì không đủ nước.

TIỀN LÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-qua-bom-nuoc-chua-phat-huy-het-nang-luc-tuoi-tieu-post1559001.tpo