Những phương pháp điều trị sùi mào gà ở trẻ em

Sùi mào gà có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc không. Ở trẻ nhỏ, HPV đa số không phải do lây truyền qua đường tình dục.

1. Đại cương:

Sùi mào gà (Condylomata acuminata) là bệnh do nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) biếu hiện ở vùng sinh dục, đặc trưng bởi các sẩn hoặc mảng có màu da hoặc tăng sắc tố. sùi mào gà có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc không. Ở trẻ nhỏ, HPV đa số không phải do lây truyền qua đường tình dục.

2. Dịch tễ:

Dữ liệu về dịch tễ bệnh sùi mào gà trẻ em còn hạn chế, và tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không rõ. Theo ước tính, độ tuổi trung bình mắc bệnh ở trẻ em từ khoảng 2,8 – 5,6 tuổi. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ nữ.

3. Căn nguyên:

Sùi mào gà là do HPV – một loại virus DNA sợi kép, hiện nay đã tìm ra hơn 130 type. Mặc dù sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, trong khi đó type HPV gây biểu hiện sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Type HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da (type 1-4, đặc biệt là type 2 và 3) thường được phát hiện ở tổn thương sùi mào gà ở trẻ em.

Muốn hết khô âm đạo khi quan hệ, hãy làm theo cách sau

Cụ ông 82 tuổi chia sẻ cách "chấm dứt" Đờm, Ho, Khó thở vì Hen suyễn

Một nghiên cứu tổng quan năm 2010, cho thấy trên 200 bệnh nhân sùi mào gả trẻ em thì có 56% do type 6 hoặc 11; 12% do type 1-4; 4% là type 16 hoặc 18.

Các con đường nhiễm HPV ở trẻ em thường gặp:

- Qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp.

- Tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da.

- Do bị lạm dụng tình dục.

- Truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở.

- Từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV (tuy nhiên khả năng này rất ít khi xảy ra).

4. Biểu hiện lâm sàng:

Sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi “tổn thương dạng súp lơ”. Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và ít thấy ở thân dương vật. Ở trẻ nữ có thể gặp ở quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo và khu vực quanh lỗ niệu đạo. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng.

Sùi mào gà thường ít có triệu chứng cơ năng, có thể gây ngứa, đau hoặc chảy máu.

5. Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định bệnh sùi mào gà chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp lâm sàng không rõ có thể làm thêm giải phẫu bệnh và PCR HPV.

Chẩn đoán phân biệt:

- U mềm lây.

- Sẩn hình tháp quanh hậu môn (Pyramidal perianal papules): là tổn thương búi trĩ hình tháp, thường đơn độc, đường kính < 2cm, thường gặp ở trẻ nữ. Bệnh thường tự thoái triển theo thời gian.

- Sẩn giang mai.

- Bớt thượng bì.

6. Điều trị:

Có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà ở trẻ em, bao gồm các biện pháp can thiệp cơ học và hóa học.

- Thuốc bôi: thuốc được khuyến cáo có thể dùng ở trẻ em bao gồm: Imiquimod và podophyllotoxin.

+ Imiquimode: dạng kem 5% hoặc 3,5 %. Thời gian điều trị kéo dài từ 6-12 tháng. Chưa có bằng chứng rõ rệt về độ an toàn khi sử dụng cho trẻ <12 tuổi. Tác dụng phụ hay gặp: gây kích ứng tại chỗ cho trẻ.

+ Podophyllotoxin: 0,5%; 25%. Hiệu quả điều trị khá cao, tuy nhiên khó dung nạp ở trẻ em.

Điều trị sùi mào gà ở trẻ em bằng thuốc bôi có tỷ lệ tái phát khá cao.

- Laser/ phẫu thuật:

+ Thường để điều trị trong trường hợp tổn thương lớn (> 1 cm) và không đáp ứng với điều trị thuốc bôi tại chỗ. Có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser CO2, cắt bỏ tổn thương…

+ Nhược điểm: gây đau và trong một số trường hợp để lại các sang chấn tâm lý cho trẻ.

- Một số phương pháp điều trị khác đã được sử dụng: acid tricloacetic, 5 FU, sinecatechins, cidofovir tại chỗ, cimetidine. Tuy nhiên, hiệu quả và tính an toàn đối với trẻ em chưa được làm rõ.

Trong nhiều trường hợp, sùi mào gà ở trẻ em có thể tự thoái triển trong vòng 2 năm. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng khi tổn thương kèm theo các triệu chứng ngứa, đau, chảy máu, cảm thấy khó chịu, và trong trường hợp tổn thương kéo dài trên 2 năm.

Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Huyền Thương

(BV Da liễu Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-phuong-phap-dieu-tri-sui-mao-ga-o-tre-em-n134670.html